Thua lỗ nặng, doanh nghiệp vận tải đường biển bán trụ sở trả nợ

Kinh tếThứ Bảy, 07/07/2018 16:03:00 +07:00

Mới đây, Công ty cổ phần Vận tải biển Hải Âu (SSG) đã chính thức thông báo hoàn tất việc bán trụ sở chính để lấy tiền trả nợ khoản vay dài hạn tại Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank).

Tính đến ngày 31/12/2017, Công ty cổ phần vận tải biển Hải Âu đang lỗ lũy kế tới 81 tỷ đồng.

Theo đó, trụ sở tại số 12 Đoàn Như Hài, phường 12, quận 4, TP.HCM đã dược bán theo đúng theo Nghị quyết của Đai hội đại cổ đông thường niên 2018. Giá xác định tại đại hội cổ đông, trụ sở chính công ty này có nguyên giá là 13,9 tỷ đồng và giá trị còn lại là 12,6 tỷ đồng, tương đương hơn 90% nguyên giá.

Trong nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên 2018 của công ty này yêu cầu công ty phải xử lý dứt điểm nợ vay dài hạn tại VietABank để giảm áp lực tài chính cho công ty bằng cách giao tàu Sea Dragon cho nhà băng này và trả 15 tỷ đồng từ số tiền bán trụ sở công ty. Đây cũng là lời cảnh báo cho các công ty kinh doanh trong nhóm ngành vận tải đường biển về bài toán vay vốn và chiến lược kinh doanh.

anh vtbien

 Thua lỗ, Công ty Vận tải biển Hải Âu phải bán trụ sở chính và giao tàu cho ngân hàng để trả nợ.

Báo cáo tài chính kiểm toán 2017 của Vận tải biển Hải Âu cho thấy, chỉ tiêu tài chính của công ty không mấy sáng sủa khi tổng tài sản đạt 108 tỷ đồng nhưng nợ tới 139 tỷ (do âm vốn chủ sở hữu).

Chiếm 76% trong số nợ phải trả là nợ vay và thuê tài chính ngắn hạn lên tới 105 tỷ đồng. Đây là những khoản vay dài hạn đến hạn trả mà công ty đã vay ngân hàng bằng USD để mua và đóng các tàu kinh doanh vận tải biển, được thế chấp bằng tài sản hình thành từ vốn vay (2 tàu Sea Dream và Sea Dragon). Các khoản vay này đã đến hạn nhưng chưa được thanh toán và chịu lãi suất từ 2,3-6,5% một năm. Như vậy, mỗi năm công ty bày phải trả tiền lãi hàng tỷ đồng. 

Đáng chú ý, trước đó, trong năm 2015, công ty phải trả tới 5,2 tỷ đồng tiền lãi vay. Sang 2016, dù khoản vay có giảm nhưng công ty cũng vẫn phải chi tới gần 4 tỷ đồng. Đến năm 2017, lợi nhuận gộp thu về âm 1 tỷ đồng, công ty tiếp tục phải trả thêm gần 4 tỷ đồng tiền lãi ngân hàng nữa khiến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này liên tục lao dốc. 

Thua lỗ trong 6 năm liên tiếp nên đến hết 31/12/2017, công ty đã lỗ tổng cộng hơn 81 tỷ đồng.

Với khoản lỗ lớn, khiến đơn vị kiểm toán đã phải đưa ra lưu ý và nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của công ty do khoản lỗ tích lũy đến ngày 31/12/2017 vượt vốn chủ sở hữu số tiền gần 31 tỷ đồng và nợ ngắn hạn vượt quá tổng tài sản số tiền 31 tỷ đồng.

Hiện tại, cổ đông lớn nhất tại Hải Âu chính là Tổng Công ty Hàng Hải Việt Nam (Vinalines) với 26,46% vốn góp trong số 50 tỷ đồng vốn. Hai cổ đông là Tổng Công ty Bảo Việt nhân thọ và Công ty cổ phần Quỹ Tín Phát cùng sở hữu 8,8% vốn, còn lại là các cổ đông cá nhân.

Thiên Bình
Bình luận
vtcnews.vn