Thư xứ Vạn đảo: Hãi hùng võ đường phố

Tổng hợpThứ Hai, 14/11/2011 01:11:00 +07:00

(VTC News) - Tuy chỉ là thi đấu thử nghiệm nhưng những ai lần đầu theo dõi môn thi này không tránh khỏi rùng mình vì tính triệt hạ của nó.

(VTC News) - Tarung Derajat là môn võ tổng hợp của Indonesia lần đầu tiên được nước chủ nhà SEA Games 26 đưa vào nội dung thi đấu. Tuy chỉ là thi đấu thử nghiệm, không tính vào bảng tổng sắp huy chương nhưng những ai lần đầu theo dõi môn thi này không tránh khỏi rùng mình vì tính triệt hạ của nó.

Tổng hợp của đòn hiểm

Nhìn thoáng qua thi Tarung Derajat giống như Muay Thái, nhưng có tính đa dạng hơn trong cách dùng các bộ phận của cơ thể để hạ đối thủ. Nó thực chất là tổng hợp của nhiều loại võ như Muay Thái, Kick-boxing, Pencak Silat, Karatedo, Taekwondo, Aikido… bởi thế trong thi đấu, các võ sĩ có thể dùng kết hợp các đòn đấm, đá, chỏ, gối, quật ngã, vật lộn… để hạ đối thủ một cách nhanh nhất.

Vào cứng ra mềm (Ảnh: Hà Thành)

Tarung Derajat được người Indonesia gọi là võ đường phố, thường được các lực lượng vũ trang sử dụng trong thi hành nhiệm vụ. Vì tổ hợp các đòn đánh hiểm và nhanh nên Tarung Derajat tỏ ra hiệu quả trong công tác đánh bắt tội phạm ở xứ vạn đảo.

Tại SEA Games 26, Tarung Derajat lần đầu tiên được đưa vào thi đấu thử nghiệm (vẫn có huy chương nhưng không tính vào bảng tổng sắp chung) và sẽ là môn thi đấu chính thức tại SEA Games 27 tới. Mặc dù đã lược bỏ đi những đòn đánh hiểm như đòn gối, trỏ, đạp, đấm vào mặt đối với nữ nhưng tính sát thương của Tarung vẫn rất cao.

Cũng bởi chưa thực sự phổ biến nên trong thi đấu, các võ sĩ chưa được hỗ trợ bảo vệ một cách tối ưu. Luật thi đấu cũng còn nhiều điểm han chế như việc cho phép ra đòn liên hoàn dẫn đến khả năng bị kích động, gây nguy hiểm cho các võ sĩ.

Thở bình oxi như cơm bữa

Một cú đá vòng trúng sau đầu của đối phương khiến Rafidah Bakri – võ sĩ người Malaysia – gục ngay xuống sân. Cáng lập tức được vào thảm đấu để đưa Bakri ra ngoài thở bình ô xi. Bakri lịm người đi khi các nhân viên ý tế đưa ống thở vào mũi. Phải rất lâu sau, cô mới hết choáng song vẫn không thể đứng dậy nổi.

Hình ảnh quen thuộc của môn võ đường phố (Ảnh: Hà Thành)

Trận đấu kết thúc sau chưa đầy một hiệp đấu với cảnh võ sĩ người Philippines ngồi sụp xuống sàn, chống cằm, nhìn đối thủ của mình được dìu vào phòng nghỉ.

Rafidah Bakri vốn là võ sĩ của môn Pencak Silat, mới chuyển sang tập Tarung Derajat được 2 tuần trước khi đăng ký thi ở SEA Games. Sự non nớt của Bakri đã khiến cô phải nhận những đòn trí mạng từ phía đối thủ. Về mặt nguyên tắc, để có thể vào thảm đấu, các võ sĩ phải tập luyện ít nhất một năm rưỡi trở lên. Nhưng không hiểu vì sao,mới tập được 2 tuần mà liên đoàn Malaysia vẫn để Bakri thi đấu.

Liệu khi SEA Games kết thúc, Tarung Derajat sẽ để lại những hậu quả đáng sợ thế nào ? (Ảnh: Hà Thành)

Trong 4 trận đấu của nữ mà chúng tôi chứng kiến, có tới hai trận cáng được đưa vào sân, cả hai sau đó đã không thể trở lại thi đấu. Đa phần các võ sĩ ngã gục do những đòn đánh hiểm ở vùng đầu, đặc biệt là những cú đá vòng sau gáy hoặc những cú đá hất ngược mu bàn chân vào vùng hầu – những nơi không được bảo vệ.
Rõ ràng khả năng chấn thương của các võ sĩ chơi môn võ Tarung Derajat cao hơn bất cứ võ sĩ của môn võ nào được đưa vào thi đấu trong các kỳ đại hội thể thao. .

Chưa có chuyện đáng tiếc nào xảy ra cho đến lúc này. Song để một môn thi đấu kiểu “vào đứng ra cáng” như thế này diễn ra ở SEA Games quả là một việc đáng phải suy nghĩ.


Hà Thành
(Từ Jakarta)
Bình luận
vtcnews.vn