Thủ tướng thăm Thái Lan: Phát huy tương đồng, tăng cường hợp tác

Thế giớiThứ Năm, 17/08/2017 14:22:00 +07:00

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân sẽ có chuyến thăm chính thức Thái Lan từ 17-19/8, đây là hoạt động đối ngoại mang nhiều ý nghĩa đặc biệt kỷ niệm 41 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Thái Lan.

Mối quan hệ láng giềng hữu nghị giữa Việt Nam và Thái Lan được hình thành từ rất sớm bằng các hoạt động giao thương đầu tiên kể từ thế kỉ XIII và được tiếp nối qua nhiều giai đoạn lịch sử.

Trải qua những thăng trầm, mối quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng ở khu vực Đông Nam Á có rất nhiều điểm tương đồng về văn hóa, lối sống ngày càng trở nên gắn bó và bền chặt.

Đặc biệt từ tháng 7/1928 đến cuối năm 1929, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống và làm việc tại nhiều nơi trên đất Thái như Udon Thani, Sakon Nakhon, Nakhon Phanom, Nong Khai...

thu tuong

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân.

Kể từ đó đến nay, những tình cảm sâu sắc đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn được Chính phủ và nhân dân Thái Lan cũng như cộng đồng kiều bào Việt Nam tại Thái Lan trân trọng gìn giữ và vun đắp, góp phần thắt chặt thêm tình hữu nghị lâu dài và gắn bó mật thiết Việt - Thái.

Nhân chuyến thăm Thái Lan của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hai nước được kỳ vọng sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình Hành động triển khai Đối tác Chiến lược giai đoạn 2014 - 2018; tăng cường hơn nữa các chuyến thăm cấp cao cũng như triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác hiện có trên các lĩnh vực an ninh, quốc phòng, thương mại, đầu tư, lao động,.

Về hợp tác ASEAN, với vai trò quan trọng của mình, hai nước cần ưu tiên xây dựng một Cộng đồng ASEAN hòa bình, ổn định và thịnh vượng; tăng cường đoàn kết, thống nhất và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN; tăng cường phối hợp lập trường và quan điểm của ASEAN trong những vấn đề an ninh và chiến lược của khu vực, trong đó có việc triển khai đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và thúc đẩy đàm phán thực chất để sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Sau khi chính thức thiết lập quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2013, từ chỗ quan hệ thương mại còn khiêm tốn, đến nay trong ASEAN, Việt Nam là bạn hàng lớn thứ hai của Thái Lan và Thái Lan là bạn hàng thương mại lớn thứ nhất của Việt Nam.

Tính đến cuối năm 2016, kim ngạch thương mại hai chiều đã đạt 12,5 tỷ USD và hai nước đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ nâng lên mức 20 tỷ USD/năm.

Không chỉ là đối tác lớn về thương mại, Thái Lan còn là một trong những quốc gia có quan hệ hợp tác đầu tư với Việt Nam từ rất sớm, ngay sau khi Việt Nam thực hiện chính sách mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài.

Tính đến hết tháng 3/2017, các nhà đầu tư Thái Lan đã đầu tư vào 458 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 8,13 tỷ USD, đứng thứ 10 trong tổng số 115 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Có thể thấy, quan hệ hợp tác song phương về kinh tế, thương mại và đầu tư có vai trò rất lớn, góp phần thúc đẩy vào thịnh vượng của mỗi nước và sự phát triển chung của Cộng đồng ASEAN.

Trong bối cảnh đó, chuyến thăm chính thức Vương quốc Thái Lan của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục khẳng định chính sách đối ngoại chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, coi trọng và dành ưu tiên cao tăng cường quan hệ với các nước trong khu vực.

Với sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, với nhu cầu hợp tác để cùng phát triển của hai quốc gia cũng như với tiềm năng của hai nước, quan hệ Việt Nam - Thái Lan sẽ có thêm nhiều động lực mới để phát triển toàn diện và vững chắc hơn nữa trong tương lai, vì lợi ích của nhân dân hai nước, góp phần vào hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng ở khu vực cũng như trên thế giới.

Hải Linh
Bình luận
vtcnews.vn