Thủ tướng thăm Thái Lan: Nâng tầm quan hệ chiến lược Việt - Thái

Thế giớiThứ Năm, 17/08/2017 14:33:00 +07:00

Trong chuyến thăm Thái Lan sắp tới của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cuộc gặp gỡ giữa hai lãnh đạo Đông Nam Á hứa hẹn sẽ làm sâu sắc thêm quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Thái Lan vốn rất có tiềm năng trên nhiều lĩnh vực.

Việt Nam - Thái Lan, mối quan hệ có từ lâu đời

Việt Nam và Thái Lan có mối quan hệ láng giềng hữu nghị vốn được hình thành từ rất sớm bằng những cuộc tiếp xúc buôn bán giữa hai bên từ thế kỷ XIII và được tiếp nối qua nhiều giai đoạn lịch sử.

Trải qua nhiều thăng trầm, mối quan hệ này ngày càng trở nên gắn bó và bền chặt. Việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Thái Lan ngày 6/8/1976 đã mở ra một trang sử mới trong quan hệ hai nước, đánh dấu bằng chuyến thăm Thái Lan của Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1978, mở ra nhiều lĩnh vực hợp tác giữa hai bên thông qua một  Tuyên bố chung.

Là hai nước có sự gần gũi về địa lý và tương đồng về văn hóa, quan hệ Việt Nam-Thái Lan được hình thành và phát triển một cách hài hòa, tự nhiên và được duy trì thường xuyên, lâu dài trong lịch sử.

viet thai

 

Đây là tiền đề quan trọng tạo nên sự thông hiểu lẫn nhau giữa hai quốc gia, giúp tăng cường mối giao lưu và hạn chế những bất đồng.

Yếu tố con người cũng là nguyên nhân giúp quan hệ Việt Nam-Thái Lan xích lại gần nhau. Trong lịch sử, đã có những cuộc di cư của người Thái sang Việt Nam và người Việt Nam sang đất Thái. Đặc biệt, người Việt tuy di cư sang Thái Lan muộn hơn chiều ngược lại, song trải qua nhiều biến động lịch sử, cộng đồng người Việt đã hòa nhập khá nhanh, trở thành một phần sắc dân tại Thái Lan.

Chính cộng đồng này là hạt nhân kết nối quan hệ hữu nghị giữa hai nước bằng các hoạt động dạy tiếng Việt và tiếng Thái cho người dân hai bên, quảng bá văn hóa Việt Nam tại Thái Lan…

Nhận thức được quan hệ Việt Nam-Thái Lan sẽ tạo ra nhiều thành quả mới, Hội hữu nghị Việt Nam-Thái Lan đã được thành lập vào ngày 1/8/1996 để tăng cường sự hiểu biết, củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị thông qua một cầu nối chính thức.

Phát triển quan hệ song phương trong bối cảnh quốc tế đầy biến động

Kể từ chuyến thăm chính thức đầu tiên năm 1978, hai nước Việt Nam và Thái Lan không ngừng tăng cường các cuộc tiếp xúc, tham vấn, chứng kiến nhiều cột mốc quan trọng, trong đó nổi bật là việc hai nước nâng cấp quan hệ thành Đối tác chiến lược vào năm 2013.

Từ đây, quan hệ Việt Nam- Thái Lan không ngừng có những bước tiến mới, với hơn 50 hiệp định, thỏa thuận hợp tác, tạo cơ sở pháp lý thúc đẩy quan hệ song phương trên nhiều lĩnh vực.

Tại các diễn đàn quốc tế, hai nước luôn hỗ trợ nhau trong các khuôn khổ hợp tác khu vực, như Hợp tác tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS), Hành lang kinh tế Đông-Tây (EWEC)…cũng như tại các diễn đàn quốc tế, như Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM), Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) và Liên hợp quốc…

Đặc biệt, trong bối cảnh Cộng đồng ASEAN chính thức được thành lập cuối năm 2015, lãnh đạo hai nước đã nhất trí thúc đẩy sự phối hợp để phát huy hiệu quả vai trò của Cộng đồng, đồng thời củng cố sự đoàn kết và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong việc xử lý các vấn đề khu vực cũng như quốc tế.

Kế thừa những thành quả tốt đẹp đó, chuyến thăm Thái Lan tới đây của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới cho hai quốc gia, không chỉ trong phạm vi song phương mà còn đóng góp vào việc xây dựng Cộng đồng chung ASEAN phát triển hơn nữa.

Theo thống kê cuối năm 2016, dân số cũng như tổng GDP của Việt Nam và Thái Lan chiếm 1/3 trong Cộng đồng ASEAN.

Do vậy, vai trò sự hợp tác kinh tế của hai nước có ảnh hưởng rất lớn vào tổng thể lớn mạnh chung của Cộng đồng. Về các mục tiêu cụ thể, Việt Nam mong muốn hàng hóa xuất khẩu sẽ tiếp cận sâu hơn vào thị trường Thái Lan, giảm chênh lệch cán cân thương mại; giữa hai bên sẽ có trao đổi về công nghệ, kinh nghiệm trong các lĩnh vực mỗi nước có thế mạnh; khuyến khích Thái Lan đầu tư vào các ngành nghề phù hợp với tiềm năng của Việt Nam như du lịch biển, dệt may, mỹ phẩm, nông sản, máy móc, thực phẩm…

Bên cạnh các mặt hợp tác truyền thống, chuyến thăm còn là dịp để hai bên đối thoại, bàn thảo về phương hướng xử lý các vấn đề chung có ảnh hưởng đến quan hệ hai song phương. Một trong những nội dung quan trọng là vấn đề hợp tác trên biển.

Với việc ASEAN và Trung Quốc mới đây đã thông qua dự thảo Khung Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), Việt Nam mong muốn Thái Lan sẽ tiếp tục phát huy vai trò là một bên quan trọng thúc đẩy các bên đàm phán thực chất để nhanh chóng đạt được Bộ Quy tắc chính thức.

Ngoài ra, trong bối cảnh tình hình an ninh thế giới có nhiều phức tạp với sự mở rộng quy mô và địa bàn của các tổ chức khủng bố, tội phạm, việc nâng cao năng lực xử lý các vấn đề trên biển, hợp tác chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm công nghệ cao…cũng sẽ là các nội dung đáng chú ý được đưa ra bàn thảo, thống nhất.

Với nhiều chủ đề, lĩnh vực hợp tác mang tính chất thời đại, phù hợp với xu thế phát triển chung của khu vực và thế giới, quan hệ Việt Nam-Thái Lan được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát triển sâu sắc hơn, không chỉ mang đến lợi ích cho mỗi nước, mà sẽ đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của ASEAN, tạo thế và lực mới giúp Cộng đồng ASEAN giải quyết những thách thức chung trong thời tương lai.

Hải Tùng
Bình luận
vtcnews.vn