Thủ tướng: ‘Tham tán thương mại phải là nhà ngoại giao giỏi’

Chính sách thuế và cuộc sốngThứ Sáu, 26/02/2016 09:16:00 +07:00

Thủ tướng nhấn mạnh đội ngũ làm tham tán thương mại phải thực sự là những nhà ngoại giao giỏi trên lĩnh vực kinh tế.

(VTC News) - Thủ tướng nhấn mạnh đội ngũ làm tham tán thương mại phải thực sự là những nhà ngoại giao giỏi trên lĩnh vực kinh tế.

Sáng 26/2/2016, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị Tham tán Thương mại.
     
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, trong thành tựu chung của đất nước có sự đóng góp rất quan trọng của ngành Công Thương trong đó có sự hoạt động tích cực, hiệu quả của các cơ quan Thương vụ, các Tham tán thương mại ở các quốc gia đối tác.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại hội nghị
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại hội nghị 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Bộ Công Thương quan tâm kiện toàn tổ chức các cơ quan Thương vụ; đề nghị các Thương vụ, các Tham tán Thương mại phát huy tinh thần chủ động, tích cực trong công tác nghiên cứu chính sách kinh tế, thương mại, đầu tư của nước sở tại.

Ông Dũng cũng cho rằng, các tham tán cần phát huy được vai trò là cầu nối giúp doanh nghiệp thúc đẩy các hoạt động hợp tác đầu tư, cung cấp thông tin liên quan đến cơ chế, chính sách quản lý xuất nhập khẩu của nước sở tại và Việt Nam.

Tham tán cần hỗ trợ doanh nghiệp trong tìm kiến thị trường và ký kết hợp đồng; hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tìm hiểu thông tin về đối tác.

“Đội ngũ làm tham tán thương mại phải thực sự là những nhà ngoại giao giỏi trên lĩnh vực kinh tế; phải phát huy được tinh thần trách nhiệm cao nhất trước đất nước, trước nhân dân” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.
 

Từ định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ đã được xác định, Thủ tướng nhấn mạnh, trong điều kiện, bối cảnh đất nước đã hội nhập quốc tế sâu rộng, đã ký 14 Hiệp định thương mại tự do, trong đó có 2 Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, ngành Công Thương cần tiếp tục quan tâm đến công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách theo hướng kinh tế thị trường hiện đại, phù hợp với các cam kết hội nhập quốc tế.

Việc hoàn thiện, cải thiện thể chế là một trong những yếu tố có ý nghĩa quyết định, nếu không sẽ không phát huy, tận dụng được tối đa các cơ hội, thuận lợi do hội nhập quốc tế mang lại.

“Sức cạnh tranh của một quốc gia, sức cạnh tranh của doanh nghiệp, của sản phẩm hàng hóa phụ thuộc rất nhiều vào thể chế, quản trị quốc gia. Chúng đã hội nhập sâu rộng, chúng ta đã mở được thị trường, chúng ta phải xây dựng văn bản luật, Nghị định, thông tư… để doanh nghiệp hoạt động kinh doanh thuận lợi, hiệu quả, giảm chi phí, nâng cao được sức cạnh tranh.” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu.

Thủ tướng yêu cầu ngành Công Thương cần quan tâm hơn nữa đến công tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ.

Chủ động, kịp thời phát hiện các rào cản thương mại đối với hàng hóa của Việt Nam để có các biện pháp ứng phó, đấu tranh; chủ động thông tin, tư vấn để phòng tránh các tranh chấp thương mại, đầu tư đi liền với bảo vệ thị trường trong nước phù hợp với các cam kết hội nhập.

Tăng cường truyền thông, hướng dẫn thực hiện các cam kết quốc tế để các doanh nghiệp chủ động, sáng tạo khai thác được các cơ hội thuận lợi và hạn chế, giảm thiểu những tác động bất lợi trong hội nhập.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các địa phương tiếp tục quan tâm, hỗ trợ các cơ quan thương mại phát triển; tập trung hơn nữa trong tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Đồng thời, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, bản thân các doanh nghiệp trong nước cũng phải tự mình vươn lên, nâng cao năng lực quản trị, đẩy mạnh ứng dụng khoa học-kỹ thuật, công nghệ tiên tiến hiện đại để nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của chính mình.


Minh Đức
Bình luận
vtcnews.vn