Thủ tướng Thái mở màn Shangri-La: Tranh chấp không phải trò chơi được - mất

Thế giớiThứ Bảy, 04/06/2016 06:49:00 +07:00

Phát biểu tại Đối thoại Shangri-La, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha khẳng định tranh chấp hàng hải không phải trò chơi được mất, kêu gọi ASEAN đoàn kết về tranh chấp Biển Đông.

Tại Đối thoại Shangri-La lần 15, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha là nhà lãnh đạo được mời đọc phát biểu tại phiên khai mạc tối 3/6. Quyết định này của ban tổ chức sự kiện từng khiến giới quan sát xôn xao, do tướng Prayut đã lãnh đạo quân đội thực hiện đảo chính để lập ra chính phủ quân sự hiện nay.

Thủ tướng Prayut đã đề cập về nhiều vấn đề, thẳng thắn nói đến những cáo buộc quân đội "vi phạm nhân quyền" ở Thái Lan, và nêu quan điểm về những vấn đề khu vực, như tranh chấp hàng hải.

 Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha phát biểu khai mạc tại Đối thoại Shangri-La tối 3/6

Thái Lan sẽ trở về nền dân chủ hoàn toàn

Thủ tướng Prayut đã "trấn an" các đại biểu tại Đối thoại Shangri-La, gồm quan chức quốc phòng từ hơn 20 nước và hàng trăm học giả, rằng "Thái Lan sẽ trở về nền dân chủ hoàn toàn".

“Quá trình này sẽ phù hợp với lộ trình đã vạch ra, và Thái Lan tuân thủ tiến trình dân chủ cũng như mọi nghĩa vụ quốc tế của chúng tôi”, Thủ tướng Prayut nói.

Ông cũng thẳng thắn đề cập đến những cáo buộc chính phủ quân sự vi phạm nhân quyền ở Thái Lan. “Chúng tôi không vi phạm hay có hành động hạn chế nhân quyền. Vai trò của quân đội là bảo đảm một xã hội tuân thủ luật pháp. Họ chỉ hành động trong những trường hợp luật pháp bị vi phạm. Nếu một người hành động sai, họ cần bị trừng phạt thích đáng”.

Thủ tướng Prayut cũng chia sẻ rằng, ông từng là một cựu binh, và quan điểm rằng vai trò của quân đội không chỉ hạn chế trong bảo vệ đất nước, mà cả hỗ trợ quá trình phát triển của quốc gia.

Ông Prayut đã lãnh đạo quân đội thực hiện đảo chính và chiếm quyền lực từ chính phủ của bà Yingluck Shinwatra từ tháng 5/2014. Ông cho rằng đây là biện pháp cần thiết để kết thúc hơn một thập kỷ hỗn loạn chính trị, và hứa sẽ tổ chức bầu cử sớm.

Hiến pháp do chính phủ quân sự hiện tại soạn thảo cho phép quân đội giám sát chính phủ dân sự đắc cử trong thời hạn 5 năm. Hiến pháp này sẽ được đưa ra trưng cầu dân ý vào ngày 7/8/2015.

“Tranh chấp hàng hải không phải trò chơi được - mất”

Đề cập đến tình hình tranh chấp ở Biển Đông và biển Hoa Đông, Thủ tướng Prayut khẳng định tranh chấp hàng hải ở châu Á “không thể là trò chơi được - mất” (zero-sum game).

Ông kêu gọi những bên liên quan trong tranh chấp cần thực hiện những biện pháp mà các bên cùng có lợi, cùng ngồi lại với nhau để tìm phương hướng hợp tác, trên tinh thần xây dựng, và không bỏ lỡ những cơ hội đàm phán.

Thủ tướng Thái Lan cũng nêu quan điểm của ông là các nước ASEAN cần đoàn kết trong vấn đề tranh chấp, trên tinh thần lợi ích cho tất cả các bên; giải quyết những tranh chấp trên tinh thần tôn trọng Tuyên bố ứng xử giữa các bên trên Biển Đông (DOC) và sớm tiến tới hoàn thành Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).

Ông Prayut cho rằng các nước nhỏ cần phải có những lựa chọn đúng đắn. Ông nói các nước lớn cần chủ động xây dựng mối quan hệ hợp tác.

Một đại biểu Hàn Quốc đặt câu hỏi cho Thủ tướng Prayut rằng: “Là một thành viên quan trọng của ASEAN, Thái Lan sẽ trấn an các nước thành viên như Philippines và Việt Nam như thế nào trước những hành động gây lo ngại của Trung Quốc”?

Thủ tướng Thái Lan trả lời rằng, giải quyết tranh chấp mà chỉ lắng nghe một phía thì không bao giờ đạt được giải pháp. “Tất cả các bên phải ngồi lại với nhau để cùng tìm ra giải pháp. Điều cần làm là tạo ra những nền tảng, chẳng hạn như Đối thoại Shangri-La, để các bên có cơ hội tiếp xúc và đưa ra cách giải quyết vấn đề”.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn