Thủ tướng 'quyết' thời hạn hoàn thành nhiều dự án giao thông ở miền Tây

Thời sựChủ Nhật, 16/12/2018 20:25:00 +07:00

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã "quyết" thời hạn hoàn thành hàng loạt dự án giao thông đường bộ quan trọng ở ĐBSCL, trong đó có các dự án lớn như cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ, cầu Mỹ Thuận 2 và cầu Vàm Cống…

Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh An Giang 2018 diễn ra ở địa phương này hôm 15/12, nhân có sự hiện diện của lãnh đạo các tỉnh/thành trong vùng ĐBSCL, Thủ tướng đã quyết thời gian khởi công và hoàn thành hàng loạt dự án quan trọng của khu vực này.

Đối với dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, dù gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua do vướng vấn đề lãi suất vốn vay nhưng Thủ tướng đã cam kết cùng Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo tháo gỡ cơ chế chính sách về lãi vay cho dự án đảm bảo cơ bản thông xe toàn tuyến cuối năm 2020 và hoàn thành vào năm 2021.

“Tôi đã họp rất nhiều phiên nhưng do lỗi thể chế nên chậm”, Thủ tướng cho biết và lưu ý Bộ Tài chính cùng tháo gỡ với Chính phủ.

10811_img_8724

 Thủ tướng chỉ đạo dự án cầu Vàm Cống phải đưa vào khai thác trong tháng 6/2019. Trong ảnh là dự án cầu Vàm Cống nối Cần Thơ và Đồng Tháp. Ảnh: Trung Chánh

Đối với dự án cầu Mỹ Thuận 2, theo Thủ tướng, dự án đã phê duyệt thiết kế dự toán để tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thầu thi công.

“Dự kiến, dự án khởi công cuối năm 2019 hoàn thành vào năm 2023”, Thủ tướng cho biết.

Trong khi đó, với tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ có chiều dài 24km, Thủ tướng cho biết, do có những thay đổi về thể chế liên quan đến cơ chế tham gia của Nhà nước vào dự án nên cũng có khó khăn. Tuy nhiên, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch Đầu tư và Bộ Giao thông Vận tải bố trí 932 tỷ đồng từ nguồn dự phòng chung của Chính phủ để hỗ trợ cho dự án đảm bảo khả thi về phương án tài chính.

“Sau khi được bổ sung vốn sẽ được tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư và dự kiến khởi công cuối 2019 hoàn thành năm 2022”, Thủ tướng cho biết.

Thủ tướng chia sẻ, tuyến từ TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ đến Cà Mau là tuyến đường ông cảm thấy “day dứt” rất nhiều với người dân nơi đây.

Đối với dự án kết nối khu vực trung tâm ĐBSCL, gồm các dự án thành phần như cầu Vàm Cống, Thủ tướng chỉ đạo hoàn thành khắc phục sự cố nứt dầm và hoàn thành thi công toàn bộ khối lượng còn lại trong tháng 3/2019.

“Dự kiến Hội đồng Nhà nước sẽ nghiệm thu và đưa vào sử dụng trong tháng 6/2019”, ông cho biết và thông tin thêm rằng, toàn bộ phần sửa chữa này do phía Hàn Quốc bỏ ra. Còn cầu Cao Lãnh và tuyến nối hai cầu (Cao Lãnh và Vàm Cống) cũng thuộc dự án kết nối trung tâm ĐBSCL đã bàn giao đưa vào sử dụng hồi đầu năm 2018.

Với tuyến tránh quốc lộ 91 qua thành phố Long Xuyên, Quốc hội đồng ý bổ sung vào danh mục đầu tư công trung hạn, giai đoạn 2016 - 2020 để đầu tư bằng nguồn vốn vay ADB - Ngân hàng phát triển châu Á (phần vốn còn dư của dự án kết nối khu vực trung tâm ĐBSCL). “Hiện, Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt dự án đầu tư, đang triển khai thủ tục điều chỉnh hiệp định và dự kiến thi công đầu năm 2020, hoàn thành năm 2022”, Thủ tướng cho biết thêm.

Tuyến lộ Lộ Tẻ - Rạch Sỏi dài 51km đang được triển khai đầu tư 4 làn xe dự kiến hoàn thành đầu năm 2020. “Sau khi hoàn thành dự án kết nối khu vực trung tâm ĐBSCL và dự án Lộ Tẻ - Rạch Sỏi sẽ hình thành tuyến đường dài khoảng 84 km, nối từ Đồng Tháp đi Kiên Giang với quy mô 4 làn xe”, Thủ tướng cho biết.

Bộ Giao thông Vận tải cũng đang thực hiện các thủ tục đầu tư 4 dự án bằng nguồn vốn dự phòng đầu tư công trung hạn, giai đoạn 2016 - 2020 với tổng mức đầu tư 15.000 tỷ đồng đã được Quốc hội thông qua, bao gồm dự án nâng cấp quốc lộ 57 tỉnh Bến Tre, quốc lộ 53 tỉnh Trà Vinh, quốc lộ 30 tỉnh Đồng Tháp và thảm mặt đường tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp nối Cần Thơ đến Cà Mau, dự kiến khởi công năm 2019 và hoàn thành toàn bộ trong năm 2021.

Thủ tướng cũng chỉ đạo khẩn trương sửa chữa thảm tăng cường mặt đường quốc lộ 53 kết nối đến khu vực tưởng niệm mộ cố Thủ tướng Phạm Hùng và Võ Văn Kiệt, quốc lộ 30 từ Cao Lãnh kết nối vào mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc.

Dự án quốc lộ 1, đoạn từ Ngã Bảy (Hậu Giang) đến Châu Thành (Sóc Trăng) dài 20 km, sẽ báo cáo với thường vụ Quốc hội sử dụng nguồn dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 để đầu tư nâng cấp mở rộng thành 4 làn xe nhằm đồng bộ với quy mô tổng thể quốc lộ 1. “Sau khi được Ủy ban thường vụ Quốc hội chấp thuận danh mục theo đề nghị của Chính phủ, giao Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương triển khai thực hiện”, ông chỉ đạo.

Ngoài ra, theo Thủ tướng, các dự án đang chuẩn bị đầu tư, bao gồm đoạn Mỹ An - Cao Lãnh để đảm bảo khai thác đồng bộ tuyến đường Hồ Chí Minh nối từ Long An đi Cà Mau; tuyến trục dọc N2; cầu Đại Ngãi và cầu Rạch Miễu 2 nhằm đảm bảo thông toàn tuyến quốc lộ 60 nói riêng và toàn tuyến từ TP.HCM đến Sóc Trăng nói chung; tuyến cao tốc trục ngang Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; các tuyến trục ngang quốc lộ 62, quốc lộ 30 kết nối các cửa khẩu quốc tế nhằm phục vụ phát triển kinh tế của địa phương và vùng.

Bình luận
vtcnews.vn