Thủ tướng: “Phạt được nghìn tỷ, giao cho anh nghìn tỷ, có dám làm không?”

An toàn thực phẩmThứ Tư, 27/04/2016 11:16:00 +07:00

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu nhiều vấn đề dư luận bức xúc trong cuộc họp về an toàn thực phẩm.

(VTC News) – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu nhiều vấn đề dư luận bức xúc trong cuộc họp về an toàn thực phẩm.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chọn một vấn đề được cho là nổi cộm và gai gốc để đưa ra bàn thảo ngày 27/4 là vấn đề về An toàn thực phẩm tại cuộc họp trực tuyến với các Bộ, tỉnh, thành phố trực thuộc TW trên cả nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt rõ, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) được người dân cả nước quan tâm.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị về An toàn vệ sinh thực phẩm (Ảnh: Chính phủ)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị về An toàn vệ sinh thực phẩm (Ảnh: Chính phủ) 

Tất cả hệ thống chính trị cũng như người dân cần vào cuộc, làm rõ trách nhiệm của người quản lý có liên quan trong an toàn thực phẩm, trách nhiệm của người đứng đầu phụ trách vệ sinh an toàn thực phẩm, từng ngành, từng địa phương.

Thủ tướng nói: "Chúng ta chưa thể làm hết tất cả các việc nhưng phải ngăn chặn thực phẩm  bẩn cho người dân".

Việc đảm  bảo an toàn thực phẩm là trách nhiệm của các cấp, các ngành, lãnh đạo các địa phương trong công tác giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm nên không thể không có ai chịu trách nhiệm trong lĩnh vực này.

"Dù chúng ta đã có cố gắng trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm, nhưng chúng ta tổ chức hội nghị này không phải để nói đến thành tích mà chỉ tập trung đề ra cơ chế, giải pháp tháo gỡ những vấn đề đặt ra trong an toàn thực phẩm", Thủ tướng nêu rõ.

Cuộc họp này cần đưa ra giải pháp dễ vận dụng trong thực tiễn, tạo chuyển biến thực sự trong vệ sinh an toàn thực phẩm.

Gợi ý thảo luận, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị các địa phương không nêu thành tích, nói thẳng vào những bất cập, đề xuất những giải pháp cụ thể.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng cần làm rõ trách nhiệm của các bộ ngành, địa phương trong công tác bảo đảm ATTP tại hội nghị.

Theo Phó Thủ tướng, trước năm 2010 công tác quản lý ATTP theo phân khúc nhưng từ khi có Luật ATTP thì tất cả những sản phẩm thực phẩm đều có địa chỉ cụ thể là ngành nào quản lý từ khâu sản xuất, lưu thông, kinh doanh, chế  biến, kể cả bao bì đóng gói.

Trong quá trình triển khai Luật ATTP có một số mặt hàng giao thoa thì các bộ đã có thông tư liên tịch giao cho bộ nào quản lý chính.

Trách nhiệm của địa phương cũng được quy định rất rõ là quản lý toàn diện công tác VSATTP trên địa bàn.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương thảo luận về cơ chế cụ thể để tháo gỡ vướng mắc liên quan đến tài chính cho công tác bảo đảm ATTP, đổi mới công tác tuyên truyền vận động cả hệ thống chính trị, cộng đồng vào cuộc.

Chúng ta phải có cơ chế tiếp nhận phản ánh, xử lý vi phạm về ATTP; tuyên dương phóng viên, báo chí phát hiện vi phạm, tuyên truyền mô hình mới về thực phẩm an toàn.

ATTP là từ cơ sở liên quan đến các hộ, gia đình vì vậy chương trình phối hợp giữa Chính phủ và MTTQ sẽ tăng cường tuyên truyền vận động để người dân biết thực hiện bảo đảm ATTP, có sự lồng ghép vào phong trào xây dựng nông thôn mới, nếp sống văn hóa.

Trong dự thảo chỉ thị của Thủ tướng sẽ có một số khâu được chọn để thực hiện nhằm tạo chuyển biến rõ nét: Xử lý dứt điểm vấn đề salbutamol, dư lượng kháng sinh trong chăn nuôi; rượu, bia, nước giải khát giả, kém chất lượng; thực phẩm chức năng.

Chúng ta vẫn nói chỉ có một số thực phẩm là không an toàn nhưng người dân bình thường không thể nhận biết thực phẩm an toàn, hay không an toàn vì vậy các địa phương phải có phòng xét nghiệm, máy xét nghiệm cố định hoặc di động để người tiêu dùng nhận biết, kết hợp phát triển mô hình chuỗi thực phẩm sạch phân phối đến người dân.

Clip: Phanh phui liên tiếp mánh khóe làm thực phẩm bẩn khiến người xem rùng mình


Trong hội nghị Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã đặt câu hỏi với Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung: "Phạt được nghìn tỷ, giao cho anh nghìn tỷ, có dám làm không?’.


Phát biểu thảo luận, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung bày tỏ nhất trí cao với những nội dung nêu trong báo cáo của Văn phòng Chính phủ và dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội, việc bảo đảm VSATTP nhất là quản lý thực phẩm tươi sống, rau quả trên địa bàn, dù thời gian qua Thành phố đã nỗ lực thực hiện với nhiều giải pháp quyết liệt nhưng kết quả mang lại chưa đáp ứng được kỳ vọng của nhân dân; công tác tuyên truyền nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức của người dân, doanh nghiệp còn hạn chế…

Chủ tịch uBND TP Hà Nội đề xuất, phải làm rõ trách nhiệm của chính quyền cơ sở; các cơ sở kinh doanh phải nêu rõ nguồn gốc sản phẩm, có địa chỉ, điện thoại cụ thể để thuận lợi cho việc giám sát; các chủ sản xuất phải có đủ phương tiện theo đúng tiêu chuẩn để vận chuyển, bảo quản thực phẩm; bảo đảm an toàn lao động.

Bên cạnh đó, ông Chung cho rằng cần tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người buôn bán, nuôi trồng có kiến thức, chứng chỉ về VSATTP mới được kinh doanh; đầu tư cho trang thiết bị phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra ATTP.

Ngoài ra, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho rằng cần ban hành những chế tài mạnh để bảo đảm tính răn đe, nếu cơ sở vi phạm nhiều lần sẽ bị cấm kinh doanh thực phẩm vĩnh viễn

Nhóm PV        
Bình luận
vtcnews.vn