Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: ‘Nếu vở cũ chép lại thì khó thành công’

Thời sựThứ Bảy, 22/10/2016 17:39:00 +07:00

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh phải có cách làm mới trong việc tái cơ cấu nền kinh tế.

Sáng 22/10, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 và kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định việc tái cơ cấu lại nền kinh tế không phải là dễ nhưng không phải là không có cách làm.

thu tuong nguyen xuan phuc-2

 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

Vì vậy, Thủ tướng cũng yêu cầu từ Trung ương đến các địa phương, ngay các đoàn thể chính trị cũng tham gia vào quá trình này. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng phải tham gia giám sát.

Nếu các đơn vị vẫn giữ cách làm cũ thì khó có thể thành công. "Nếu bình bình thì khó làm lắm. Vẫn vở cũ chép lại thì khó thành công", Thủ tướng nêu.

Vì vậy, các cơ đơn vị phải có quyết tâm chính trị rất cao mới có thể tái cơ cấu thành công. Bởi không quyết tâm chính trị cao thì vẫn là cách làm cũ, không ăn thua, kém hiệu quả.

“Ở đây phải có bộ máy, cán bộ làm tái cơ cấu. Nhiều ý kiến cho rằng, người đứng đầu phải đứng ra ra chỉ đạo tái cơ cấu hay là có đội đặc nhiệm tái cơ cấu", Thủ tướng nêu.

Người đứng đầu Chính phủ cho biết phải tập trung vào 3 nội dung chính của tái cơ cấu là tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu hệ thống tài chính, ngân hàng, đặc biệt là thương mại và một số tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước…

"Muốn làm những cái đó thì phải có nguồn lực, ví dụ như nợ xấu hiện nay rất lớn. Muốn giải quyết vấn đề nợ xấu phải bỏ tiền bạc ra, theo quy luật biện chứng thì vật chất giải quyết vật chất, không chỉ nói miệng là được.

Ngoài vấn đề trên, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, chúng ta cũng cần tìm ra xem thế mạnh của Việt Nam là gì.

"Chúng ta cũng đề xuất với Quốc hội nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp chất lượng cao phải đặt ra cho rõ ràng hơn.

Video: Những phát ngôn ấn tượng của đại biểu Quốc hội khóa XIII

Du lịch là thế mạnh mình cần tập trung. Mình hiện nay có 6 – 7 triệu khách trong khi như Hồng Kông có 6 – 7 triệu dân mà cũng 60 – 70 triệu khách, Thái Lan 60 – 70 triệu khách còn Singapore có mấy triệu dân mà có 30 triệu khách.

Việt Nam phong cách rất đẹp nhưng gần 100 triệu dân thì có mấy người đến được mũi Cà Mau. Làm như thế nào để cả nội địa với quốc tế chứ không chỉ quốc tế không, cần đẩy mạnh nội địa, tiêu dùng nội địa lên, đó là thế mạnh của Việt Nam", Thủ tướng đề cập.

Thủ tướng cho rằng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là nền kinh tế số ở Việt Nam, cho nên cần phải xem xem phát triển công nghệ thông tin có phải là thế mạnh của Việt Nam không.

"Người Việt thông minh, sáng tạo. Cần đẩy mạnh phát triển công nghệ thông tin, nếu không đề cập đến vấn đề này thì chúng ta sẽ lạc hậu", Thủ tướng nhấn mạnh.

nguyen-van-luat

 Đại biểu Nguyễn Văn Luật (Kiên Giang) 

Cũng có cùng băn khoăn này, đại biểu Nguyễn Văn Luật (Kiên Giang) cũng bày tỏ sự lo lắng khi báo cáo Chính phủ cho biết phải cần hơn 10 triệu tỷ đồng cho việc tái cơ cấu nền kinh tế.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Văn Luật băn khoăn Chính phủ sẽ huy động các nguồn lực như thế nào. Ông Luật cho rằng trong báo cáo của Chính phủ chưa nêu rõ tính khả thi và đề nghị thuyết trình thêm.

"Nói đến tái cơ cấu nền kinh tế nhưng chưa nhìn vào nội lực của nền kinh tế thì chúng ta thấy được nguồn lực ở đâu?", đại biểu Luật đặt câu hỏi.

Bên cạnh đó, để tái cơ cấu nền kinh tế thành công, đại biểu Luật cho rằng phải chú trọng đến nội lực, huy động được sức dân. Vì vậy, chúng ta phải cải cách thể chế mạnh mẽ hơn nữa để phát triển doanh nghiệp trong nước.

"Phải tập trung khuyến khích phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, coi đó là động lực phát triển nền kinh tế", đại biểu Luật đề xuất.

Cũng phát biểu tại tổ, đại biểu Lê Thanh Vân, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội bày tỏ lo lắng khi cần tới hơn 10 triệu tỷ đồng, tương đương gần 500 tỷ USD, để tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.

"Hiện nay, thu ngân sách hàng năm chưa đến 50 tỷ USD, GDP loanh quanh khoảng 200 tỷ USD, lại còn các vấn đề như bội chi, nợ xấu, nợ đọng xây dựng cơ bản... Không biết Chính phủ sẽ xoay sở như thế nào để có nguồn lực tái cơ cấu nền kinh tế lớn như vậy", đại biểu Vân nói.

Minh Đức
Bình luận
vtcnews.vn