Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mời gọi các nhà đầu tư Nhật Bản ‘mở hàng’ EVFTA

Kinh tếThứ Hai, 01/07/2019 14:21:00 +07:00

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, với Hiệp định EVFTA, Việt Nam sẽ là miền đất lành cho các tập đoàn lớn của Nhật Bản.

Sáng 1/7, tại Tokyo, dự Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam, Thủ tướng cho biết, hôm qua, ông đã từ Osaka bay về Hà Nội để chứng kiến và phát biểu tại lễ ký kết hiệp định quan trọng giữa Việt Nam và EU – EVFTA, IPA và bay trở lại Nhật Bản trong ngày. Thủ tướng chia sẻ: “Có thể nói, đến Nhật Bản lần này, các bạn là những nhà mở hàng đầu tiên khi 2 hiệp định này vừa ký ngày hôm qua”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ sự tin tưởng, Việt Nam sẽ là miền đất lành cho các tập đoàn lớn của Nhật Bản. Thủ tướng mở đầu bài phát biểu bằng những lời giới thiệu về tiềm năng, tình hình phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, quốc gia luôn duy trì môi trường chính trị, xã hội, kinh tế vĩ mô ổn định và là một quốc gia có lợi thế tự nhiên về thương mại toàn cầu.

thu-tuong

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP

Việt Nam có vị trí địa kinh tế và thương mại cực kỳ quan trọng trong khu vực, kể cả trên thế giới. Theo Thủ tướng, hơn ai hết, các nhà đầu tư Nhật Bản là người thấu hiểu điều này rất sớm bởi lẽ từ 500 năm trước, những doanh nhân Nhật Bản đã tới mở mang thương nghiệp ở Hội An của Việt Nam.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2018 đạt 7,08%, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước tăng trưởng GDP hàng đầu thế giới. Quy mô nền kinh tế Việt Nam đã đạt trên 245 tỷ USD và Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2045, quy mô nền kinh tế tăng hơn 10 lần, đạt tối thiểu 2.500 tỷ USD, với thu nhập bình quân đầu người xấp xỉ 20.000 USD.

Hiện tại, Việt Nam là nền kinh tế có độ mở thương mại và đầu tư lớn hàng đầu thế giới với độ mở thương mại hiện đạt trên 200% GDP, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 500 tỷ USD, thuộc tốp 25 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới.

Về độ mở đầu tư, tổng vốn đầu tư FDI của Việt Nam thu hút đến nay đã trên 350 tỷ USD với 28.000 dự án đang hoạt động và đã giải ngân trên 200 tỷ USD. Riêng năm 2018, Việt Nam đã thu hút trên 35 tỷ USD. Hiện có rất nhiều tập đoàn hàng đầu của thế giới hiện diện ở Việt Nam.

“Tôi vừa được ngài Chủ tịch JETRO thông tin, qua khảo sát của JETRO, trên 70% doanh nghiệp Nhật Bản muốn đầu tư mở rộng làm ăn ở Việt Nam và con số này đứng đầu khu vực các doanh nghiệp châu Á vì tính hiệu quả của đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam”, Thủ tướng cho biết.

“Tiếp theo cuộc xúc tiến đầu tư năm trước, tôi đã thấy lời nói và việc làm của các tập đoàn Nhật Bản đã rõ”, ví dụ như NIDEC, đã đầu tư 250 triệu USD vào sản xuất động cơ công nghệ cao và sẽ tiếp tục đầu tư 1 tỷ USD trong lĩnh vực này tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội. Năm 2018, AEON đã mua khoảng 300 triệu USD hàng Việt Nam và bán tại các siêu thị của AEON tại Nhật, sẽ đầu tư 500 triệu USD.

EVFTA

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: VGP

Người đứng đầu Chính phủ cho biết, Việt Nam đã tham gia 14 hiệp định FTA và 3 hiệp định đang đàm phán. Như vậy bao phủ đến hầu hết các lục địa trên thế giới khiến Việt Nam trở thành tâm điểm của các dòng chảy thương mại toàn cầu. 

Nếu Hiệp định EVFTA được thực hiện thì xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020, 42,7% vào năm 2025 so với không có Hiệp định. Về phương diện tăng trưởng kinh tế, EVFTA giữa Việt Nam-EU góp phần làm cho tăng GDP của Việt Nam thêm ở mức bình quân 2,18-3,25% cho giai đoạn 2019-2023, 4,57-5,3% cho giai đoạn 2024-2028 và 4,7-7,2% cho giai đoạn 2029-2033. “Đây chính là thời cơ để các doanh nghiệp Nhật Bản đóng góp vào tăng trưởng và xuất khẩu ở Việt Nam”, Thủ tướng nói.

Hồng Phi (Tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn