Thủ tướng đối thoại với doanh nghiệp: Chi phí 'bôi trơn' khiến doanh nghiệp lao đao

Kinh tếThứ Tư, 17/05/2017 10:58:00 +07:00

Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, ông Nguyễn Văn Thân cho rằng, chi phí "bôi trơn" hiện vẫn đang là một rào cản, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Đánh giá 1 năm thực hiện Nghị quyết 35, Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam cơ bản tán thành với các báo cáo của Văn phòng Chính phủ, VCCI, Bộ KH&ĐT.

Hiệp hội luôn gắn bó với hoạt động của doanh nghiệp, hiểu rõ khó khăn của DN và đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt, nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng, các bộ, ngành, địa phương trong tháo gỡ rào cản cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, gian khổ, trong đó bức xúc nhất là gánh nặng chi phí.

Về chi phí chính thức, kết quả cải cách thủ tục hành chính và thể chế đã giúp giảm nhiều chi phí chính thức, nhất là trong những lĩnh vực như thuế, hải quan, tạo một bước tiến về môi trường kinh doanh.

Hinh anh

Các đại biểu dự hội nghị. (Ảnh Đức Thuận).

Tuy nhiên, chi phí tuân thủ pháp luật trong một số lĩnh vực còn cao, một số quy định chồng chéo, phức tạp làm tăng thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.

Chi phí tiếp cận một số dịch vụ công như cấp chứng chỉ hành nghề, trong lĩnh vực đất dai, xây dựng, tiếp cận tín dụng… chưa có sự cải thiện. Trong các lĩnh vực mà doanh nghiệp thường xuyên bị kiểm tra như thuế, hải quan, đánh giá tác động môi trường, phòng cháy chữa cháy…, doanh nghiệp còn phải chi các khoản không chính thức. Chi phí còn cao khiến giá thành sản phẩm cao, làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, ảnh hưởng tới quyền lợi người tiêu dùng.

Về các nguyên nhân, mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, giải pháp, nhưng khâu thực thi vẫn là khâu yếu nhất, một bộ phận cán bộ, công chức vẫn thể hiện sự thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm, không hướng dẫn hoặc hướng dẫn không hết mà tìm cách bắt lỗi doanh nghiệp, không coi doanh nghiệp là đối tượng phục vụ.

Do đó, doanh nghiệp phải ‘đi đêm’, ‘chung chi’, theo tinh thần “của công chia ba, của nhà chia đôi”. Doanh nghiệp hiểu một phần lý do là tiền lương của cán bộ, công chức còn thấp, đạo đức công vụ thấp, nên họ phải tìm nguồn thu nhập thêm.

Từ phía doanh nghiệp, một bộ phận doanh nghiệp nhận thức không đúng về kinh tế thị trường, thiếu năng lực cạnh tranh nên cạnh tranh bằng quan hệ, đi đêm, đi ngầm… Một số khác do bị sức ép từ các công chức nên phải chi để được việc mặc dù nhận thức được việc làm này là không đúng, vi phạm pháp luật, nhưng vì sự tồn tại của doanh nghiệp, vì việc làm nên miễn cưỡng thực hiện.

Video: Nâng cao năng suất của doanh nghiệp

"Nếu các chi phí không chính thức không được đẩy lùi, sẽ gây muôn vàn khó khăn cho doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp mệt mỏi, chán chường, nản chí kinh doanh, bóp méo tư tưởng cạnh tranh, giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp và của quốc gia, làm hỏng bộ máy, giảm niềm tin của nhân dân", ông Thân nói.

Do đó, rất cần sự chung tay và thực tâm từ hai phía là cơ quan nhà nước và doanh nghiệp. Từ tình hình trên, Hiệp hội xin kiến nghị, về phía doanh nghiệp cần xây dựng tập quán, thói quen tuân thủ pháp luật, đề cao đạo đức, văn hóa kinh doanh, làm giàu chân chính là yêu nước, nói không với tiêu cực, nâng cao năng lực quản trị…

Còn theo báo cáo của VCCI, kết quả nghiên cứu Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016, báo cáo của VCCI cho hay, trong số 11.000 doanh nghiệp được hỏi xác nhận phải trả loại phí bôi trơn khi làm thủ tục cấp mặt bằng sản xuất kinh doanh, tiếp đón thanh tra, kiểm tra, thủ tục cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện.

"Có 9-11% doanh nghiệp tham gia điều tra năm 2014-2016 cho biết, các khoản chi phí cho riêng mục này chiếm tới hơn 10% tổng doanh thu của họ, cao hơn hẳn mức 6-8% giai đoạn 5 năm trước", báo cáo nêu.

Ngoài chuyện phải trả thêm tiền để được việc, doanh nghiệp Việt cũng đang phải chịu nhiều khoản chi phí khác khiến họ kiệt quệ nguồn lực kinh doanh. Đơn cử, chi phí logistics vẫn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu chi phí kinh doanh của các doanh nghiệp ở Việt Nam.

Ví dụ phí vận chuyển cho một container hàng từ cảng Hải Phòng về Hà Nội hay ở chiều ngược lại (khoảng 100 km), đắt gấp ba lần so với phí vận chuyển một container hàng từ Trung Quốc và Hàn Quốc về Việt Nam. Ngoài ra còn có những phí phát sinh liên quan đến thủ tục hành chính, giá xăng dầu tăng, phụ phí vận tải biển.

Chính những nút thắt trên khiến lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể chiếm khoảng một nửa trong số thành lập mới (năm 2016 có 11.000 doanh nghiệp lập mới). Thực chất, VCCI đánh giá, quy mô doanh nghiệp không có nhiều cải thiện, số lao động trung bình trên một doanh nghiệp dao động khoảng 30 người, thấp hơn rất nhiều so với tiêu chí doanh nghiệp nhỏ (dưới 50 lao động).

"3 năm liền (2014 - 2016) doanh nghiệp trong nước liên tục bị lép vế so với khối ngoại và xuống dốc trên cả phương diện, là nhập siêu, tỷ trọng kim ngạch xuất teo tóp dần và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước thấp hơn mức tăng chung", bản báo cáo gửi Chính phủ nêu thực tế.

Kể từ Hội nghị Thủ tướng gặp doanh nghiệp tháng 4/2016 đến nay, đã có nhiều chính sách tháo gỡ về thể chế, môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp được đưa ra trong một năm qua. Cụ thể trên 1.098 kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp đã được tiếp nhận và chuyển tới các cơ quan nhà nước và đã có 850 kiến nghị được xử lý, giải quyết, trả lời, đạt tỷ lệ 77,4%.

Các kiến nghị chưa được xem xét, giải quyết chủ yếu là các kiến nghị chung về môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, sửa đổi pháp luật, cơ chế chính sách đang được các bộ ngành, địa phương tiếp tục nghiên cứu, giải quyết.

Châu Anh
Bình luận
vtcnews.vn