Thủ tướng: Đối ngoại cùng quốc phòng giữ vững chủ quyền đất nước

Thời sựThứ Tư, 15/08/2018 22:03:00 +07:00

Thủ tướng nhấn mạnh ngoại giao cần phát huy vị thế địa chiến lược của Việt Nam, lấy việc tạo lập và củng cố vị thế này là ưu tiên, tạo tiền đề và nền tảng cho phát triển.

Thông cáo của Bộ Ngoại giao cho biết vào ngày 15/8, trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao 30 tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao tổ chức phiên họp toàn thể với chủ đề “Phương hướng đối ngoại: Đẩy mạnh Ngoại giao phục vụ Phát triển trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng.”

Đây là phiên họp quan trọng nhằm đánh giá kết quả triển khai chỉ đạo của Thủ tướng trong công tác ngoại giao phục vụ phát triển từ Hội nghị Ngoại giao 29 (2016) tới nay và xác định các nhiệm vụ của ngành ngoại giao nhằm hỗ trợ các yêu cầu phát triển của đất nước giai đoạn từ nay đến 2020.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới tham dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Tham dự hội nghị còn có Bộ trưởng các Bộ Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Chủ tịch UNBD TP. Hồ Chí Minh, cùng đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp. Về phía Bộ Ngoại giao có Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và các đồng chí lãnh đạo Bộ, hơn 90 trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

Ngoại giao đã mở rộng về lượng, gia tăng về chất 

Trong phát biểu dẫn đề, Thứ trưởng Thường trực Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết kể từ Hội nghị Ngoại giao 29, ngành ngoại giao nói chung và công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển nói riêng đạt được những thành tích đáng kể, đóng góp thiết thực cho việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ các nguồn lực cho phát triển, nâng cao vị thế quốc tế của đất nước.

Phát biểu của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp cũng chia sẻ nhiều nhận định và chỉ đạo của Thủ tướng, đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng và thế mạnh đặc thù của ngành ngoại giao trong việc cung cấp thông tin, tham mưu và cảnh báo cho đất nước trước những biến động phức tạp, đa chiều của thế giới.

Thu tuong: Doi ngoai cung quoc phong giu vung chu quyen dat nuoc hinh anh 1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới tham dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Ngoại giao 30 tại Hà Nội. (Ảnh: Hoàng Hà) 

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao nỗ lực của Bộ Ngoại giao trong việc triển khai “ngoại giao kiến tạo” đạt nhiều kết quả tích cực. Thủ tướng ghi nhận đóng góp quan trọng của ngành ngoại giao trong việc giữ gìn và củng cố môi trường hoà bình, ổn định và thuận lợi cho công cuộc phát triển đất nước đạt nhiều thành tựu hai năm qua.

Theo Thủ tướng, ngoại giao đã mở rộng về lượng, gia tăng về chất các khuôn khổ đối tác chiến lược và toàn diện, đưa quan hệ đi vào chiều sâu, mở ra cục diện đối ngoại mới cho đất nước, củng cố và mở rộng không gian chính trị và môi trường kinh tế thuận lợi phục vụ phát triển.

Trong khi đó, đối ngoại đa phương đã nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế, trên các diễn đàn đa phương; thể hiện tinh thần đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam vào giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu.

Công tác ngoại giao kinh tế phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế được thúc đẩy mạnh mẽ, thật sự có bước chuyển quyết liệt góp phần tìm kiếm, mở rộng thị trường và tranh thủ mọi nguồn lực để phục vụ nhu cầu phát triển đất nước.

Đánh giá về những thách thức đối với công tác đối ngoại thời gian tới, người đứng đầu Chính phủ cho biết trước mắt là giai đoạn kinh tế thế giới chuyển động nhanh với nhiều cơ hội mới, nhưng cũng nhiều bất ổn khó lường; cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tác động sâu rộng và toàn diện đến mọi nền kinh tế.

Do đó Việt Nam cần phải “nhập cuộc”, nếu không sẽ bị tụt hậu và đây cũng là một nhiệm vụ quan trọng của ngành ngoại giao.

Thủ tướng lưu ý chỉ còn 2 năm nữa để thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng XII, Kế hoạch phát triển KTXH 2016-2020, và ngoại giao trên tinh thần “kiến tạo phát triển” cần phải chủ động, sáng tạo và hiệu quả nhằm tranh thủ tối đa thời cơ kinh tế thế giới được dự báo còn tương đối thuận lợi để hoàn thành các mục tiêu, tạo động lực cho kinh tế Việt Nam phát triển nhanh, bền vững giai đoạn sau 2020, hướng tới mục tiêu công nghiệp hoá đất nước.

Giữ vững chủ quyền đất nước “từ xa”, “từ sớm”

Thủ tướng nhấn mạnh, công tác đối ngoại phải góp phần gìn giữ được môi trường hòa bình ổn định cho phát triển, bám sát lời dạy của Bác Hồ là “dĩ bất biến ứng vạn biến,”giữ vững lập trường, nguyên tắc, còn linh hoạt, sáng tạo trong thực tiễn. Công tác đối ngoại phải cùng quốc phòng, an ninh bảo vệ hòa bình, ổn định, giữ vững chủ quyền đất nước “từ xa”, “từ sớm.”

Ngoại giao cần phát huy vị thế địa chiến lược của Việt Nam, lấy tạo lập và củng cố vị thế này là ưu tiên của công tác đối ngoại, tạo tiền đề và nền tảng cho phát triển.

Công tác đối ngoại phải đóng góp tích cực cho phát huy tốt nội lực; nội lực mạnh mẽ sẽ tạo ra sinh lực cho hoạt động đối ngoại, tranh thủ cơ hội thuận lợi của môi trường quốc tế, nguồn lực bên ngoài cho phát triển.

Phát huy nội lực là công việc của cả nước, Bộ Ngoại giao không thể đứng ngoài cuộc, mà phải đi trước, kịp thời phát hiện vấn đề và kiến nghị giải pháp cho đất nước.

Cần đặc biệt chủ động, sáng tạo, hiệu quả khi triển khai công tác đối ngoại, đúng như chủ đề của Hội nghị. Ngành ngoại giao phải thích ứng với tình hình mới, sẵn sàng đổi mới tư duy để cung cấp những quan điểm, những cách tiếp cận, những giải pháp mới, không sa vào lối mòn.

Đối ngoại cần phát huy tinh thần “hành động, phục vụ” vì mục tiêu phát triển. Phải chuyển hoá mạnh mẽ lợi thế quan hệ chính trị - đối ngoại tốt đẹp với các đối tác chiến lược và toàn diện thành các cơ hội hợp tác, lợi ích kinh tế, phục vụ cho tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Thu tuong: Doi ngoai cung quoc phong giu vung chu quyen dat nuoc hinh anh 2

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo hội nghị. (Ảnh: TTXVN) 

Ngành ngoại giao cần tập trung nâng tầm đối ngoại đa phương, triển khai ngoại giao đa phương với tâm thế tự tin, đàng hoàng hơn, chủ động đóng góp, tích cực tham gia xây dựng, định hình các thể chế đa phương, nỗ lực vươn lên đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt, hòa giải, thúc đẩy đồng bộ trên mọi lĩnh vực, với hợp tác về kinh tế là trọng tâm.

Trước mắt cần phải tập trung tổ chức thành công Hội nghị WEF-ASEAN ngay trong tháng 9 năm 2018 và xa hơn nữa là ứng cử làm Ủy viên Không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và vai trò Chủ tịch ASEAN 2020.

Ngoại giao kinh tế: Cần làm tốt 4 nhiệm vụ lớn

Thủ tướng giao nhiệm vụ cho Bộ Ngoại giao phải nâng tầm công tác ngoại giao kinh tế và lấy ngoại giao kinh tế làm tiêu chuẩn để đánh giá các cơ quan đại diện.

Cụ thể, ngoại giao kinh tế cần làm tốt bốn nhiệm vụ lớn là: thu thập thông tin một cách chính xác, kịp thời, liên tục, đặc biệt là dự báo kinh tế; tham mưu cho Chính phủ, Bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp; đồng hành, hỗ trợ các Bộ ngành và địa phương, doanh nghiệp, đặc biệt là trong khâu tháo gỡ vướng mắc; và cuối cùng là đôn đốc triển khai các cam kết, thỏa thuận, dự án hợp tác quốc tế.

Trong đó, ngoại giao kinh tế cần lấy doanh nghiệp làm trung tâm, đồng hành cùng doanh nghiệp vươn ra thế giới.

Tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế có thành công hay không phần lớn là nhờ vào sự năng động, sáng tạo của các doanh nghiệp và thành công của doanh nghiệp trong hội nhập là thước đo thành công của hội nhập kinh tế quốc tế.

Thủ tướng đánh giá cao Bộ Ngoại giao đã hướng đến doanh nghiệp trong triển khai công tác đối ngoại, hoan nghênh Tọa đàm ngày 10/8 vừa qua giữa các Trưởng cơ quan đại diện và cộng đồng doanh nghiệp.

Các Đại sứ, Tổng lãnh sự, Tham tán thương mại cần đổi mới tư duy, chủ động hỗ trợ doanh nghiệp. Doanh nghiệp vừa và nhỏ cần thông tin, giới thiệu đối tác, đến kết nối rất cụ thể; đối với các doanh nghiệp lớn là sự hỗ trợ, vận động chính trị để giành các hợp đồng kinh tế.

Một nhiệm vụ quan trọng nữa của ngoại giao kinh tế là tăng cường tìm kiếm nguồn lực, quảng bá, xúc tiến thương mại, thu hút FDI, ODA, du lịch, kiều hối, xuất khẩu lao động… để cùng cả nước phát triển nền kinh tế số, công nghệ cao, thông minh trong cách mạng 4.0.

Trong quá trình này, các Trưởng cơ quan đại diện phải đóng vai trò chỉ đạo, tiên phong, lĩnh xướng, là người bán hàng, bán cơ hội đầu tư, quảng bá tiềm năng du lịch, tiếp thị các mặt hàng nông sản cho đất nước.

Các Đại sứ phải trở thành cầu nối thúc đẩy quá trình chuyển giao công nghệ, thu hút người tài nhất là trong lĩnh vực công nghệ tương lai của cuộc CMCN 4.0.

Thủ tướng đề nghị Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện nghiên cứu, mở hướng mới vận động doanh nghiệp và kiều bào ta ủng hộ đất nước một cách thiết thực, nhất là chung tay hỗ trợ giới thiệu, mở các kênh phân phối tiêu thụ hàng nông sản, thủy sản Việt Nam tại địa bàn.

Công tác thông tin đối ngoại, theo Thủ tướng, là nhiệm vụ không kém phần quan trọng, đòi hỏi được tiến hành thường xuyên, lâu dài trong kỷ nguyên kinh tế số. Bộ Ngoại giao cần đẩy mạnh tuyên truyền để đưa bức tranh đúng, xác thực, kịp thời về phát triển trong nước tới bạn bè quốc tế.

Thu tuong: Doi ngoai cung quoc phong giu vung chu quyen dat nuoc hinh anh 3

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cùng các đại biểu xem triển lãm ảnh Ngoại giao Việt Nam. (Ảnh: TTXVN) 

Cuối cùng, Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phối hợp chặt chẽ và đồng bộ giữa các Bộ, ngành làm công tác đối ngoại để tạo thế tổng lực phục vụ phát triển của đất nước.

Sự phối hợp này phải lấy lợi ích quốc gia dân tộc là tiêu chí hàng đầu. Đối ngoại từ lâu không còn là công việc riêng của Bộ Ngoại giao, mà đã trở thành nhiệm vụ chung của toàn bộ hệ thống chính trị.

Tuy nhiên, Ngoại giao vẫn đóng vai trò đầu tàu lĩnh xướng ở mặt trận đối ngoại, nhưng không thể đơn độc triển khai công tác mà thiếu một cơ chế hợp tác chặt chẽ, bắt đầu từ cấp độ của các cơ quan đại diện.

“Kịp thời trong tham mưu, linh hoạt trong hành động, đồng bộ trong triển khai”

Để triển khai hiệu quả Ngoại giao kiến tạo phát triển một cách chủ động, sáng tạo, Thủ tướng kết luận, ngành ngoại giao cần chú trọng đến ba nhân tố lớn.

Thứ nhất là vai trò của con người. Ngành ngoại giao cần một đội ngũ cán bộ trẻ trung, nhiệt huyết, nắm vững đường lối, chủ trương đối ngoại của Đảng, am hiểu công nghệ và nắm vững các kỹ năng đối ngoại thời đại 4.0, để nâng cao hiệu quả hoạt động trong bối cảnh hạn chế về nguồn lực.

Thứ hai là cần phải có cách làm tốt. Bộ Ngoại giao cần ưu tiên hàng đầu là chuẩn hóa quy trình công tác, tiếp thu và áp dụng công nghệ, kỹ năng hiện đại như chính phủ điện tử, ngoại giao số, ngoại giao công chúng, nâng cao hiệu quả công tác, phục vụ tốt hơn doanh nghiệp và người dân.

Thứ ba, là thông tin, tham mưu, dự báo; công tác cần được triển khai tốt từ khâu thu thập thông tin, xử lý thông tin đến lưu giữ, phân tích và chia sẻ thông tin kịp thời. Công tác nghiên cứu, tham mưu, dự báo phải thực sự trở thành thế mạnh của đối ngoại.

Video: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - đừng để dân phải sợ Công an

Kết thúc hội nghị, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết ngành ngoại giao sẽ quán triệt đầy đủ và triển khai đồng bộ chỉ đạo của Thủ tướng, nỗ lực đáp ứng tối đa những gửi gắm của các Bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp.

Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục đổi mới tư duy, hướng mạnh sang chủ động khởi xướng sáng kiến và dẫn dắt thực hiện. Ngoại giao kiến tạo phát triển sẽ được triển khai trên nhiều tầng nấc, quy mô và đa chiều, có sự liên kết chặt chẽ giữa các ngành và lĩnh vực, nhằm ứng phó hiệu quả với thách thức, duy trì và kiến tạo môi trường thuận lợi cho phát triển.

Phó thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh, “kịp thời trong tham mưu, linh hoạt trong hành động, đồng bộ trong triển khai” sẽ là phương châm chỉ đạo xuyên suốt công tác của Bộ Ngoại giao, nhằm chuyển hóa mạnh mẽ lợi ích chính trị đối ngoại thành lợi ích kinh tế, tranh thủ tối đa nguồn lực quốc tế, nâng tầm ngoại giao đa phương và tiếp tục đẩy mạnh tiến trình hội nhập sâu rộng.

Trong quá trình này, người dân, địa phương và doanh nghiệp sẽ luôn đứng ở vị trí trung tâm, là đối tượng phục vụ chính của ngành ngoại giao.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn