Thủ tướng: Doanh nghiệp, doanh nhân đừng ‘thấy sóng cả mà ngã tay chèo’

Đầu TưChủ Nhật, 08/08/2021 12:58:00 +07:00
(VTC News) -

Theo Thủ tướng, cộng đồng doanh nghiệp sắp tới vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng cần có giải pháp tháo gỡ để phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Nội dung trên được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tại hội nghị trực tuyến với các doanh nghiệp, hiệp hội và địa phương về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Thủ tướng: Doanh nghiệp, doanh nhân đừng ‘thấy sóng cả mà ngã tay chèo’ - 1

Thủ tướng khẳng định, Chính phủ luôn đồng hành, quan tâm, hỗ trợ doanh nghiệp lúc khó khăn, trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ. (Ảnh: VGP)

Theo Thủ tướng, dịch COVID-19 kéo dài hơn 1 năm qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ đời sống, kinh tế xã hội trên toàn cầu. Nhiều quốc gia đã có chiến lược chuyển sang trạng thái “sống chung với dịch” để đưa ra các giải pháp phát triển kinh tế trong và sau đại dịch, tránh lỡ nhịp và giảm cạnh tranh, thu hút đầu tư phát triển kinh tế.

Ở Việt Nam, nhiều địa phương đang phải thực hiện giãn cách xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị đình trệ, thua lỗ, đời sống nhân dân nói chung và công nhân nói riêng gặp khó khăn… Không ít doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, đóng cửa, rút khỏi thị trường.

Tuy vậy, người đứng đầu Chính phủ đánh giá cao cộng đồng doanh nghiệp bằng bản lĩnh, trí tuệ vẫn duy trì được sản xuất, kinh doanh, không đứt gãy chuỗi sản xuất, bảo đảm cuộc sống của người lao động, góp phần vào tăng trưởng kinh tế những năm qua và 7 tháng đầu năm 2021.

“Tôi cũng rất chia sẻ, thấu hiểu với nhiều lĩnh vực kinh doanh, dù nỗ lực đến đâu cũng không tránh được sự thua lỗ, thậm chí phá sản nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước, của nhân dân, đặc biệt là các ngành Hàng không, Du lịch”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.

Thủ tướng cũng cho biết Chính phủ đã và đang nghiên cứu ban hành nhiều giải pháp chủ động, sáng tạo, quyết liệt, linh hoạt, huy động mọi nguồn lực để phòng chống, đẩy lùi dịch bệnh và duy trì sản xuất ở những nơi an toàn, đảm bảo an dân. Nhờ đó, kinh tế xã hội 7 tháng đầu năm vẫn đạt nhiều kết quả tích cực.

Tuy nhiên, bối cảnh trong nước, quốc tế và diễn biến dịch bệnh hiện nay đòi hỏi tất cả đã quyết tâm rồi phải quyết tâm hơn nữa, đã cố gắng rồi phải cố gắng nhiều hơn nữa.

“Đây là thời điểm 'lửa thử vàng, gian nan thử sức', 'chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo' để vượt qua khó khăn, dự báo, nắm bắt cơ hội phát triển doanh nghiệp và góp phần phát triển đất nước với tầm nhìn xa trông rộng, gắn với dự báo tình hình trong thời gian tới”, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.

Không chỉ nỗ lực vượt qua khó khăn của đại dịch, tận dụng cơ hội phát triển kinh tế, theo Thủ tướng, thời gian qua, các doanh nhân đã thể hiện nét đẹp truyền thống của người Việt Nam “thương người như thể thương thân”, tinh thần “tương thân tương ái”, “một miếng khi đói bằng một gói khi no”.

Hiện nay các doanh nghiệp vẫn tiếp tục đóng góp để hỗ trợ mua vaccine, thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, hỗ trợ lực lượng tuyến đầu chống dịch... Thậm chí có những doanh nhân còn sáng tạo cây ATM gạo, ATM oxy và bằng nhiều hình thức khác nhau để hỗ trợ Chính phủ và nhân dân.

“Chính phủ và cá nhân tôi rất cảm động, cảm nhận sâu sắc rằng các doanh nhân đã hỗ trợ nhân dân bằng cả tấm lòng và trái tim, đã viết nên nét văn hóa doanh nhân rất đẹp, rất nhân văn, thiết thực và hiệu quả. Tôi mong tinh thần ấy, nhiệt huyết ấy sẽ được các anh chị em doanh nghiệp, doanh nhân tiếp tục phát huy trong thời gian tới, để góp phần chiến thắng đại dịch COVID-19, để xây dựng đất nước Việt Nam giàu đẹp và mang lại hạnh phúc, ấm no cho nhân dân”, Thủ tướng phát biểu.

Hòa Bình
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp