Thủ tướng chỉ đạo quy trách nhiệm cá nhân nếu còn sim rác

Thời sựThứ Ba, 15/01/2019 21:03:00 +07:00

Dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ T&TT, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu xử lý triệt để vấn đề sim rác.

Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương. Đánh giá cao các thành tích của Bộ trong năm qua, nhưng Thủ tướng cũng chỉ ra một số tồn tại của ngành. Trong đó, Thủ tướng nhắc lại, vụ AVG làm chậm sự phát triển của ngành, mất nhiều cán bộ. Thủ tướng chỉ đạo, Bộ phải coi đây là bài học “đắt giá” và phải mạnh mẽ vươn lên theo hướng “vấp” nhưng không được “ngã”.

Theo báo cáo của Bộ, năm qua, tốc độ tăng trưởng doanh thu toàn ngành cao hơn tăng trưởng GDP cả nước, đạt khoảng 2,65 triệu tỷ đồng, ước tăng 112,6% so với 2017, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế; các lĩnh vực do bộ quản lý cũng có đóng góp làm thay đổi tích cực đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội của người dân.

1

Thủ tướng và các đại biểu nghe giới thiệu về các sản phẩm. 

Theo đó, Bộ đã làm tốt vai trò kiến tạo, thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường viễn thông, đảm bảo sự cân bằng lợi ích giữa xã hội, nhà nước và doanh nghiệp. Có 93 doanh nghiệp có tổng doanh thu 350.000 tỷ/năm, tương đương 15 tỷ USD. Bộ đã triển khai thành công kế hoạch chuyển đổi mã mạng; dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số; Tập trung xử lý triệt để tình trạng sim rác. Đến nay, sóng di động đã phủ tới 99,7% dân số.

Trong xây dựng Chính phủ điện tử, Thủ tướng đã đồng ý cho Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì xây dựng Đề án Chuyển đổi số Quốc gia quốc gia và nếu thực hiện thành công, Việt Nam sẽ tăng được năng suất lao động lên từ 30 đến 40%, góp 20 - 30% trong tăng trưởng GDP, tránh được bẫy thu nhập trung bình.

Bộ đã làm tốt vai trò thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin trên nguyên tắc kiến tạo thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp và hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý. Năm qua, tổng doanh thu lĩnh vực công nghiệp này ước đạt gần 99 tỉ USD, trong đó xuất khẩu ước đạt 94 tỷ USD.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Việt Nam hiện nay đã sản xuất được 70% các loại thiết bị viễn thông và Bộ quyết tâm hành động để đưa Việt Nam trở thành nước thứ 4 trên thế giới sản xuất được tất cả thiết bị viễn thông và xuất khẩu được.

Trong công tác thông tin và truyền thông, Bộ sẽ thực hiện đề án quy hoạch và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025; triển khai một số giải pháp quyết liệt nhằm đấu tranh với các doanh nghiệp nước ngoài, cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vi phạm pháp luật Việt Nam. Việc Bộ chính thức công bố những hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam của Facebook đã được đông đảo các cơ quan báo chí đăng tải - khẳng định rõ tuyên bố của một quốc gia có chủ quyền.

2

Thủ tướng thăm các gian hàng giới thiệu sản phẩm công nghệ thông tin. 

Bộ cũng sẽ tiếp tục thúc đẩy đầu tư vào hạ tầng viễn thông để đây không chỉ là hạ tầng thông tin liên lạc mà còn là hạ tầng của kinh tế số, xã hội số, hạ tầng của cách mạng công nghiệp lần thứ 4, hạ tầng kết nối vạn vật. Cùng với đó là sử dụng hiệu quả băng tần để nâng cao chất lượng mạng 4G, nghiên cứu, cấp phép tần số phục vụ thử nghiệm 5G.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, để phát triển nhanh, phải thúc đẩy công nghệ cao ở Việt Nam: “Con đường đi lên, đi nhanh của Việt Nam phải là công nghệ, phải là doanh nghiệp công nghệ cao của Việt Nam. Tư tưởng đạo đức và công nghệ. Những vấn đề này rất quan trọng. Chính phủ Việt Nam với đông đủ nhiều thành viên dự hội nghị hôm nay rất ấn tượng với cụm từ mà nhiều đơn vị đã dùng là “sáng tạo và khát vọng Việt Nam”.

Đánh giá cao những thành tích Bộ đạt được năm qua, Thủ tướng nhấn mạnh, Bộ đã xác định lại đúng vị trí, vai trò, sứ mạng của lĩnh vực bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin, tuyên truyền.

Tuy vậy, Thủ tướng nêu một số tồn tại của Bộ, trong đó có vụ AVG, làm chậm sự phát triển của ngành, mất nhiều cán bộ. Bộ phải coi đây là bài học “đắt giá” và phải mạnh mẽ vươn lên theo hướng “vấp” nhưng không được “ngã”.

Thủ tướng cũng chỉ rõ thứ hạng Việt Nam của một số lĩnh vực của Bộ quản lý còn thấp, thậm chí tụt hạng, trong đó, công nghệ thông tin lẽ ra là lĩnh vực đầu tàu cả nước thì tăng trưởng những năm gần đây chậm lại, chưa đi đầu về công nghệ và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Vai trò của một số sở truyền thông – thông tin mờ nhạt, chưa đóng góp nhiều cho sự phát triển của địa phương.

Nhân đây, Thủ tướng cũng khẳng định, chưa sáp nhập Sở Thông tin và Truyền thông với sở nào khi Chính phủ chưa có Nghị định mới về bộ máy của Chính phủ. Cùng với việc củng cố lại Sở Thông tin và Truyền thông, Thủ tướng nhấn mạnh,  Sở sẽ là hạt nhân xây dựng chính quyền điện tử ở các địa phương.

Tại hội nghị, Thủ tướng cũng đã biểu dương một số cơ quan báo chí đã thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền, tạo đồng thuận xã hội, có những bài viết được dư luận chú ý như Báo Nhân dân, Đài Tiếng nói Việt Nam. Trong đó, Đài Tiếng nói Việt Nam đã kịp thời mua bản quyền truyền hình của Giải vô định ASIAD 2018, phục vụ đông đảo công chúng và được công chúng hoan nghênh.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nêu lên sự bất ổn của mạng xã hội trong khi 17 nghìn nhà báo lại chưa thực sự đồng tâm hiệp lực phát triển đất nước. Có những nhà báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp, sa đà vào tiền bạc, nhóm lợi ích.  

Tại hội nghị, Thủ tướng đồng ý với Bộ Thông tin và Truyền thông trình Chính phủ Nghị định về việc chia sẻ cơ sở dữ liệu. Chính phủ cũng đồng ý việc sử dụng tài khoản viễn thông để thanh toán hàng hóa có giá trị nhỏ, trước hết là thực hiện thí điểm. Như vậy là cả ngành ngân hàng và viễn thông cùng tham gia thanh toán điện tử.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông trình Chính phủ về việc cho phép sử dụng tài khoản viễn thông thanh toán dịch vụ nội dung số, nhà mạng và nội dung số có thể dùng chung thẻ nạp tiền.

Thủ tướng đồng ý để Bộ đề xuất phương án đặt hàng báo chí, cơ chế tài chính như một loại hình doanh nghiệp cho các đơn vị sự nghiệp trong lĩnh vực thông tin, tuyên truyền; đồng ý để Bộ nghiên cứu và báo cáo Chính phủ mô hình trung tâm hoặc tổ hợp báo chí nhà nước.  

Với lĩnh vực viễn thông thời gian tới, Thủ tướng chỉ đạo: “Thủ tướng yêu cầu xử lý triệt để vấn đề sim rác. Nhân hội nghị này, tôi đề nghị Chủ tịch, Tổng giám đốc các công ty, doanh nghiệp viễn thông di động phải chịu trách nhiệm cá nhân về sim rác. Sim rác không xử lý được thì hậu quả rất khôn lường. Chỉ có Việt Nam mua sim dễ dàng như vậy, có nước nào mua sim dễ dàng như Việt Nam. Bộ trưởng phải chỉ đạo các đơn vị liên quan về viễn thông để làm việc này”.

Hoan nghênh Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông “bật đèn xanh” cho phát triển mạng 5G ở Việt Nam, trước hết là Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng yêu cầu Bộ sớm triển khai cấp phép tần số 4G và cấp phép thử nghiệm 5G.

Đối với việc phát triển Chính phủ điện tử, Thủ tướng chỉ đạo phải có biện pháp nâng cao thứ hạng Việt Nam về Chính phủ điện tử. Năm 2020 phải tăng ít nhất 15 bậc về Chính phủ điện tử so với năm 2018. Trong đó, Bộ Thông tin và Truyền thông phải là chủ công của Chính phủ điện tử, nhất là vấn đề công nghệ.

Với lĩnh vực công nghệ thông tin, Thủ tướng chia sẻ tham vọng của Bộ về một Việt Nam phát triển của ngành, đồng thời nhấn mạnh, Việt Nam phải có thứ hạng cao về ICT, vì ICT là nền tảng cho những lĩnh vực khác, là nền tảng của kinh tế số. Theo đó, Thủ tướng nhấn mạnh cần có một phong trào Cách mạng trong lĩnh vực của mình, cần nhiều doanh nghiệp công nghệ vừa và nhỏ nhưng cũng phải chú trọng hình thành một khối công nghệ lớn có thứ hạng toàn cầu. Cho nên các tập đoàn lớn như Viettel, Mobifone, VNPT, FPT…phải cố gắng vươn ra thị trường toàn cầu.

“Tôi lưu ý rằng đây là một lĩnh vực vô cùng quan trọng mà chúng ta cần bàn tới. Các đồng chí cũng phải lưu ý sản xuất được các thiết bị viễn thông, đặc biệt là các thiết bị hạ tầng viễn thông: Thủ tướng nêu rõ, đồng thời đề nghị các nhà mạng Việt nam dùng thiết bị Việt Nam.

Trong công tác quản lý báo chí, Thủ tướng chỉ đạo cần thúc đẩy sự đồng thuận, tạo niềm tin xã hội, để báo chí phải đóng góp mạnh mẽ hơn vào sự nghiệp phát triển đất nước. “Phải khát vọng mạnh mẽ về việc 100 năm thành lập nước vào năm 2045, Việt Nam phải như thế nào? Toàn dân Việt nam phải đồng tâm hiệp lực ra sao để đất nước phát triển”. Nêu vấn đề như vậy, Thủ tướng yêu cầu báo chí phải góp phần tạo được khát vọng dân tộc đó.

Chính vì thế, nhiệm vụ của Bộ là triển khai nghiêm túc Đề án quy hoạch và phát triển báo chí đến năm 2025 sau khi Thủ tướng phê duyệt; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để quản lý báo chí tốt hơn nữa; có biện pháp để nâng cao đạo đức người làm báo.  

Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tặng ngành thông tin và truyền thông 10 chữ vàng “Trung thành, Dũng cảm, Tận tụy, Sáng tạo, Nghĩa tình”, đồng thời yêu cầu thực hiện hiệu quả phương châm 12 chữ của Chính phủ năm 2019 là  “Kỷ cương, Liêm chính, Hàng động, Sáng tạo, Bứt phá và Hiệu quả”.

(Nguồn: VOV.VN)
Bình luận
vtcnews.vn