Thủ tướng: Cần tính đến giá trị thương hiệu khi hợp tác công tư

Chính trịThứ Bảy, 05/11/2022 17:54:55 +07:00
(VTC News) -

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, cần tăng cường nhận thức về thương hiệu và giá trị thương hiệu nhằm đẩy mạnh thực hiện hợp tác công tư, nhất là trong y tế, giáo dục.

Tại phiên chất vấn của Quốc hội chiều 5/11, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định) cho biết, hiện nay việc hợp tác công tư đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc định giá thương hiệu. Đại biểu đặt câu hỏi: "Theo Thủ tướng trong thời gian tới cần có giải pháp nào để công khai, minh bạch để giải quyết vấn đề này? Bởi nếu được định giá thương hiệu công thì việc phát huy hợp tác công tư trong lĩnh vực y tế, giáo dục sẽ được phát huy rất hiệu quả".

Giải đáp câu hỏi của đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, Thủ tướng cho biết, việc xây dựng thương hiệu ở các nước trên thế giới tương đối bài bản và được tiến hành từ khá lâu. Điển hình như thương hiệu câu lạc bộ thể thao lớn, hiện lên tới hàng tỷ USD. Định giá cơ sở, tổ chức bao gồm cơ sở vật chất, con người, trong đó có thương hiệu.

"Đây là cơ sở để chúng ta suy nghĩ về xây dựng thương hiệu không những cho tổ chức, doanh nghiệp công mà cả khối tư nhân", Thủ tướng nói và cho rằng cần tăng cường nhận thức về thương hiệu và giá trị thương hiệu, thực hiện hợp tác công tư, nhất là lĩnh vực y tế, giáo dục.

Thủ tướng: Cần tính đến giá trị thương hiệu khi hợp tác công tư - 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời chất vấn chiều 5/11.

Theo Thủ tướng, khi hợp tác công tư, phải tính cả giá trị thương hiệu chứ không phải chỉ là cơ sở vật chất. Đơn cử như Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP.HCM hoặc Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức... có thương hiệu được xếp hạng thì khi hợp tác công tư phải tính giá trị thương hiệu.

"Chúng ta cần thay đổi nhận thức về thương hiệu, từ đó tận dụng nguồn lực xã hội khi hợp tác công tư", Thủ tướng nói.

Tinh giản biên chế sát thực tiễn

Về vấn đề tinh giản biên chế, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa (đoàn Hải Dương) cho rằng, do tinh giản bộ máy và biên chế nên cán bộ công chức cấp xã đang phải làm quá nhiều việc, quá tải về khối lượng công việc. Một công chức văn hóa cấp xã phải thực hiện nhiệm vụ ở 17 lĩnh vực. Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa đề nghị Thủ tướng cho biết giải pháp về vấn đề này?

Thủ tướng: Cần tính đến giá trị thương hiệu khi hợp tác công tư - 2

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương: Chính quyền cấp xã đang bị quá tải về khối lượng công việc

Thủ tướng nhấn mạnh, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã trả lời vấn đề này hôm qua. Ông cũng biết rằng công chức ở cơ sở, bình thường công việc đã nhiều, khi có sự cố còn nhiều hơn.

Vì vậy, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương về tinh giản bộ máy, biên chế, trong đó có cán bộ cấp xã, cơ sở cần sát thực tế. Cần làm rõ đặc thù ở cấp xã, chính quyền đô thị và nông thôn, từ đó cân bằng bộ máy, con người, bố trí nguồn lực, cơ sở vật chất.

"Làm sao để dung hòa điểm chung, điểm riêng và đặc thù của các nơi, vùng miền khác nhau", Thủ tướng nói.

Cũng liên quan đến vấn đề tinh giản, đại biểu Ma Thị Thúy (đoàn Tuyên Quang) đề nghị Thủ tướng cho biết những quan điểm chính, trụ cột trong cải cách, tinh giản thể chế.

Thủ tướng cho biết, cải cách thể chế là một trong ba đột phá chiến lược mà Chính phủ phải làm. Quan điểm về cải cách thể chế là bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn và tôn trọng thực tiễn khách quan, phục vụ lợi ích của người dân, lấy người dân làm trung tâm. 

Xuyên suốt của ba trụ cột này là lấy con người làm chủ thể, mục tiêu, động lực, nguồn lực cho sự phát triển. Hàng tháng, Chính phủ có phiên họp chuyên đề bàn về cải cách thể chế, xây dựng pháp luật; đến nay đã xem xét được 70 luật, trình Quốc hội hơn 10 luật, những nghị quyết khác cũng đang được tích cực xây dựng.

Hà Cường
Bình luận
vtcnews.vn