Thủ tướng: Bỏ giấy phép con không phải để 'mọc' điều kiện khác

Kinh tếChủ Nhật, 19/11/2017 11:04:00 +07:00

Để tránh việc "mọc" lại giấy phép khác, ông Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định kiểm soát điều kiện kinh doanh.

Trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội về bỏ giấy phép con, đại diện Chính phủ cho biết đến nay đã có 243 ngành nghề kinh doanh có điều kiện và hơn 4.300 điều kiện kinh doanh tương ứng. Chính phủ đã yêu cầu các Bộ, ngành bỏ 1/3 hoặc một nửa số điều kiện kinh doanh.

Thu-tuong-QuangHieu-3283-1511062303

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định sẽ xử lý nếu Bộ nào mọc thêm điều kiện kinh doanh.

Thủ tướng lấy ví dụ như Bộ Công Thương công bố cắt giảm hơn 600 điều kiện kinh doanh các loại, chiếm 50%; Bộ Nông nghiệp cắt giảm đạt chỉ tiêu yêu cầu hơn 1/3 tổng số diều kiện kinh doanh. "Chủ trương này đang được thực hiện nghiêm túc. Đây là một yêu cầu chứ không phải thủ tục này cắt rồi lồng vào thủ tục khác", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Thủ tướng cũng cho biết, Chính phủ tới đây sẽ ban hành Nghị định kiểm soát điều kiện kinh doanh, tránh ban hành điều kiện kinh doanh này thì lại "mọc" điều kiện khác. Chính phủ lập nhiều kênh thông tin, giao Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ theo dõi đôn đốc. "Bộ nào mọc thêm điều kiện kinh doanh thì xử lý nghiêm", ông khẳng định và đề nghị Quốc hội giám sát.

Trước câu hỏi của đại biểu Thích Thanh Quyết (Quảng Ninh) về tăng trưởng kinh tế quý III/2017 đột biến, Thủ tướng nhắc lại công thức tính GDP ở Việt Nam và thế giới thì "GDP gồm chi tiêu dùng cộng với chi đầu tư xã hội, chi đầu tư Chính phủ và xuất khẩu, nhập khẩu".

Tuy nhiên theo ông, Việt Nam vẫn có tật "Tháng Giêng là tháng ăn chơi, đủng đỉnh chưa làm ăn, sản xuất kinh doanh. Sang tới quý II, quý III giải quyết mạnh mẽ tăng cường kiểm tra, xử lý giải quyết...

Ông cho rằng, tăng trưởng GDP quý I thấp, quý II và quý III tăng vọt là bình thường. Nhớ lại ở thời điểm đầu năm, lãnh đạo Chính phủ cho hay, lúc đó tăng trưởng thấp khiến Chính phủ rất lo lắng sẽ không đạt mục tiêu tăng trưởng năm nay 6,7% và đã có nhiều cuộc họp chuyên đề tìm ra nguyên nhân, giải pháp. Nhưng sang quý II, III thì tình hình đã sôi động hơn. Sản xuất kinh doanh quý III bằng cả 2 quý trước cộng lại.

Đến thời điểm này một số chỉ số, chỉ tiêu kinh tế đã đạt kết quả khả quan, như tăng trưởng tín dụng hết 10 tháng năm 2017 đạt 13,6%, Việt Nam đón 10 triệu khách quốc tế, xuất khẩu được 35 tỷ USD...

"Chúng ta phải khắc phục tình trạng đầu năm đủng đỉnh, cuối năm vất vả", ông nói và cho biết, Chính phủ sẽ rút kinh nghiệm trong điều hành chỉ đạo kinh tế tới đây.

Video: Phát ngôn 'sốc' kỳ họp Quốc hội khóa 14

Câu chuyện giải cứu hàng nông sản cũng được các đại biểu Quốc hội đưa ra chất vấn Thủ tướng hôm 18/11. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, giá cả hàng hoá do cung - cầu nên khó tránh khỏi việc dư thừa chỗ này, chỗ khác.

Ông đề nghị Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn hoàn thiện quy hoạch sản phẩm các vùng kinh tế trọng điểm. Chính phủ tiếp tục thực hiện chính sách tổ chức sản xuất, giảm trung gian, bám sát thị trường và tổ chức tốt hệ thống tiêu thụ, phân phối và gắn với sản xuất.

Ông dẫn lại hình ảnh Sài Gòn Coop bán hàng tới tận huyện, xã các vùng đồng bằng sông Cửu Long là mô hình cần nhân rộng. Lãnh đạo Chính phủ cho biết, ngành nông nghiệp, Công Thương cũng cần phối hợp chặt chẽ tìm lối ra cho người nông dân.

"An toàn thực phẩm đang đặt ra nhức nhối, nếu tổ chức lại thị trường tốt, có định hướng, thông tin, đầu tư... thì giải cứu mặt hàng nông nghiệp sẽ hạn chế bớt. Khi đã thực hiện kinh tế thị trường thì cần gắn với thị trường và chủ động hơn. Nhà nước khi cần thiết mới giải cứu", ông nhấn mạnh.

(Nguồn: Vnexpress)
Chuyên đề: Tin Kinh tế
Bình luận
vtcnews.vn