Thủ tục gọn nhẹ hơn nếu dân muốn kiện cơ quan Nhà nước

Thời sựThứ Năm, 03/06/2010 05:16:00 +07:00

(VTC News) – Nếu không đồng ý với quyết định hành chính của cơ quan Nhà nước, người dân có thể kiện ngay ra tòa mà không cần qua thủ tục khiếu nại.

(VTC News) – Nếu không đồng ý với quyết định hành chính của cơ quan Nhà nước, người dân có thể kiện ngay ra tòa mà không cần phải qua thủ tục khiếu nại cơ quan có thẩm quyền trước khi kiện ra tòa.

Đây là một trong những thay đổi quan trọng được quy định trong dự thảo Luật Tố tụng hành chính được Chính phủ trình Quốc hội vào sáng nay (3/6). Cũng trong sáng nay, QH đã nghe báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của QH về dự thảo luật này.


Dự án Luật Tố tụng Hành chính được coi là một dự án luật lớn bởi tính chất phức tạp của các khiếu kiện hành chính giữa một bên đi kiện là cá nhân, tổ chức còn bên bị kiện là Nhà nước. Dự án luật này, nếu được thông qua, sẽ thay thế cho Pháp lệnh giải quyết các vụ án Hành chính (ban hành năm 1996) vốn đã bộc lộ nhiều bất cập


Mở rộng quyền khởi kiện vụ án ra tòa

Một trong những vấn đề lớn, còn nhiều ý kiến khác nhau là điều kiện để khởi kiện. Theo tờ trình, ý kiến thứ nhất đề nghị quy định thủ tục khiếu nại là bắt buộc trước khi khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án. Loại ý kiến thứ hai đề nghị quy định, nếu  không đồng ý với quyết định và hành vi hành chính thì người dân có thể khởi kiện ngay ra tòa mà không cần qua thủ tục khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết lần đầu. Chỉ hành vi và loại việc có tính chuyên môn sâu như thuế, sở hữu trí tuệ… thì mới bắt buộc phải qua thủ tục khiếu nại trước khi kiện ra tòa.

Sắp tới, nếu không hài lòng với việc quyết định của cơ quan hành chính Nhà nước, người dân có thể kiện thẳng ra tòa án mà không cần phải qua thủ tục khiếu nại. (Nguồn ảnh: Báo Quảng Ngãi) 


Thẩm tra dự án luật này, đa số các thành viên của Ủy ban Tư pháp tán thành với ý kiến thứ hai. Theo đó, tổ chức, cá nhân khi không đồng ý với quyết định hành chính, hành vi hành chính, thì có quyền lựa chọn khiếu nại tại cơ quan hành chính hoặc kiện ra tòa án. Nếu chọn khiếu nại thì khi hết thời hiệu khiếu nại mà không được giải quyết hoặc đã giải quyết mà không đồng ý thì vẫn còn quyền kiện ra tòa.

Theo Ủy ban Tư pháp, quy định như vậy sẽ đáp ứng được yêu cầu mở rộng quyền khởi kiện, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân được lựa chọn cách thức giải quyết, khiếu nại, khiếu kiện, mở rộng dân chủ trong xã hội, giảm bớt áp lực cho các cơ quan hành chính nhà nước.

Kéo dài thêm thời hiệu khởi kiện

Về thời hiệu khởi kiện, loại ý kiến thứ nhất đề nghị quy định thời hiệu là 2 năm như quy định tại Bộ Luật Tố tụng dân sự. Loại ý kiến thứ hai đề nghị quy định thời hiệu là 90 ngày như trong Luật Khiếu nại tố cáo; và loại ý kiến thứ ba đề nghị quy định thời hiệu là 30 ngày hoặc 45 ngày tùy theo từng trường hợp cụ thể như quy định trong Pháp lệnh giải quyết các vụ án Hành chính hiện hành.

Tán thành với việc quy định thời hiệu khởi kiện khác nhau đối với các loại các các trường hợp khiếu kiện hành chính khác nhau, Ủy ban Tư pháp cho rằng, việc quy định chung một thời hiệu khởi kiện cho tất cả các loại khiếu kiện hành chính là không phù hợp vì các khiếu kiện hành chính rất đa dạng, liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau. Có khiếu kiện hành chính cần quy định thời hiệu rất ngắn như khiếu kiện về danh sách cử tri bầu ĐB Quốc hội, nhưng cũng có những khiếu kiện có thể quy định thời hiệu dài hơn như khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai, xây dựng…

Tuy nhiên, UB Tư pháp cũng chỉ ra rằng, thực tế xét xử các vụ án hành chính trong thời gian qua cho thấy việc quy định thời hiệu khởi kiện khác nhau tùy từng trường hợp cụ thểcủa Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính là quá ngắn, không phù hợp  với thực tiễn. Vì vậy, cần quy định thời hiệu khởi kiện dài hơn so với thời hạn hiện hành (30 hoặc 45 ngày) để người dân có đủ thời gian chuẩn bị.

Không cho hai bên thỏa thuận nhưng có thể đối thoại

Về thủ tục thỏa thuận trước khi đưa ra xét xử, Tờ trình nêu ý kiến thứ nhất đề nghị nên quy định thủ tục thỏa thuận là bắt buộc giữa bên khởi kiện và bên bị kiện. Loại ý kiến thứ hai (được thể hiện trong dự thảo), lại cho rằng không nên quy định thủ tục thỏa thuận là bắt buộc nhưng nên cho phép người khởi kiện và bên bị kiện đối thoại với nhau trước khi đưa ra xét xử.

Thẩm định dự thảo luật, UB Tư pháp cho rằng, lĩnh vực hành chính là lĩnh vực công, một bên là đại diện cho Nhà nước và một bên là đối tượng chịu sự quản lý, điều hành. Mặc dù trong tố tụng tại tòa án thì các bên bình đẳng với nhau về quyền và nghĩa vụ nhưng việc thỏa thuận giữa các bên đương sự trong tố tụng hành chính có liên quan đến nội dung quản lý hành chính. Vì vậy, nếu quy định thỏa thuận là bắt buộc giữa các bên là không phù hợp. Tuy nhiên, theo UB Tư pháp, dự thảo có thể quy định mang tính khuyến khích việc đối thoại giữa các bên trong quá trình giải quyết vụ án nhưng không phải là thủ tục bắt buộc.

Theo chương trình, các nội dung còn có nhiều ý kiến khác nhau của dự án luật này sẽ được thảo luận tại hội trường vào chiều mai (4/6).

Nhật Anh

Bình luận
vtcnews.vn