Thứ trưởng Trương Minh Tuấn: Năm 2014, báo chí có nhiều thành tựu rực rỡ

Thời sựThứ Năm, 25/12/2014 04:30:00 +07:00

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn nhận định khẳng định năm 2014 là năm báo chí Việt Nam có nhiều thành tựu rực rỡ

(VTC News) - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn nhận định con số cơ quan báo chí vi phạm và bị xử phạt thật ra rất nhỏ so với thành tích đạt được nên con số ấy không thể xoá nhoà được hình ảnh tốt đẹp mà báo chí đã xây dựng.

- Trước con số kỷ lục trên 80 lượt trường hợp cơ quan báo chí, trang thông tin điện tử thuộc đủ mọi loại hình truyền thông bị xử phạt, dư luận cho rằng, đời sống báo chí năm 2014 dường như có nhiều “sự cố” hơn thành tựu. Thứ trưởng có đồng tình với nhận định này?

Trái với nhận định này, năm 2014 là năm báo chí có nhiều thành tựu rực rỡ. Thành tích điển hình nhất là cơ quan báo chí đã đi đầu trong công tác tuyên truyền bảo vệ chủ quyền, biển đảo, thể hiện rõ vai trò và trách nhiệm đối với tổ quốc, dân tộc; nhà báo thể hiện rõ vai trò công dân, tinh thần yêu nước, xông pha làm nhiệm vụ ở những nơi hiểm nguy nhất, kịp thời đưa thông tin nóng hổi, chính xác về chủ quyền lãnh thổ đến với người dân.

Thứ trưởng Trương Minh Tuấn 

Tháng 10/2014, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã kịp thời khen thưởng 42 cơ quan báo chí, 45 nhà báo có thành tích xuất sắc về công tác tuyên truyền bảo vệ chủ quyền, biển đảo.

Bên cạnh đó, báo chí còn bám sát tuyên truyền phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; đóng góp vai trò lớn cho công tác phòng, chống tham nhũng… góp phần đảm bảo sự ổn định chính trị xã hội. Nền báo chí của Việt Nam đang ở giai đoạn phát triển nên mặt trái của sự phát triển không thể tránh khỏi.

Con số cơ quan báo chí vi phạm và bị xử phạt thật ra rất nhỏ so với thành tích đạt được nên con số ấy không thể xoá nhoà được những hình ảnh tốt đẹp mà báo chí đã xây dựng được.


- Chiếm tới 2/3 trường hợp bị “tuýt còi” trong năm 2014 là báo điện tử, trang tin điện tử, trang mạng xã hội… Theo ông, đâu là lý do khiến những loại hình thông tin điện tử này luôn là những kẻ đi đầu trong việc “vượt rào”? Và để xảy ra tình trạng này, trách nhiệm chính thuộc về ai: TBT- người phụ trách trang tin, cơ quan chủ quản hay công tác kiểm soát xuất bản trên mạng còn quá nhiều kẻ hở, thưa Thứ trưởng?

Tốc độ phát triển Internet của Việt Nam rất nhanh, môi trường thông tin mạng cũng phát triển nhanh nên ý thức và chuẩn mực của cộng đồng chưa hình thành kịp nên nảy sinh mặt trái. Không phải ở Việt Nam mà các nước trên thế giới đều phải đương đầu với “bệnh” của thông tin mạng.

 
Năm 2014 là năm báo chí có nhiều thành tựu rực rỡ. Thành tích điển hình nhất là cơ quan báo chí đã đi đầu trong công tác tuyên truyền bảo vệ chủ quyền, biển đảo, thể hiện rõ vai trò và trách nhiệm đối với tổ quốc, dân tộc.
 
Những nhóm vấn đề nghiêm trọng đã được đúc kết là: vi phạm bản quyền, xâm phạm đời tư, bôi nhọ, vu khống, thông tin sai sự thật làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín cá nhân, quảng cáo trá hình, ngụỵ tạo hình ảnh, siêu liên kết với các mạng ngoài.


Tình trạng sai phạm của báo chí nhất là báo điện tử, trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội... một phần có trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc cấp phép, theo dõi, quản lý sau cấp phép và xử lý sai phạm.

Hiện nay chúng tôi đã tiến hành rà soát, nếu xảy ra sai phạm, cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí và người đứng đầu cơ quan báo chí phải chịu trách nhiệm.


- Trong cuộc trò chuyện đầu xuân 2014, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Bắc Son đã từng hé lộ với báo chí rằng, Bộ đang hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật để “siết chặt” hơn nữa lĩnh vực thông tin điện tử. Dung hòa được lợi ích hai mặt của một loại hình truyền thông ngày càng có nhiều ưu điểm, được xác định là loại hình truyền thông chủ đạo trong Đề án quy hoạch báo chí Việt Nam đến năm 2020, và vô số những hệ lụy mà nó mang lại, dường như là một bài toán khá khó, thưa Thứ trưởng?

Chúng ta nên chú ý, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nói “siết chặt” không có nghĩa là hạn chế thông tin điện tử. Chúng ta đi sau các quốc gia khác về thông tin điện tử nhưng tốc độ đi nhanh, nên việc cần làm trước mắt là tạo một hành lang pháp lý đủ mạnh và thông thoáng để môi trường thông tin điện tử phát triển. Đây là bài toán khó nhưng không phải không giải được để hài hoà lợi ích.

- Điều đáng quan tâm là không chỉ báo điện tử, nhiều tờ báo in, thậm chí cả truyền hình quốc gia VTV cũng đã “góp mặt” ngày càng nhiều trong danh sách xử phạt của Bộ TT-TT. Năm 2015 sẽ là năm kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, trong thời gian tới, Bộ TT-TT đã có chủ trương nào để vừa siết chặt, lập lại trật tự đời sống báo chí vừa tiếp tục tạo cơ chế cho các loại hình báo chí, trong đó có báo in, phát triển lành mạnh, để báo chí Việt Nam luôn xứng đáng với truyền thống báo chí cách mạng?

Năm 2015 sẽ sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí, xây dựng lại Bộ quy tắc đạo đức nhà báo để đáp ứng đòi hỏi nhu cầu mới trong đời sống báo chí. Quy hoạch báo chí Việt Nam đến năm 2025 là nền tảng căn bản cho một giai đoạn phát triển. Trên cơ sở đó, báo chí Việt Nam sẽ tiếp tục đi lên trong một môi trường lành mạnh.

Nhân dịp năm mới 2015, tôi xin chúc các nhà báo lão thành cùng toàn thể các nhà báo, phóng viên, biên tập viên, những người làm báo năm mới sức khoẻ, hạnh phúc, hoàn thành tốt vai trò và nhiệm vụ của mình, xứng đáng là “Người lính xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hoá”!

Xin cảm ơn ông!

Tiến Dũng
Bình luận
vtcnews.vn