Thứ trưởng Nội vụ: Cấp phó càng nhiều, chứng tỏ cấp trưởng yếu

Thời sựThứ Bảy, 25/08/2018 17:45:00 +07:00

Lãnh đạo Bộ Nội vụ khẳng định điều này tại hội thảo lấy ý kiến để sửa Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Chính quyền địa phương.

Sáng nay (25/8), Bộ Nội vụ tổ chức Hội thảo Chính phủ và Chính quyền địa phương. Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, hội thảo này nhằm lấy ý kiến để sửa Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Chính quyền địa phương sẽ được Bộ báo cáo tại phiên họp Chính phủ vào ngày 30/8 tới đây.

vov_hoi_thao_buvr

Hội thảo Chính phủ và Chính quyền địa phương. 

Theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, nội dung sửa đổi 2 Luật này tập trung vào việc phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ và chính quyền địa phương theo hướng phân cấp mạnh. Đồng thời, xác định rõ chức năng nhiệm vụ của từng cấp chính quyền, tránh chồng chéo như hiện nay. Ví dụ, việc quản lý đất đai hiện nay có đến 3 cấp chính quyền cùng quản lý.

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cũng cho rằng, cần sửa các quy định liên quan đến việc sắp xếp lại các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, huyện cũng như việc thí điểm hợp nhất, nhất thể hoá đơn vị Đảng và Nhà nước nhằm đảm bảo tổ chức bộ máy hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước, phục vụ dân tốt hơn.

Trình bày báo cáo đề dẫn, Thứ trưởng Nội vụ Trần Anh Tuấn nêu lên hàng loạt các điểm mới cần sửa đổi theo tinh thần của Nghị quyết TƯ 6, TƯ 7. Trong đó, có nội dung sửa Luật Tổ chức chính quyền địa phương theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và uỷ quyền giữa Chính phủ và chính quyền địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương.

Bên cạnh đó, nhiệm vụ và quyền hạn, cơ cấu tổ chức của HĐND và UBND các cấp cũng cần tiếp tục hoàn thiện, phân biệt rõ hơn nữa chính quyền đô thị, nông thôn và hải đảo. Ngoài ra, việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp huyện, xã cho phù hợp trong điều kiện xây dựng chính quyền điện tử, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế cũng cần được quy định thêm trong luật để có cơ sở rà soát, sáp nhập, sắp xếp lại.

vov_ong_tuan_tnkd

Thứ trưởng Nội vụ Trần Anh Tuấn phát biểu tại Hội thảo.

“Quan điểm chung là giảm số lượng đại biểu HĐND các cấp, giảm đại biểu HĐND công tác ở các cơ quan quản lý nhà nước; giảm số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện từ 2 xuống 1”- thứ trưởng Nội vụ Trần Anh Tuấn nói.

Thứ trưởng Nội vụ nêu hàng loạt vấn đề gợi mở như, giảm số lượng đại biểu HĐND các cấp ở từng loại hình đơn vị hành chính như thế nào là hợp lý; quy định khung số lượng các cơ quan trực thuộc HĐND cấp tỉnh, huyện và khung số lượng cấp phó của các cơ quan này là bao nhiêu?

“Quan điểm của tôi là cấp phó mà cần càng nhiều thì chứng tỏ cấp trưởng yếu và ngược lại. Như ở Nhật và Singapore, mỗi cơ quan hành chính chỉ có một cấp phó”- Thứ trưởng Trần Anh Tuấn so sánh.

Nguyên Phó chủ nhiệm UB Pháp luật Đặng Đình Luyến cho rằng, việc giảm số lượng đại biểu HĐND một cách hợp lý, kiện toàn bộ máy một cách gọn nhẹ là quan điểm cần quan tâm để sửa.

Ông Luyến nêu thực tế HĐND đông nhưng không mạnh: “Tư tưởng ban đầu cơ cấu đại biểu HĐND nhiều để nâng cao vai trò, vị thế và chất lượng hoạt động nhưng thực tế thì không phải”.

Nguyên Phó Chủ nhiệm UB Pháp luật tiếp tục phân tích, hoạt động của HĐND theo kỳ họp, 1 năm 2 kỳ, quyết định nhiều vấn đề nhưng qua thực tiễn hoạt động cho thấy đại biểu tham gia không đồng đều, chỉ số ít tham gia thảo luận đóng góp. Vì vậy việc bố trí đông chỉ gây lãng phí về công sức, thời gian, kinh phí.

“Đây là vấn đề bất cập, khi văn bản các đề án, báo cáo do UBND tỉnh ban hành ra thì những đại biểu ở các cơ quan hành chính nhà nước rất ít tham gia phát biểu mang tính phản biện. Hiệu quả hoạt động của đại biểu HĐND ở cơ quan quả lý nhà nước rất hạn chế. Thực trạng hoạt động của đại biểu HDND kiêm nhiệm hiệu quả và chất lượng không cao, thể giảm 25%”- ông Luyến dẫn chứng.

GS.TS Nguyễn Hữu Khiển, nguyên Phó giám đốc Học viện hành chính quốc gia cũng bày tỏ ủng hộ việc giảm đại biểu HĐND. Ông cho rằng HĐND quá hình thức: “Động đến một cái, các ông nói bỏ lấy ai giám sát nhưng có thì chẳng giám sát gì cả. Thiết kế bộ máy phải vì dân, phải kiên trì làm. Đã đến lúc người dân không chịu được bộ máy cồng kềnh như thế nữa”- ông Khiển nhấn mạnh.

Video: Cán bộ được thăng chức cần phải "soi'' bằng cấp

>>> Đọc thêm: Trưởng Ban Tổ chức Trung ương: Sai phạm đề bạt, bổ nhiệm cán bộ chiếm 10%

(Nguồn: VOV.VN)
Bình luận
vtcnews.vn