Thứ trưởng Công Thương: Giá xăng E5 phải giảm nữa mới đủ hấp dẫn

Kinh tếThứ Tư, 12/07/2017 07:52:00 +07:00

Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, mấu chốt để người dân chuyển đổi sang dùng xăng E5 là chênh lệch giá đủ lớn giữa loại này với xăng khoáng.

Từ 1/1/2018, theo chỉ đạo của Thủ tướng, trên thị trường sẽ chỉ còn lưu hành 2 loại xăng: xăng sinh học E5 và RON 95. Điều này đồng nghĩa xăng RON 92 sẽ bị khai tử.

- Cách đây 2 năm, Bộ Công Thương cũng đặt ra lộ trình thay thế toàn bộ xăng RON 92 bằng xăng sinh học trên toàn quốc nhưng đã không thành công. Bộ rút kinh nghiệm gì ở lần triển khai này, thưa Thứ trưởng?

Đúng là theo lộ trình thay thế tại Quyết định 53 của Thủ tướng từ 1/12/2015 xăng RON 92 phải được thay thế bằng E5 nhưng đã không được thực hiện thành công. Hiện xăng sinh học mới bán triển khai được tại 8 tỉnh, thành phố, trong đó có 4 tỉnh, thành bán 100% loại xăng này, gồm Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và thành phố Cần Thơ.

Nguyên nhân khiến trước đây lộ trình thay thế xăng E5 không thành công trước tiên do sự chuẩn bị chưa được chu đáo nguồn cung, trạm trộn, rồi công tác tuyên truyền chưa được đầy đủ để người dân thay đổi thói quen sử dụng.

Cùng với đó, chênh lệch giá giữa xăng E5 và RON 92 không đủ lớn (hiện khoảng 150 -200 đồng một lít) nên không hấp dẫn người tiêu dùng chuyển đổi.

Tôi cho rằng, nếu mức chênh giá này lớn hơn người dân sẽ thấy hấp dẫn và chuyển sang dùng xăng E5. 

Thu-truong-Vuong-9477-1499763968

Thứ trưởng Công Thương Hoàng Quốc Vượng. (Ảnh: H.T)

- Cụ thể, cơ chế giá với xăng E5 như thế nào mới đủ hấp dẫn người tiêu dùng?

Xăng E5 hiện đang rẻ hơn khoảng 150 – 200 đồng một lít so với xăng RON 92 và 700 – 800 đồng một lít với RON 95. Mức chênh lệch giá như vậy là không hấp dẫn, người dân vì thế vẫn thích dùng xăng khoáng hơn.

Theo tôi, nếu mức chênh giá giữa xăng sinh học – xăng khoáng là 1.500 – 2.000 đồng một lít thì sẽ hấp dẫn hơn. Tới đây, Bộ Công Thương sẽ làm việc với Bộ Tài chính để đưa ra chính sách cụ thể về thuế, phí… với xăng sinh học, mục đích là tạo ra chênh lệch giá hợp lý, đủ hấp dẫn người tiêu dùng.

Cụ thể, hai bộ sẽ thống nhất thuế nhập khẩu nguyên liệu E100; giảm một số loại thuế với xăng E5 như: giảm thuế môi trường về 2.850 đồng một lít so với mức 3.000 đồng một lít hiện nay; giảm 2% thuế tiêu thụ đặc biệt, về 8%...

Việc giảm thuế sẽ kích thích tiêu thụ xăng E5 và chúng ta không lo thất thu thuế ở xăng dầu vì giảm thuế ở mặt hàng này thì sẽ tăng thu ở mặt hàng khác. Do đó, xét tổng thể thì thu ngân sách không giảm đi mà sẽ tăng lên.

- Nhưng với thời gian còn lại khoảng 5 tháng, liệu lộ trình thay thế xăng RON 92 bằng E5 lần này có thành công? 

Tổng lượng xăng tiêu thụ cả nước năm 2016 khoảng 7,4 triệu m3, trong đó xăng E5 khoảng 590.000 M3 (chiếm khoảng 8% tổng tiêu thụ thị trường), còn lại hơn 6,8 triệu m3 là xăng khoáng RON 92 và RON 95.

Trường hợp chuyển toàn bộ tiêu thụ xăng RON 92 sang xăng sinh học E5 từ đầu năm 2018 tới, thì lượng xăng E5 cần có khoảng 5,4 triệu m3. Cùng với đó, nguồn cung nguyên liệu E100 để pha chế xăng E5 khoảng 250.000 - 270.000 tấn một năm.

Về nguồn cung, hiện có 4 nhà máy sản xuất ethanol ở Bình Phước, Đồng Nai, Quảng Nam và Dung Quất, cung ứng 400.000 m3 xăng E5 một năm, đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường với mặt hàng xăng này. Tuy nhiên, hiện chỉ có 2 nhà máy của Công ty Tùng Lâm (tại Đồng Nai, Quảng Nam) đang hoạt động với công suất 200.000 m3, đủ phối trộn 3,9 triệu m3 xăng E5 một năm.

Hai nhà máy còn lại tại Dung Quất và Bình Phước đang tạm dừng do sản xuất chưa có thị trường tiêu thụ sản phẩm, dự kiến sẽ khởi động trở lại vào cuối năm 2017, cũng sẽ cung ứng cho thị trường khoảng 200.000 m3 nữa.

Về cơ sở hạ tầng, tuy mới chỉ có 5 trong số 26 đầu mối kinh doanh xăng dầu có trạm trộn xăng E5, nhưng đều tập trung tại các doanh nghiệp lớn (Petrolimex, PVOil, Mipec, Sài Gòn Petro và Công ty Nam Sông Hậu…) có khả năng phối trộn, cung ứng thị trường trên 3 triệu m3 xăng sinh học.

Dự kiến các doanh nghiệp này sẽ đầu tư thêm hạ tầng và dự tính đến cuối năm các trạm trộn sẽ đạt trên 6 triệu m3 một năm, đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ từ đầu năm 2018.

xang-sinh-hoc-5816-1499763968

Từ đầu năm 2018 xăng sinh học E5 sẽ được bán đại trà, thay thế hoàn toàn xăng RON 92 trên thị trường. (Ảnh: PVOil)

- Tại sao chúng ta không nhập khẩu xăng sinh học thay vì trông đợi ở các nhà máy trong nước?

Hiện nay chưa ai nhập xăng E100 về Việt Nam nên chưa đủ thông tin để nói rằng nhiên liệu sinh học nhập khẩu rẻ hơn giá bán trong nước. Có thể tại một số quốc gia như Mỹ, Brazil… giá thành sản xuất nhiên liệu sinh học thấp, nhưng khi nhập về Việt Nam sẽ phải chịu loạt thuế, do đó giá bán chưa chắc rẻ hơn.

Hiện có 2 nhà máy đang cần khởi động lại là Bình Phước, Dung Quất. Khi khởi động lại họ phải cạnh tranh với sản phẩm của Tùng Lâm. Không có lý gì khi giá của Tùng Lâm 13.000 đồng một lít, mà giá 2 nhà máy kia cao hơn.

Chưa kể hiện nay chúng ta cho phép các đầu mối kinh doanh xăng dầu có thể nhập khẩu nhiên liệu sinh học nếu thấy giá nhập về rẻ hơn. Vấn đề là chúng ta tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cạnh tranh và đưa mức giá xăng E5 phải rẻ hơn xăng khoáng.

Video: Chưa tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu

Ngoài ra, gần 3 năm bán trên thị trường một số tỉnh, thành cho thấy xăng E5 hoàn toàn đáp ứng kĩ thuật, an toàn của người tiêu dùng và chưa có tỉnh nào phản ánh những phàn nàn của khách hàng về mặt hàng này.

Bộ Công Thương đã làm việc với các tỉnh, thành phố và doanh nghiệp để hoàn thiện khâu chuyển đổi loại xăng. Trong đó các bể chứa, cây xăng sẽ được chuyển đổi nhanh chóng qua xăng E5 và không có gì khó khăn. Với tiến độ còn lại của năm 2017, chúng tôi tin tưởng sẽ chuyển đổi thành công.

Cũng có nhiều người lo về khả năng ngậm nước của E5 nhưng hiện giờ chúng ta đã có thể hoàn toàn xử lý vấn đề kỹ thuật này.

Việc sử dụng xăng E5 là nỗ lực của chúng ta bởi đây là nguồn năng lượng tái tạo, đảm bảo an ninh năng lượng, môi trường, tạo công ăn việc làm cho bà con nông dân trồng sắn. Theo tính toán, bình quân mỗi ha có 4 lao động thì việc phát triển vùng nguyên liệu trồng sắn 500.000 ha, sẽ tạo việc làm cho khoảng 2 triệu nông dân.

(Nguồn: Vnexpress)
Chuyên đề: Giá xăng dầu 2017
Bình luận
vtcnews.vn