Thứ trưởng Bộ NN&PTNT: Thiên tai miền Trung rất dị thường và bất thường

Tin nhanh 24hThứ Sáu, 30/10/2020 21:41:00 +07:00
(VTC News) -

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp khẳng định tuy đã được cảnh báo sớm nhưng đợt thiên tai miền Trung vừa rồi rất dị thường và bất thường.

Trả lời báo chí về công tác cảnh báo thiên tai, lũ lụt ở miền Trung thời gian qua tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ chiều 30/10, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp khẳng định đợt thiên tai miền Trung vừa rồi rất dị thường và bất thường.

"Chưa bao giờ trong vòng 20 ngày mà miền Trung chịu 4 cơn bão. Việc này chúng ta có biết và cảnh báo rất sớm. Ngay từ tháng 1/2020, tại Hội nghị toàn quốc về thiên tai, chúng tôi cùng Bộ TN&MT đã cảnh báo năm nay sẽ có khoảng 5 đến 6 cơn bão ở miền Trung, và trong đó sẽ có những cơn bão rất lớn.

Chúng tôi cũng đã cảnh báo trước 15 ngày về đợt lụt lịch sử tại Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế. Như vậy chúng ta có cảnh báo và cảnh báo sớm, nhưng tại sao lại vẫn xảy ra tình trạng như vậy, vẫn có hình ảnh người dân không kịp chạy lũ, ở trên nóc nhà?", ông Hiệp đặt vấn đề, "Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau".

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, chúng ta đã cảnh báo sớm và người dân cơ bản đã biết thông tin. Có 56,1 triệu lượt tin nhắn gửi đến bà con miền Trung. Bộ NN&PTNT đã cùng Bộ TT&TT làm việc này. Chưa nói đến hệ thống chính trị đã vào cuộc rất sớm. Nhưng có một số nơi diện ngập lụt rộng, nhà 2 tầng ở trên tầng 2 cũng ngập, không thể trốn trú vào đâu được.

"Ở Lệ Thủy, mực nước có nhà ngập đến 6,3 m, vượt cả mức lũ lụt lịch sử. Diện rộng nên bà con không biết vào chỗ nào. Chúng tôi đang kiểm tra xem có điểm nghẽn thông tin không, nếu có thì ở chỗ nào. Chúng tôi và Thủ tướng sẽ đánh giá ngay lập tức sau khi khắc phục thiên tai", ông Hiệp nói.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT: Thiên tai miền Trung rất dị thường và bất thường - 1

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp tại buổi Họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 10. (Ảnh: báo Nông nghiệp)

Về ứng phó, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng lực lượng chức năng đã rất chủ động.

Thứ nhất, về lực lượng - Công an và quân đội vừa rồi đã tham gia rất tích cực, rất nhiều chiến sỹ đã hy sinh, bị thương. Các chiến sỹ công an, quân đội, cơ bản không ngủ, vất vả.

Tuy nhiên, theo ông Hiệp, trong những trận thiên tai cực đoan như này cần hơn nữa một lực lượng chuyên nghiệp cao, trang thiết bị đồng bộ và lực lượng này có trang thiết bị phù hợp với mọi điều kiện địa hình cũng như thời tiết. Có như thế mới đảm bảo được nhanh và an toàn cho đội cứu hộ. Bộ NN&PTNT sẽ cùng Ủy ban quốc gia ứng phó thiên tai sớm triển khai việc này.

Về cơ sở hạ tầng, ông Hiệp khẳng định "chúng ta đã đầu tư rất nhiều, tuy nhiên sức chịu đựng của cơ sở hạ tầng cũng có hạn chế". Chẳng hạn đê biển, trong thiết kế chỉ chịu đựng được đến sóng gió cấp 11. Nếu thiết kế đê biển chịu đựng được cấp 12, giật cấp 15 thì kinh phí lên gấp đôi và chưa đủ tiền.

Hoặc là hạ tầng cơ sở giao thông, các công trình phúc lợi, chỉ mới thiết kế ở mức độ chấp nhận được, sức chịu đựng cũng có hạn. Ngay chỗ tránh trú bão là yêu cầu tối thiểu thì hiện nay neo đậu tàu thuyền cũng chỉ đảm bảo được 46%, như vậy còn 54% tàu thuyền.

Chưa nói đến câu chuyện ngư dân, sự chấp hành rất tốt nhưng vẫn còn một số chưa chấp hành tốt.

"Câu chuyện sạt lở đất, chúng ta thiệt hại nhiều về người. Sạt lở đất bây giờ diễn ra rất phức tạp và không theo quy luật. Những chỗ sạt lở đất lớn vừa rồi, kể cả ở Trạm kiểm lâm 67, Đoàn kinh tế 337 hay mới nhất ở Nam Trà My, đây là những chỗ ổn định lâu dài, không có trong cảnh báo.

Như vậy, chúng ta cần ứng dụng khoa học công nghệ nhiều hơn nữa trong cảnh báo, chỉ có đưa khoa học công nghệ vào thì cảnh báo mới tốt và nhanh được. Thứ trưởng Bộ TN&MT có nói, hiện nay chúng ta có hơn 10 tỉnh nguy cơ thiên tai cao có bản đồ về sạt lở. Nhưng bản đồ sạt lở của chúng ta hiện nay là tỉ lệ 1/50.000. Muốn triển khai được chỉ đạo trong thực tế thì cần tối thiểu là bản đồ tỉ lệ 1/10.000, còn không phải là 1/5.000.

Và để xây dựng các điểm cụ thể thì cần bản đồ 1/500. Nhưng hiện nay chúng ta có bản đồ 1/50.000 và nếu triển khai theo bản đồ này để cảnh báo thực tế thì chúng ta một lúc phải di chuyển vài xã, điều này không thể làm nổi", ông Hiệp nói.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNN đây là những vấn đề đặt ra và rút lại qua đợt thiên tai khốc liệt vừa rồi ở miền Trung cũng như trên cả nước. Sắp tới Chính phủ chắc chắn sẽ có rất nhiều chỉ đạo và có đầu tư vào công tác này.

"Tôi khẳng định con người có tác động đến thiên tai. Mọi hoạt động của con người đều có tác động hoặc xấu hoặc tốt đến mọi vấn đề, trong đó có thiên tai. Quan điểm của chúng tôi là chúng ta phải thuận thiên, nhưng là thích nghi có kiểm soát, phải có giải pháp công trình để chúng ta thuận thiên. Chúng tôi chỉ đánh giá thêm dưới góc độ Ủy ban thường trực phòng chống thiên tai", ông Hiệp nói thêm.

Xuân Trường
Bình luận
vtcnews.vn