Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc là người thế nào?

Thế giớiThứ Sáu, 24/12/2010 07:00:00 +07:00

(VTC News) - Vào cuối năm, cơ cấu nhân sự Bộ Ngoại giao Trung Quốc lại tiếp tục được điều chỉnh.

(VTC News) - Năm 2010, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tiến hành điều chỉnh nhân sự lớn, tạo ra đội ngũ nhân tài kế cận có đầy đủ bản lĩnh và kinh nghiệm ngoại giao. Đặc biệt, vừa qua Trương Chí Quân đã được đưa lên thay Vương Quang Á để đảm nhiệm chức Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Trung Quốc Trương Chí Quân. 

Một số thông tin sơ bộ về Trương Chí Quân

Giới tính: Nam.

Dân tộc: Hán.

Năm sinh: 2/1953.

Quê quán: Thành phố Nam Thông, tỉnh Giang Tô.

Trình độ: Đại học.

Đã kết hôn, có một con gái.

Vào Đảng Cộng sản Trung Quốc: 8/1971.

Tháng 5/1969: Tham gia công tác tại Binh đoàn Xây dựng Hắc Long Giang.

Tháng 9/1971: Học tại Đại học Bắc Kinh.

Tháng 10/1973: Sang Anh du học.

Từ năm 1975 – 1988: Cán bộ, Phó Trưởng Phòng, Cục 7, Ban Đối ngoại Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc.

Từ năm 1988 – 1991: Trưởng Phòng Cục châu Mỹ-châu Đại Dương và Bắc Âu, Ban Đối ngoại Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc.

Từ năm 1991 – 1994: Bí thư thứ nhất Sứ quán Trung Quốc tại Anh.

Từ năm 1994 – 1996: Phó Cục trưởng Cục châu Mỹ-châu Đại Dương và Bắc Âu, Ban Đối ngoại Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc.

Từ năm 1996 – 1997: Phó Bí thư Thị ủy thành phố Truy Bác, tỉnh Sơn Đông.

Từ năm 1997 – 1998: Chủ nhiệm Phòng Nghiên cứu, Ban Đối ngoại Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc.

Từ năm 1998 – 2000: Cục trưởng Cục châu Mỹ-châu Đại Dương và Bắc Âu, Ban Đối ngoại Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc.

Năm 2000: Phó Tổng thư ký Ban Đối ngoại Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc kiêm Cục trưởng Cục châu Mỹ-châu Đại Dương và Bắc Âu.

Từ năm 2000 – 2009: Phó Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc.

Từ năm 2009 – 12/2010: Thứ trưởng, Ủy viên Đảng ủy Bộ Ngoại giao. (chủ quản các vấn đề khu vực châu Âu và Phòng Phiên dịch)

Tháng 12/2010: Thứ trưởng Thường trực, Bí thư Đảng ủy Bộ Ngoại giao. Là Thứ trưởng phụ trách công tác thường vụ, chủ quản công việc quy hoạch chính sách.

Kiêm Phó Hội trưởng Hội nghiên cứu xây dựng Đảng toàn quốc, Ủy viên  Chính hiệp toàn quốc khóa XI.

Một số chuyến thăm nước ngoài đáng chú ý của Trương Chí Quân

Tháng 4/2003 thăm Bồ Đào Nha.

 

Năm 2004 thăm Vanuatu. Tháng 9 làm đại diện cho Đảng Cộng sản Trung Quốc đến Ai Cập tham dự Hội nghị năm của Đảng Dân tộc Dân chủ Ai Cập. Tháng 11 đại diện cho Đảng Cộng sản Trung Quốc đến New Zealand tham dự Hội nghị năm Công Đảng New Zealand, và đến Việt Nam tham dự Hội nghị Hội đồng Quốc tế các Đảng xã hội.

Tháng 9/2005 dẫn đầu Đoàn đại biểu hữu nghị Đảng Cộng sản Trung Quốc thăm Bolivia, Ecuador.

Tháng 1/2006, đại diện Đảng Cộng sản Trung Quốc đến thăm Hy Lạp, tham dự Hội nghị Hội đồng Quốc tế các Đảng xã hội. Tháng 2/2006 là đại diện cho Trung Quốc đến Đức tham dự Hội nghị Chính sách An ninh Munich, trình bày 3 mục tiêu lớn của chính sách an ninh của Trung Quốc và phản bác lý do vô lý của Thứ trưởng Ngoại giao Nhật nhằm che đậy tội ác xâm lược.

Tháng 1/2007 dẫn đầu Đoàn đại biểu hữu nghị Đảng Cộng sản Trung Quốc thăm Syria.

Kinh nghiệm thực tiễn phong phú

Vào cuối năm, cơ cấu nhân sự Bộ Ngoại giao Trung Quốc lại tiếp tục được điều chỉnh. Người thay thế Vương Quang Á (đã được điều chuyển sang làm tại Văn phòng vấn đề Hồng Công - Ma Cao của Quốc vụ viện vào tháng 10/2010), Thứ trưởng Ngoại giao Trương Chí Quân đã tiếp nhận chức Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao.

Mạng Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, Trương Chí Quân đã thay Vương Quang Á, phụ trách công tác thường vụ Bộ Ngoại giao, chủ quản vấn đề quy hoạch chính sách, còn công tác thông tin do ông chủ quản trước đây được vị Thứ trưởng khác là Thôi Thiên Khải đảm nhiệm. Trong năm 2010, đây là biến động nhân sự đầu tiên cấp Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, gây sự chú ý của dư luận.

Năm 2009 bước vào Bộ Ngoại giao

Trương Chí Quân sinh tháng 2/1953 tại thành phố Nam Thông, tỉnh Giang Tô, có vóc dáng cao gầy, nhẹ nhàng, rất có khí chất tài tử phương Nam. Năm 18 tuổi, do tỏ ra xuất sắc, người thanh niên Trương Chí Quân trẻ tuổi đã gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Trước đó, ông từng công tác tại Binh đoàn Xây dựng Sản xuất Hắc Long Giang. Tháng 9/1971, Trương Chí Quân vào học tại Đại học Bắc Kinh danh tiếng, 2 năm sau đến Anh du học.

Năm 1975, Trương Chí Quân gia nhập Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (Bộ Liên lạc Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc), làm việc ở đây trong rất nhiều năm.

 

Ban Đối ngoại Trung ương Đảng là cơ quan chức năng phụ trách công tác đối ngoại của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, chức trách chủ yếu là quán triệt thực hiện phương châm, chính sách công tác đối ngoại trung ương, nghiên cứu sâu sắc sự biến đổi phát triển của các vấn đề quốc tế quan trọng và tình hình quốc tế.

Cung cấp tình hình có liên quan và những kiến nghị mang tính đối sách cho Trung ương Đảng; ngoài ra, được sự ủy thác của Trung ương Đảng, Ban Đối ngoại Trung ương phụ trách trao đổi và công tác liên lạc giữa Đảng Cộng sản với các chính đảng và tổ chức chính trị nước ngoài; đồng thời còn phải phối hợp, làm đầu mối quản lý công tác giao lưu, đối ngoại có liên quan của các cơ quan trực thuộc Trung ương, các tỉnh, khu tự trị và thành ủy các thành phố trực thuộc.

Trong thời gian làm việc tại Ban Đối ngoại Trung ương, Trương Chí Quân đã trải qua các chức vụ như Phó Trưởng Phòng thuộc Cục Mỹ và Bắc Âu, Phó Cục trưởng Cục Mỹ và Bắc Âu, chủ nhiệm Phòng Nghiên cứu, Cục trưởng Cục Mỹ và  Bắc Âu, Phó Tổng thư ký Ban Đối ngoại Trung ương. Tháng 9/2009 nhậm chức Phó Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương.

Đối với Trương Chí Quân, năm 2009 là một năm bước ngoặt, ông được điều lên làm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao. Tuy đến một bộ ngành mới, nhưng do kinh qua công tác đối ngoại nhiều năm tại Ban Đối ngoại Trung ương, Trương Chí Quân sớm rèn luyện được bản lĩnh ngoại giao từng trải, thành thạo trong lĩnh vực ngoại giao.

Được biết, sau khi Trương Chí Quân rời khỏi chức vụ Phó Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng, nguyên Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Lưu Kết Nhất đã lên thay thế (5/2009, theo báo mạng Nhân dân, Trung Quốc ngày 5/6/2009). Lưu Kết Nhất là người dân tộc Hán, sinh tháng 12/1957, người Bắc Kinh, tốt nghiệp nghiên cứu sinh. Tháng 2/1987 gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Tháng 1/1977 vào làm công tác giảng dạy tại Trường Bổ túc Giáo viên quận Triều Dương, thành phố Bắc Kinh,tháng 1/1978 học tại Học viện Ngoại ngữ Bắc Kinh, tháng 6/1981 làm Phiên dịch tại Văn phòng Geneva, Liên Hiệp Quốc. Từ tháng 3/1987, công tác tạiBộNgoạigiao, từng làm Phó Trưởng Phòng, Trưởng Phòng, Tham tán, Phó Vụ trưởng, Vụ trưởng.Từ tháng 8/1995đếntháng 8/1998 đảm nhiệm Tham tán Đại diện thường trực tại Liên Hợp Quốc.

Tháng 12/2007 làmTrợ lýBộ trưởngNgoại giao, tháng 5/2009 được bổ nhiệm Phó Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Chú trọng trao đổi với báo giới

Trước khi lên làm Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao, Trương Chí Quân đảm nhiệm chức Thứ trưởng phụ trách công tác thông tin. Trên cương vị này, ngoài các công việc ngoại giao hàng ngày, ông rất chú trọng tăng cường trao đổi, giao lưu với báo chí.

Ngày 29/9/2009, Trương Chí Quân đã tổ chức tọa đàm với những người phụ trách các phân xã của báo chí nước ngoài tại Bắc Kinh, bao gồm hãng thông tấn AP, "Nhật báo phố Wall ", Reuters của Mỹ, "Financial Times", "The Economist" của Anh, Itar-Tass của Nga, AFP, "Asahi Shimbun" của Nhật, và 15 hãng thông tấn khác của các nước như Hàn Quốc, Brazil…

Trương Chí Quân nhấn mạnh với các phương tiện truyền thông này, Trung Quốc thành lập được 60 năm qua, đặc biệt là 30 năm cải cách mở cửa, bộ mặt của Trung Quốc và quan hệ với thế giới đều đã có sự thay đổi mang tính lịch sử, nhưng Trung Quốc vẫn là nước đang phát triển, đứng trước rất nhiều thách thức và khó khăn.

Nhân dân Trung Quốc tràn đầy lòng tin với tiền đồ, sẵn sàng cùng nhân dân các nước chung sống hữu nghị, đóng góp tích cực cho hòa bình, phát triển và ổn định của thế giới.

Hy vọng phương tiện truyền thông các nước giới thiệu chuẩn xác, công bằng, toàn diện một nước Trung Quốc chân thật cho thế giới, Bộ Ngoại giao sẵn sàng tiếp tục tăng cường giao lưu và hợp tác với phương tiện truyền thông các nước, tăng cường sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau.

Trương Chí Quân còn tiến hành giao lưu với các phóng viên về các vấn đề như cơ chế phát hành báo chí của chính phủ Trung Quốc, quan hệ giữa các bộ ngành chính phủ với các phương tiện truyền thông.

Ngày 26/11/2010, ông đã tham dự Diễn đàn Thanh niên Bác Ngao 2011 tại Hồng Công, do Diễn đãn châu Á Bác Ngao và Hội Tinh hoa Hồng Công đồng tổ chức, ông có bài phát biểu với chủ đề là “Tăng cường hợp tác, thúc đẩy châu Á cùng phát triển”.

Trong bài phát biểu của mình, Trương Chí Quân vừa chỉ ra nền kinh tế toàn cầu đang phục hồi chậm chạp trước tác động của khủng hoảng tài chính quốc tế, các nền kinh tế đang phát triển của châu Á đang dẫn đầu phục hồi, trở thành động lực chủ yếu thúc đẩy kinh tế toàn cầu tiếp tục phục hồi và tăng trưởng, đồng thời cũng nhấn mạnh các nước châu Á phần lớn đều đứng trước nhiệm vụ kép là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và chuyển đổi phương thức phát triển, các vấn đề an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống đan xen với nhau, vẫn đối mặt với những thách thức nghiêm trọng.

Đồng thời, Trương Chí Quân chân thành nhấn mạnh, đứng trước những thách thức và cơ hội, Trung Quốc sẵn sàng cùng với các nước châu Á bắt tay nỗ lực tăng cường hợp tác trên 5 phương diện. Bài phát biểu quan trọng này đã gây ra phản ứng mạnh mẽ và hiệu quả tốt đẹp cho các đại biểu.

Đội ngũ tinh hoa ngoại giao từng bước hình thành

Năm 2010, Bộ Ngoại giao tập trung thay đổi nhân sự. Ở cấp Thứ trưởng, Thôi Thiên Khải, Phó Oánh, Địch Tuyển được thăng Thứ trưởng, Ngô Hải Long cũng từ Vụ trưởng được thăng lên Trợ lý Bộ trưởng. Ngoài ra, Phó Đại diện thường trực của Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc Lưu Chấn Dân, đại sứ Trung Quốc tại Kazakhstan Trình Quốc Bình cũng được bổ nhiệm làm Trợ lý Bộ trưởng.

 

Đại sứ
ở nước ngoài cũng được điều chỉnh rất nhiều. Hà Á Phi thay thế cho Lý Bảo Đông đảm nhiệm Đại sứ, đại diện của Trung Quốc tại Văn phòng Geneva của Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế khác tại Thụy Sĩ; Lý Bảo Đông thay thế cho Trương Nghiệp Toại đảm nhiệm Đại diện, Đại sứ thường trực tại Liên Hợp Quốc; Trương Nghiệp Toại thì thay thế cho Chu Văn Trọng đảm nhiệm Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ.

Bởi vì Thôi Thiên Khải, Phó Oánh được thăng Thứ trưởng, chức vụ Đại sứ tại Nhật và Đại sứ tại Anh mà họ từng đảm nhiệm, đã lần lượt được nguyên Đại sứ tại Hàn Quốc Trình Vĩnh Hoa, nguyên Đại sứ tại CHDCND Triều Tiên Lưu Hiểu Minh thay thế. Đại sứ tại CHDCND Triều Tiên và tại Hàn Quốc theo đó mà được điều chỉnh.

Ngoài ra, hơn 10 Đại sứ tại các nước Luxembourg, Áo, Thụy Sỹ, New Zealand, Lào, Campuchia… cũng có biến động trong năm 2010.

Về phương diện quan chức cấp Vụ, Cục của Bộ Ngoại giao, Tân Vụ trưởng Vụ châu Mỹ-châu Đại Dương Tạ Phong từng làm Phó Vụ trưởng Vụ này, sau đảm nhiệm Công sứ tại Mỹ, đến nay lại tiếp tục nắm giữ Vụ châu Mỹ-châu Đại Dương; Tân Vụ trưởng Vụ Tây Á-Bắc Phi Trần Hiểu Đông, trong nhiều năm liên tục làm công tác ngoại giao khu vực Tây Á-Bắc Phi, từng làm Tham tán, Phó Vụ trưởng Vụ này, sau này lại được bổ nhiệm làm Đại sứ Trung Quốc tại Iraq; Trương Minh, người từng làm Vụ trưởng Vụ châu Phi, Đại sứ Trung Quốc tại Kenya, Đại diện UN-HABITAT thường trực của Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc, nay đảm nhiệm chức Chủ nhiệm Văn phòng Bộ Ngoại giao.

Những Đại sứ trở về làm Vụ trưởng còn có: Nguyên Đại sứ Trung Quốc tại Pakistan La Chiếu Huy Vụ trưởng Vụ các vấn đề An ninh đối ngoại; nguyên Đại sứ Trung Quốc tại Malawi Lâm Tùng Thiêm đảm nhiệm Vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại sự. Ngoài ra, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Âu-Á Trương Hán Huy thì được thăng lên làm Vụ trưởng.

Không khó để nhìn thấy được, những quan chức mới được bổ nhiệm và điều chỉnh này đều có một đặc điểm chung là: kinh nghiệm công tác phong phú. Họ không chỉ có kinh tế công tác trong nước, mà còn đều được trải nghiệm ở nước ngoài; vừa hiểu biết về chính sách của quốc gia, vừa hiểu biết tình hình thế giới liên quan đến đất nước.

Hiện nay, lãnh đạo Bộ Ngoại giao có tổng cộng 12 người, gồm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Dương Khiết Trì, 7 Thứ trưởng, 4 Trợ lý Bộ trưởng. Cụ thể là: Bộ trưởng Dương Khiết Trì, Thứ trưởng có Trương Chí Quân, Lữ Quốc Tăng, Lý Kim Chương, Thôi Thiên Khải, Phó Oánh, Tống Đào và Địch Tuyển, Trợ lý Bộ trưởng có Hồ Chính Dược, Ngô Hải Long, Lưu Chấn Dân, Trình Quốc Bình.

12 người này đều sinh ra sau năm 1950, có kinh nghiệm thực tiễn ngoại giao phong phú, được bên ngoài đánh giá là “thế hệ nước cộng hòa”.

Từ những nhà lãnh đạo “sinh ra sau năm 1950”, Bộ Ngoại giao còn có một lượng lớn quan chức cấp Cục, Vụ “sinh ra sau năm 60” đã trở thành lực lượng trung kiên, và một lượng lớn các quan chức cấp Phòng “sinh ra sau năm 1970”, các lớn nhân tài rất tươi sáng, có cơ cấu hợp lý.

Bộ tưởng Ngoại giao Dương Khiết Trì từng nhiều lần cho biết, ngoại giao Trung Quốc đứng ở khởi điểm mới, tình hình mới, nhiệm vụ mới đặt ra yêu cầu cao hơn đối với công tác ngoại giao. Thuận theo nhu cầu này, đội  ngũ nhân tài tinh hoa trẻ trung, chuyên nghiệp của Bộ Ngoại giao đã dần hình thành.

Khánh Hưng(Theo báo Phượng Hoàng, Tân Hoa Xã…)

Bình luận
vtcnews.vn