Thứ trưởng Bộ GD-ĐT: Học sinh Việt Nam vốn ‘có tiếng’ thi Toán, khoa học quốc tế

Tin tức - Sự kiệnThứ Bảy, 14/05/2016 04:26:00 +07:00

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định học sinh Việt Nam trong các năm qua đều đạt thành tích cao trong các cuộc thi Toán và khoa học quốc tế.

(VTC News) – Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định học sinh Việt Nam trong các năm qua đều đạt thành tích cao trong các cuộc thi Toán và khoa học quốc tế.

Ngày 14/5, Lễ tôn vinh và trao giải Cuộc thi Giải toán trên Internet – ViOlympic năm học 2015-2016 khu vực phía Bắc được tổ chức tại Hà Nội. Hơn 2100 học sinh đoạt giải đã được vinh danh.
Các học sinh đoạt giải Nhất cuộc thi Violympic
Các học sinh đoạt giải Nhất cuộc thi Violympic năm học 2015-2016 

Phát buổi tại buổi lễ, thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định cuộc thi “Giải toán trên Internet – ViOlympic” năm học  2015-2016 đã có những cải thiện lớn từ số lượng đến chất lượng.

Trong những năm qua, giáo dục đào tạo ở bậc phổ thông nước ta đã có những cải cách, đổi mới, tiến bộ rõ rệt.

“Về phong trào học tập môn Toán, học sinh Việt Nam trước nay vẫn truyền thống trong các cuộc thi toán trong nước và quốc tế, đạt nhiều thành tích cao”, thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định.

Theo bảng thành tích về giáo dục khoa học và Toán học toàn cầu do Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế OECD công bố, Việt Nam xếp hạng 17 năm 2012 và tăng lên hạng 12 vào năm 2015.

“Học sinh nước ta trong các cuộc thi quốc tế về khoa học kỹ thuật, tiếng Anh cũng đều đạt thành tích cao. Theo tin đoàn học sinh Việt Nam tham dự cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc tế vừa báo về, Việt Nam vào top 40 các nước đạt giải với tỷ lệ đạt giải là 70%”, thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển thông tin thêm.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển chia sẻ với các em học sinh
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển chia sẻ với các em học sinh 

Về mặt xã hội, trong những năm gần đây, nhiều cuộc thi qua Internet được tổ chức như thi tiếng Anh, thi Toán, trò chơi giáo dục...

“Những cuộc thi bổ ích như ViOlympic đã phần nào thể hiện sự tiến bộ của học sinh về kỹ năng tin học và ứng dụng trong việc học tập các bộ môn khoa học khác”, thứ trưởng Hiển nói.

Ông Hiển cho rằng nếu không có internet, học sinh vùng sâu vùng xa không thể có cơ hội tham gia các cuộc thi. Những cuộc thi qua internet đã giúp đảm bảo cơ hội bình đẳng về giáo dục cho những nơi còn thiếu thốn, những học sinh khó khăn.

“ViOlympic đặc biệt xuất sắc về việc thu hút thí sinh. Bộ mong muốn làm thế nào ngân hàng đề phong phú, khoa học. Đề nghị các thầy vận dụng khoa hoc tiên tiến nhất đánh giá học sinh, phát triển, động viên học sinh phát triển, xây dựng ngân hàng đề lớn, câu hỏi chất lượng. Năng lực học sinh ngày càng lên cao, câu hỏi cũng phải phát triển, theo sát trình độ học sinh”, thứ trưởng Hiển nói.
PGS Trương Gia Bình nhắn nhủ tới các em học sinh tham gia cuộc thi Violympic
PGS Trương Gia Bình nhắn nhủ tới các em học sinh tham gia cuộc thi Violympic 

Trong khi đó, chia sẻ với các em học sinh, PTS.TS Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn FPT nhấn mạnh: “Các em là những người chiến thắng. Chiến thắng trên quy mô hàng triệu người là một vinh dự to lớn. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất chính là kiến thức cũng như những điều mới mẻ các em học hỏi được trong cuộc thi”.

PGS Trương Gia Bình chia sẻ Toán học chính là vũ khí bí mật trong kinh doanh nói riêng và trong thế giới tương lai của chúng ta nói chung.

“Tại sao các doanh nghiệp, công ty công nghệ hàng đầu thế giới như Google có nhiều người Do Thái, và cả người Việt Nam làm việc?

Vì họ có vũ khí bí mật là toán học. Toán học giúp những người làm kinh doanh tính toán nhạy bén vượt xa đối thủ của họ, tạo ra lợi thế trong đàm phán và ra quyết định”, PGS Trương Gia Bình chia sẻ với các em học sinh.
 

Ông Bình cho rằng tư duy toán học tốt là điều kiện tiên quyết để thành công hơn.

Khi các em học sinh ở đây bước vào đời, thế giới đã rất khác. Thế giới tương lai với cuộc cách mạng số, những cỗ máy hiện đại, thế giới trở nên cực kỳ thông minh, chỉ có chỗ cho những người luôn đổi mới.

Nếu không có sự khác biệt, sáng tạo, không hiểu được những biến đổi sắp tới của thế giới, thanh niên khi ấy không thể tìm được việc làm. Tình trạng này hiện đã bắt đầu diễn ra ở một số quốc gia phát triển như Pháp, Tây Ban Nha, các nước Tây Âu.

“Máy tính thông minh giúp con người rất nhiều nhưng đồng thời cũng có thể thế chỗ con người trong các doanh nghiệp. Con người chỉ có chỗ đứng khi liên tục đổi mới, sáng tạo, giỏi Toán, Tin học và tiếng Anh”, PGS Trương Gia Bình khẳng định.
trường ĐH FPT trao 03 suất học bổng trị giá 280 triệu đồng/suất cho 03 học sinh lớp 11 đạt thành tích tốt tại cuộc thi.
TS Đàm Quang Minh, hiệu trưởng trường ĐH FPT trao 03 suất học bổng trị giá 280 triệu đồng/suất cho 03 học sinh lớp 11 đạt thành tích tốt tại cuộc thi. 
 

ViOlympic - cuộc thi Giải toán trên Internet do Bộ GD&ĐT chỉ đạo, Tập đoàn FPT và ĐH FPT khởi xướng và tổ chức đã có chặng đường 8 năm phát triển.

Tại buổi lễ, 2141 thí sinh đoạt giải đã được vinh danh, trong đó có 244 học sinh khối lớp 4; 554 học sinh khối lớp 5; 250 học sinh khối lớp 8. Khối lớp 9 dẫn đầu về số lượng học sinh đạt giải với 590 em, và con số này ở khối lớp 11 là 503 em.
Ánh Viên gầy đi khi về Việt Nam thi học kỳ lớp 12?

Nguồn: VTV

Tập đoàn FPT, dành tặng 24 chiếc máy tính bảng Samsung cho Top 3 thí sinh đạt thành tích cao nhất cả nước ở 8 bảng thi đấu. Cũng trong khuôn khổ buổi lễ, trường ĐH FPT trao 03 suất học bổng trị giá 280 triệu đồng/suất cho 03 học sinh lớp 11 đạt thành tích tốt tại cuộc thi.

Riêng trong năm học 2015 - 2016, đã có khoảng 8 triệu học sinh tham gia ViOlympic, trong đó 6 triệu thí sinh Toán Tiếng Việt (tăng 20% so với năm học 2014-2015) và 2 triệu thí sinh thi Toán Tiếng Anh (gấp đôi so với 2014-2015).

Đồng thời, sau 18 vòng thi (cuộc thi giải Toán bằng tiếng Việt) và 9 vòng thi (cuộc thi giải Toán bằng Tiếng Anh), vòng thi quốc gia cuộc thi ViOlympic năm học 2015 - 2016 đã thu hút gần 9.180 học sinh trên toàn quốc tham dự, tăng hơn 22% so với con số ấn tượng 7.500 học sinh năm 2014-2015.

Năm 2016 cũng là lần đầu tiên cuộc thi vươn tầm quốc tế với dự án Global ViOlympic dành cho học sinh khối Tiểu học và THCS. Với mục tiêu bước đầu nhằm tạo cơ hội giao lưu, học hỏi kiến thức Toán học, trau dồi kỹ năng ngoại ngữ của học sinh Việt Nam với các nước trên thế giới, Global ViOlympic 2016 đã lan tỏa đến 35 quốc gia và vùng lãnh thổ, tiêu biểu như Úc, Mông Cổ, Bun-ga-ri, Gha-na…

Hơn 32.000 thành viên đã đăng ký tham gia, trong đó 3.800 học sinh lọt vào vòng Chung kết quốc tế.

Một vài con số ấn tượng của ViOlympic:
 Hành trình 8 năm ViOlympic (2008 – 2016):
Gần 21 triệu thành viên đăng ký tham gia;
 Phổ biến tới 702 quận, huyện thuộc 63 tỉnh thành trên cả nước;
•    Năm học 2015 – 2016:
 8 triệu thí sinh tham gia;
 Hơn 9100 thí sinh lọt vào vòng Chung kết quốc gia;
 Hơn 2100 học sinh đạt giải;
Cuộc thi giải toán trực tuyến quốc tế - Global ViOlympic thu hút hơn 32.000 thí sinh đến từ 35 quốc gia và vùng lãnh thổ.


Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn