Thử tìm kế hoạch bí ẩn Man City đang làm ở Mỹ, Úc

Thể thaoThứ Năm, 23/07/2015 05:46:00 +07:00

Chiến lược đầu tư bóng đá toàn cầu của các ông chủ Man City đã rõ ràng, nhưng thực tế họ đã làm được gì với các đội bóng mà họ đầu tư ở Mỹ và Úc.

(VTC News) - Chiến lược đầu tư bóng đá toàn cầu của các ông chủ Man City đã rõ ràng, nhưng thực tế họ đã làm được gì với các đội bóng mà họ đầu tư ở Mỹ và Úc.

Kỳ 1: Manchester City sang Việt Nam: Kiếm tiền kiểu đại gia, đừng mơ làm từ thiện

Kỳ 2: Manchester City sang Việt Nam: Sao không mơ Pirlo, Lampard đá V-League?

Cựu cầu thủ của Arsenal và Juventus, Patrick Vieira, đang là huấn luyện viên của Chương trình phát triển đội hình ưu tú (gọi tắt là EDS). Đây thực chất là đội hình lứa tuổi U21 được gây dựng để đào tạo và phát triển các cầu thủ cho đội hình chính trong tương lai và được hưởng những chế độ đãi ngộ đặc biệt từ phía đội chủ sân Etihad. 
Vieira hiện phụ trách tuyến trẻ của Man City
 Vieira hiện đang tham gia công tác huấn luyện tại Man City
Chính EDS là đội hình đại diện cho Man City tham gia các giải đấu trẻ trên phạm vi toàn châu Âu trong thời gian qua, và nhiều cầu thủ của họ được cho mượn ở các đội bóng khác để gia tăng kinh nghiệm. Đội phó Shay Facey là một trong số đó. Trung vệ 20 tuổi này đang thi đấu cho New York FC dưới dạng cho mượn, cùng với một tài năng trẻ khác của Man City là hậu vệ trái Angelino.

Sự có mặt của Facey và Angelino là một phần trong chiến dịch hợp tác toàn diện giữa Man City với New York FC nói riêng và với toàn bộ các câu lạc bộ trong hệ thống của City Football Group (CFG) nói chung. Ngoài việc mang về các ngôi sao đẳng cấp thế giới như Lampard, Andrea Pirlo hay David Villa về với đội một của New York City đang thi đấu ở MLS, CFG cũng đồng thời gửi gắm những tài năng trẻ của mình sang Mỹ để tích lũy kinh nghiệm.

Một lĩnh vực hợp tác khác là đào tạo cầu thủ trẻ. Với tiềm lực tài chính hùng mạnh, nhân lực hùng hậu, Man City đã giúp New York City phát triển hệ thống đào tạo cầu thủ trẻ một cách bài bản và khoa học. Hồi tháng Tư năm ngoái, đại diện của New York City đã kí hợp đồng hợp tác với 8 đội bóng đá trẻ ở khu vực New York để mở những chương trình đặc biệt bao gồm tập luyện, thi đấu, hỗ trợ y tế.
Man City du đấu ở Mỹ
 Man City du đấu ở Mỹ
Ở phạm vi rộng hơn, họ cũng mở hơn 20 trường bóng đá City ở New York và Los Angeles, hai trong số những thành phố lớn nhất nước Mỹ, với mục tiêu dùng bóng đá để phục vụ cho sự phát triển của cộng đồng. Rõ ràng, việc Man City đầu tư vào bóng đá Mỹ không chỉ nhằm mục tiêu đánh bóng thương hiệu hay né tránh án phạt của Luật Công bằng tài chính FFP, mà họ có một chiến lược nghiêm túc và mang lại nhiều lợi ích cho bóng đá Mỹ.

Mọi chuyện đang diễn ra theo chiều hướng tương tự ở nước Úc. Ngay từ ngày đầu tiên sau khi tiếp quản đội bóng Melbourne Hearts, song song với việc thay đổi bộ nhận diện thương hiệu, CFG cũng đầu tư hơn 15 triệu USD để xây dựng một trung tâm bóng đá cực kì hiện đại nằm trong khuôn viên của đại học La Trobe, một trong những trường đại học có hoạt động thể thao mạnh nhất trên toàn nước Úc. 

Đây vừa là trung tâm điều hành toàn bộ các hoạt động của CFG ở khu vực châu Á Thái Bình Dương, vừa là nơi tập luyện của đội một Melbourne City (tên mới của Melbourne Hearts) và cũng là trung tâm đào tạo cầu thủ trẻ với hệ thống khép kín từ sân tập, trung tâm y tế, vật lý trị liệu, nghiên cứu khoa học thể thao và văn phòng.
Sterling là khoản đầu tư cho tương lai của Man City
Những khoản đầu tư khổng lồ từ ông chủ Arab khiến nhiều người có ấn tượng xấu rằng Man City đang “xây nhà từ nóc”. Nhưng có một thực tế rằng từ năm 1998 đến nay, Man City là nơi cho ra lò nhiều cầu thủ chuyên nghiệp nhất trong số các đội bóng tham dự Premier League. Họ cũng sở hữu trung tâm đào tạo trẻ hiện đại và hoành tráng nhất thế giới trị giá tới 200 triệu bảng khai trương vào năm ngoái. 

Và với những gì đang diễn ra ở Mỹ, Úc hay sắp tới là Nhật Bản, nhiều người hy vọng rằng Man City sẽ mang đến một hình ảnh mới tích cực hơn, không chỉ đối với người hâm mộ mà còn với các nhà quản lý bóng đá.

Chí Thiện
Bình luận
vtcnews.vn