Thu phí xe máy sau 1 năm đã phải dừng: Bộ GTVT phân trần

Thời sựThứ Sáu, 02/10/2015 08:00:00 +07:00

Dung thu phi duong bo voi xe may - Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải đã lên tiếng giải thích về việc thu phí xe máy mới triển khai được một năm đã phải dừng lại.

(VTC News) – Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải đã lên tiếng giải thích về việc thu phí xe máy mới triển khai được một năm đã phải dừng lại.

Hiện nay, dư luận đang rất quan tâm đến việc dừng thu phí đường bộ với xe máy mới triển khai một năm lại.

“Tác động chính sách đã được Bộ Giao thông Vận tải đánh giá đầy đủ chưa và trong thời gian ngắn chính sách đã phải dừng như thế thì Bộ có rút kinh nghiệm gì không?”, một phóng viên đặt câu hỏi cho đại diện Bộ Giao thông Vận tải.
Thu phí xe máy sau 1 năm đã phải dừng: Bộ GTVT phân trần
Chính phủ nhất trí đề xuất tạm dừng thu phí sử dụng đường bộ với xe máy
Trả lời vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết trong phiên họp Chính phủ thường kỳ, Bộ trưởng Bộ GTVT căn cứ đề nghị của các địa phương và thực tiễn, đã đề nghị Chính phủ dừng thu phí đường bộ với xe máy từ 1/1/2016.

Trong Nghị định số 18/2012/NĐ-CP của Chính phủ về Quỹ bảo trì đường bộ có quy định thu phí với xe máy và giao UBND các tỉnh trực tiếp thu từ năm 2013, toàn bộ khoản thu để lại địa phương để duy tu đường của địa phương.

“Qua gần 3 năm thực hiện, số thu không nhiều, nguyên nhân là chưa có chế tài xử lý người không nộp. Chúng tôi và Bộ Tài chính đã tính đến việc UBND các phường, xã trực tiếp thu từ người có hộ khẩu ở địa phương để họ tự khai báo.

Nhưng hiện nay, có thực trạng người chủ và người sử dụng không ở một nơi, chẳng hạn bố mẹ đăng ký xe máy sau đó cho con ra thành phố đi học, nên khả năng thu rất thấp”, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường nói.

Đặc biệt, ở vùng sâu vùng xa, dù đã miễn thu với hộ nghèo nhưng vẫn ảnh hưởng đến thu nhập của người dân. Trên thực tế số thu không đủ số chi ở địa phương.

Trước tình hình đó, Bộ GTVT và Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ tạm dừng thu phí đường bộ với mô tô, xe máy.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường  (Ảnh: Quang Hiếu)
Cả nước có khoảng 40 triệu xe máy, bình quân thu khoảng 70.000 mỗi xe, nếu thu được hết sẽ được 2.800 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng số thu với ô tô chỉ khoảng 5.000 tỷ đồng.

“Số tiền đó nếu thu được sẽ có tác dụng khá lớn để duy tu đường địa phương. Nhưng do chưa có chế tài với người không nộp nên chúng tôi kiến nghị dừng thu để nghiên cứu tiếp, dùng các khoản thu khác để bù vào. Trước đây, thu phí qua trạm đã bỏ thu với xe máy rồi, chỉ thu với ô tô, thì bây giờ cũng theo hướng như thế để phù hợp với nguyện vọng của người dân”, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, một sự việc khác cũng được dư luận quan tâm đó là có đơn vị đề nghị tài trợ hơn 4 triệu USD cho Dự án khả thi Sân bay Long Thành. Các phóng viên cũng đề nghị đại diện Bộ Giao thông vận tải làm rõ vấn đề này.
Phối cảnh dự án sân bay Long Thành
Phối cảnh dự án sân bay Long Thành 

Trả lời những băn khoăn này, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho  biết dự án xây dựng Sân bay Long Thành sau khi được Quốc hội thông qua chủ trương, Bộ Giao thông Vận tải đã thành lập Ban Chỉ đạo để thực hiện Dự án này.

Bộ sẽ lập phương án đầu tư để báo cáo Quốc hội, cũng như báo cáo Chính phủ, đưa ra phương án để lựa chọn. Trên cơ sở đó, Bộ sẽ rút ngắn thời gian để có thể làm sớm công tác giải phóng mặt bằng, cũng như chuẩn bị xong dự án và báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Quốc hội, dự kiến có thể khởi công vào năm 2018.

Dự án sân bay Long Thành tổng thể đáp ứng nhu cầu 100 triệu hành khách một năm khi hoàn chỉnh toàn bộ. Để nghiên cứu báo cáo, Bộ Giao thông Vận tải phải nghiên cứu tổng thể toàn bộ phương án cho cả 3 giai đoạn.

Bộ cũng cần một khoản tiền để nghiên cứu kỹ lưỡng, từ khảo sát đánh giá tác động, cũng như đưa ra các phương án để lựa chọn, và đặc biệt phải đấu thầu, tư vấn quốc tế.

“Tất cả những việc đó, theo như suất đầu tư của các nước làm cho giai đoạn nghiên cứu lập phương án, tính ra phương án này khoảng 35 triệu USD”, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường thông tin.

Ông Trường cũng cho biết, giai đoạn 1 chỉ xây dựng một đường băng cất hạ cánh và một nhà ga cùng một số dịch vụ thiết yếu để có thể đáp ứng được 25 triệu hành khách một năm, trước mắt là tăng cường cho Sân bay Tân Sơn Nhất.

Các giai đoạn nghiên cứu khác nhau cho nên số tiền khác nhau. Tuy nhiên tất cả phải dựa trên số liệu cũng như cách làm mang tính chất tổng thể nhất và các chi phí đưa ra hợp lý nhất, để có một đề án tốt nhất.

Ông Trường cũng cho rằng việc này cần phải qua nhiều cuộc hội thảo, cũng như nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia hàng đầu trên thế giới thì mới lựa chọn được phương án tốt nhất.

Hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải chưa công bố số tiền lập phương án sân bay một cách chính thức.

“Việc tài trợ hiện nay cũng chưa có một tổ chức nào chính thức mà chỉ nêu các vấn đề như thế. Bộ đang nghiên cứu để có thể báo cáo Thủ tướng. Khi điều kiện cho phép mới có thông tin chính thức”, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường nói.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn