Thu phí cả Quốc lộ 1 để “bắt” xe đi cao tốc Trung Lương

Kinh tếThứ Năm, 08/03/2012 12:02:00 +07:00

(VTC News) - Bộ GTVT sẽ cho tiến hành thu phí trên đoạn Quốc lộ 1 - đoạn chạy song song với cao tốc trên, nhằm hoàn vốn cho đường cao tốc, đồng thời giảm tải.

(VTC News) - “Mức thu phí đường cao tốc TP. HCM - Trung Lương là hợp lý, khi chỉ 1.000 đồng/km và sẽ tổ chức thu phí trên đoạn Quốc lộ 1 - đoạn chạy song song với cao tốc trên, nhằm hoàn vốn cho đường cao tốc, đồng thời giảm tải, tránh hư hỏng”, ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết chiều 7/3.

Thu phí cả hai đường để “chia lửa” cho nhau

Xung quanh việc thu phí đường cao tốc TP. HCM - Trung Lương, một số doanh nghiệp vận tải cho rằng, mức thu hiện tại (từ 1.000 đồng đến 8.000 đồng/km đối với từng loại xe) là quá cao.

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho rằng: “Đường cao tốc này được xây dựng bằng hình thức BOT, sau khi hoàn thành (năm 2010), Bộ GTVT đã xin ý kiến Chính phủ chưa thu phí. Mới đây, để đáp ứng thu hồi vốn và có tiền đầu tư dự án khác. Vì vậy, Bộ đã trình Chính phủ tổ chức thu phí, và tiến hành thu phí với dự án này. Thực chất, với mức phí thu 1.000 đồng/km/phương tiện tiêu chuẩn (ô tô dưới 12 chỗ) không phải là mức phí cao, nên sẽ không có thay đổi”.

Để tránh tình trạng xe "trốn" phí nên không đi cao tốc TP. HCM - Trung Lương, tới đây Bộ GTVT sẽ thực hiện thu phí cả trên Quốc Lộ 1 - đoạn chạy song song với cao tốc trênẢnh Internet.

“Chúng tôi đã tham khảo mức thu của một số nước trong khu vực như ở Trung Quốc đang thu 1 Nhân dân tệ/km (khoảng 3.300 đồng/km – PV), và dựa trên thu nhập thực tế của người dân Việt Nam. Như ở đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình thu đến 1.500 đồng/km nhưng đâu có ai ý kiến gì, còn phía Nam thấp hơn vẫn có ý kiến”, ông Trường nói

Lý giải tại sao đã thu phí cao tốc TP. HCM -  Trung Lương, Bộ còn tính tới phương án lập trạm thu phí trên QL1 – đoạn chạy song song với cao tốc trên, ông Trường cho hay: “Đoạn QL1 từ Bình Chánh đi Trung Lương đã được mở rộng 4 làn xe, với chất lượng đường tốt, xe lưu thông với tốc độ nhanh, và đầu tư vốn lớn nên phải thu phí”.

Ngoài ra, theo ông Trường, thu phí trên QL1 để xe đi cao tốc nhiều hơn, tránh tình trạng đi cao tốc bị thu phí nên sang QL1, gây quá tải. Đồng thời, góp phần hoàn vốn cho đường cao tốc Trung Lương. Vì vậy, thời gian tới sẽ tiếp tục thu phí trên QL1.

Ông Trường cho biết thêm, trong đề án BOT đã được phê duyệt cả hai trạm thu phí trên đường cao tốc và trên QL1. Với thực tế hiện nay, khi thu phí đường cao tốc TP HCM – Trung Lương, lượng xe đã đổ dồn sang QL1 lên đến 16.000 – 17.000 xe/ngày.

Có tiền mua xe phải có tiền nộp phí

Liên quan đến đề xuất thu phí lưu thông phương tiện cá nhân đã được Bộ GTVT trình Chính phủ cho ý kiến, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết: “Đề xuất của Bộ là  chú trọng vào nhóm đối tượng có xe từ 9-10 chỗ trở xuống. Vì nhóm đối tượng này cơ bản không kinh doanh vận tải, mua để phục vụ nhu cầu cá nhân, và có điều kiện về kinh tế. Nhóm đối tượng này hiện nay có khoảng 600.000 xe”.

Đối tượng chính để áp dụng thu phí lưu hành là ô tô từ 10 chỗ trở xuống

“Muốn giảm phương tiện cá nhân và giảm ùn tắc, chỉ có hình thức là đánh trực tiếp vào người có phương tiện đấy. Đối tượng có tiền, có điều kiện mua xe nên thu phí là hợp lý”, ông Trường nói.

Ông Trường cũng thừa nhận, cơ sở hạ tầng ở Việt Nam hiện nay rất hạn chế chính vì thế cần  tìm mọi biện pháp để giảm gia tăng phương tiện cá nhân.

Hiện nay 1 tháng có từ 5-7 ngàn xe đăng ký mới. Việc tăng phí trước bạ, tăng phí đăng kiểm... đến giai đoạn 2015-2017 theo lộ trình WTO sẽ phải cắt giảm, nên ta đưa giải pháp nhẹ nhất là chỉ thu phí đối tượng mua xe mục đích đi lại cá nhân, không phải kinh doanh, bỏ tiền mua xe được thì có tiền để nộp phí.

Liên quan đến đề xuất phương án thu phí phương tiện cá nhân vào nội đô giờ cao điểm, Thứ trưởng Trường nhấn mạnh: “Hiện nay vào giờ cao điểm tình trạng tắc đường rất lớn. Việc thu phí này đã được nhiều nước trên thế giới thực hiện. Và thực hiện theo phương pháp hiện đại, tự động gắn trên xe, và trên hệ thống đường.

“Về mặt chủ trương, Bộ kiến nghị Chính phủ cho thực hiện trong thời gian tới là để giảm ùn tắc. Việc thực hiện thế nào thì 2 thành phố Hà Nội và TP. HCM phải xây dựng đề án, trên cơ sở được sự đồng ý ‎của các Bộ ngành và nhân dân”, ông Trường khẳng định.

Lê Việt

Bình luận
vtcnews.vn