Thu phí bảo trì đường bộ: Ai quản lý quỹ?

Thời sựThứ Sáu, 23/11/2012 01:40:00 +07:00

(VTC News) – Đại diện Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng không nên để Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải làm Chủ tịch Hội đồng Quỹ Trung ương.

(VTC News) – Đại diện Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng không nên để Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải làm Chủ tịch Hội đồng Quỹ Trung ương.

Liên quan tới việc Hiệp hội Vận tải thành phố Hà Nội vừa có văn bản gửi Quốc hội và Chính phủ về vấn đề thu phí bảo trì đường bộ. Phóng viên VTC News đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội.

- Thưa ông, những n
ội dung chính của văn bản mà Hiệp hội gửi tới Quốc hội, Chính phủ đề cập tới vấn đề gì?

Nội dung chính của văn bản này là để góp ý vào dự thảo về việc thu phí bảo trì đường bộ của Bộ Tài chính. Về vấn đề tổ chức thu và quản lý phí đó làm sao để minh bạch.

Trước hết, chúng tôi cho rằng nên giao cho Bộ Tài chính chủ trì việc thu phí đó. Bộ Tài chính sẽ đề xuất ra mức thu, cách thu rồi quản lý, sau đó phân bổ lại theo kế hoạch Bộ Giao thông Vận tải đề xuất. Như thế sẽ tập trung nguồn tài chính, đảm bảo sự minh bạch giống như ý kiến của Bộ Tài chính vừa qua là toàn bộ tiền xử phạt vi phạm hành chính trong giao thông đường bộ sẽ chuyển về cho Bộ Tài Chính quản lý, chứ không làm như trước đây là trích 70% cho công an.

Ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội (Ảnh: Internet) 
Kết thúc năm 2011, Bộ Công an đã giao khoán cho các đơn vị là số thu của năm 2012 phải gấp đôi năm 2011. Nếu làm như vậy sẽ dẫn tới hệ lụy như thế này: Càng phạt được nhiều thì tỉ lệ 70% càng cao lên, số tiền thu càng nhiều hơn.

Do vậy, chúng tôi đề xuất tiền thu phí bảo trì đường bộ nên tập trung về cho Bộ Tài chính quản lý để việc quản lý ngân sách tập trung vào một mối thống nhất trên cả nước.


Thứ hai, chúng tôi cho rằng không nên để Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng làm Chủ tịch Hội đồng Quỹ Trung ương – quỹ có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, có tài khoản mở tại kho bạc Nhà nước.

Riêng việc thu phí bảo trì đường bộ tác động tới tâm lý của toàn dân rất nhiều.

Nếu ở các tỉnh cũng thành lập Hội đồng quản lý quỹ như vậy, chúng ta sẽ phải có ngân sách để lo địa điểm đặt trụ sở, phương tiện đi lại, trả lương…cho nhiều người. Nếu không quản lý chặt, dân sẽ cho là không minh bạch trong việc quản lý số tiền thu của dân.


Với kiến nghị không thành lập các Hội đồng quản lý quỹ từ trung ương đến địa phương, chúng tôi cho rằng sẽ tiết kiệm được nhân lực, tiền bạc, đồng thời đảm bảo tính minh bạch trong thu chi nguồn quỹ này.

 

Chúng tôi cho rằng không nên để Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng làm Chủ tịch Hội đồng Quỹ Trung ương.
Ông Bùi Danh Liên
 
Thứ ba, không nên giao cho các trạm đăng kiểm thu phí bảo trì đường bộ trên đầu phương tiện theo kì khám xe. Lý do là bởi hiện nay có khoảng 110 trạm đăng kiểm, trong đó có một số trạm của Nhà nước, còn lại là các trạm xã hội hóa, của địa phương hoặc tư nhân.


Nếu để các trạm này thu phí bảo trì đường bộ, tôi e rằng sẽ phát sinh nhiều vấn đề mà chúng ta phải tiên lượng trước. Trên thực tế, ở một số trạm đăng kiểm hiện đang xảy ra nhiều tiêu cực. Chưa kể ta phải để lại cho họ 1% phí để họ hoạt động. Do đó, chúng tôi cho rằng nên để cho Bộ Tài chính nghĩ ra cách thu hợp lý.

Cuối cùng, chúng tôi cho rằng Bộ Tài chính là cơ quan có rất nhiều kinh nghiệm trong việc quản lý thu, thưởng, phạt, tăng, giảm, miễn giảm, hoàn các loại thuế…Do vậy, nên để họ nghĩ ra cách thu sao cho công bằng. Có thể là thu qua xăng, dầu.

Đối với những đối tượng không sử dụng đường bộ, Bộ Tài chính sẽ có biện pháp lo chuyện đó. Hoặc cũng có thể họ sẽ thu qua các trạm đăng kiểm như thông lệ quốc tế.
Hiệp hội Vận tải Hà Nội đề xuất thu phí bảo trì đường bộ qua xăng, dầu (Ảnh: Internet) 

-
Hiệp hội Vận tải Hà Nội từng đề xuất thu phí bảo trì đường bộ qua xăng, dầu?


Về việc thu phí bảo trì đường bộ qua xăng dầu, chúng tôi đã có nhiều lần kiến nghị rồi, nhưng Bộ Tài chính có nói là do có nhiều đối tượng không sử dụng đường bộ nên như thế lại không công bằng.

Tuy nhiên, chúng tôi đề xuất là nếu bán xăng, dầu cho đơn vị nào không sử dụng đường bộ thì chúng ta khấu trừ đi cho họ như hoàn thuế ý mà. Nếu cứ đẩy việc trên sang cho Bộ Giao thông Vận tải thì cũng “tội” Bộ Giao thông Vận tải lắm.

- Hiệp hội cũng đã nhận được một số phản hồi của các doanh nghiệp vận tải, cho rằng mặc dù mức phí bảo trì của Việt Nam tiếng là thấp hơn nhiều mức thu của một số nước trong khu vực, nhưng chất lượng cầu đường của họ lại cao hơn Việt Nam rất nhiều?

Thực ra quỹ bảo trì đường bộ của ta thấp hơn các nước trong khu vực, nhưng các loại phí đánh vào ô tô lại cao nhất trong khu vực. Có 8 loại thuế và phí “đánh” vào người sử dụng ô tô khiến giá thành ô tô và giá thành vận tải tăng lên. Tuy nhiên, quỹ bảo trì đường bộ lại vẫn thấp.

Ở một số nước, họ chỉ thu phí bảo trì đường bộ trên đường cao tốc còn các đường liên tỉnh, liên huyện họ không thu, nhưng chất lượng cầu đường của họ lại cao hơn Việt Nam nhiều.

Còn tại Việt Nam, do nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn nên nên thu phí đường bộ như vậy để Nhà nước có kinh phí, ngân sách mở rộng đường.

Vậy giải pháp công bằng đảm bảo cho xe hưởng dịch vụ ít trả tiền ít, xe chạy nhiều trả tiền nhiều là gì?

Theo tôi cách tốt nhất là thu phí qua xăng dầu. Chúng ta nên cộng phí bảo trì đường bộ đó vào trong giá xăng, dầu.

Với những đối tượng không sử dụng đường bộ (đường biển, đường sông, hàng không, đường sắt…), khi thanh toán chúng ta sẽ hoàn lại tiền cho họ như hoàn thuế giá trị gia tăng hoặc khi bán xăng, dầu chúng ta khấu trừ luôn cho họ.


- Theo ông, mức phí sử dụng đường bộ hiện nay đã hợp lý chưa?

Hiện tại, mức thấp nhất là 130.000 đồng/tháng/xe (xe ô tô cá nhân dưới 10 chỗ), mức cao nhất là 1.040.000 đồng/tháng/xe. Theo tôi, mức phí trên với ô tô thì được, nhưng với xe tải lớn từ 27 tấn trở lên, tôi nghĩ vẫn còn hơi cao.

Xin cảm ơn ông!

Minh Quân
Bình luận
vtcnews.vn