THƯ PHÁP TRỨNG RỒNG HƯỚNG TỚI 1000 NĂM THĂNG LONG

Tổng hợpThứ Năm, 23/09/2010 12:26:00 +07:00

Triển lãm “Thư pháp Trứng –Rồng” diễn ra từ ngày 2/9 tới ngày 5/9/2010 tại Thiên đường Bảo Sơn đã gây được ấn tượng mạnh trong lòng công chúng.

Triển lãm “Thư pháp Trứng –Rồng”của hai thư pháp gia Nguyễn Quang Thắng và Trần Trọng Dương (nhóm Tiền vệ) diễn ra từ ngày 2/9 tới ngày 5/9/2010 tại Thiên đường Bảo Sơn đã gây được ấn tượng mạnh trong lòng công chúng. Sử dụng 1000 quả trứng để viết lên 1000 chữ Long theo các thể chữ khác nhau: chân, thảo, lệ, triện…, kết hợp nghệ thuật sắp đặt, cộng đồng với nghệ thuật thư pháp Hán Nôm cổ truyền, tác phẩm không những mang lại một hơi thở mới cho nền thư pháp Việt mà còn là một công trình có ý nghĩa trong những ngày cả nước đang hướng về Lễ kỉ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

 

 

Thư pháp Tiền vệ - phả hơi thở hiện đại vào văn hóa truyền thống

Trung Quốc chính là cái nôi của nghệ thuật Thư pháp. Từ đời Tần, đời Hán Thư pháp đã sớm xuất hiện và phát triển mạnh trên quốc gia đông dân nhất thế giới này, sau đó nhanh chóng lan rộng ra các nước khác ở khu vực châu Á có sử dụng thể chữ tượng hình: Nhật Bản, Hàn Quốc… Có thể nói, nghệ thuật viết chữ hay nghệ thuật hội họa chính là nghệ thuật thứ nhất trong bảy loại hình nghệ thuật. Một bức thư pháp bao gồm cả ba yếu tố: hình, âm, nghĩa. Nhưng Thư pháp đẩy sâu cái hình lên đến tận cùng như một môn nghệ thuật. Muốn viết được thư pháp, đòi hỏi một người phải có kiến thức về hội họa, có tư tưởng mới, phải tránh những gì đã lặp lại và phải là người có tài (kiến thức, tư tưởng, nhân phẩm và tài tình).

Mỗi tác phẩm Thư pháp đều mang hơi hướng của thời đại. Từ đời xưa, các văn nhân khi viết Thư pháp đều cố gắng tạo ra một phong cách mới, đưa vào đó nhiều tiêu chí nghệ thuật, nhiều mã khóa hơn để người đời sau khó có thể lặp lại và chinh phục được. Cơ hồ, mỗi tác phẩm thư pháp đều tựa như một đỉnh núi, hấp dẫn những văn nhân đời sau chinh phục, vượt qua. Thư pháp gia nổi tiếng đời Thanh – Trịnh Bản Kiều đã từng nói với các học trò: “Biệt thành nhất gia (Phải tạo ra mình là một người riêng biệt). Các trò mà giống thầy là các trò chết. Các trò phải khác thầy”. Cứ như vậy, dòng nghệ thuật thư pháp chảy qua từng thời kỳ như một dấu ấn ghi lại những biến chuyển của lịch sử.

Vào khoảng những năm 50 của thế kỷ 20, các Thư pháp gia người Nhật Bản nhận ra rằng: nếu cứ theo Thư pháp cổ, họ có viết mãi cũng không thể vượt qua được cổ nhân. Chính vì vậy họ tìm ra một trường phái Thư pháp mới: Thư pháp Tiền vệ. Trung Quốc là cái nôi chào đời của Thư pháp cổ, còn Nhật Bản là nơi khởi điểm của Thư pháp Tiền vệ. Trên nền tảng tư tưởng nghệ thuật truyền thống, các thư pháp gia Nhật Bản đã sáng tạo các đường nét chữ mới, kiểu chữ mới, cách viết mới theo một bố cục mới. Họ phả vào đó sự phá cách cá nhân và hơi thở của thời đại mình đang sinh sống. Rất nhanh chóng, những ưu điểm trong sáng tạo nghệ thuật và sự phá cách đã khiến thư pháp Tiền vệ trở thành một xu hướng mới, dội ngược lại chính cái nôi của Thư pháp cổ và các quốc gia khác trong khu vực châu Á.

Ở Việt Nam, Thư pháp chữ Hán và chữ Nôm cổ truyền có lịch sử ngàn năm, đã đi cùng suốt chiều dài lịch sử văn hóa dân tộc, tuy nhiên Thư pháp Tiền vệ du nhập vào khá muộn bởi chúng ta có một giai đoạn dài bị gián đoạn về chữ Hán. Khoảng 20 năm trở lại đây các phong trào Thư pháp ở Việt Nam mới nhộn nhịp trở lại với khá nhiều sự xuất hiện của các văn nhân, các nhóm thư pháp. Thay vì hình ảnh những ông đồ già râu tóc bạc phơ như trong tác phẩm thơ của Vũ Đình Liên trước đây, phần lớn các thư pháp gia Việt Nam hiện nay đều thuộc… giới trẻ . “Chúng tôi kế thừa nét truyền thống của cổ nhân nhưng thêm vào đó sự phá cách, hơi hướng thời đại kết hợp với những yếu tố riêng, đặc trưng của văn hóa, con người Việt Nam”, Nguyễn Quang Thắng  - thư pháp gia thuộc nhóm Tiền vệ, một nhóm thư pháp có tiếng ở Việt Nam – cho biết.

Nhạy cảm với đời sống xã hội, nhóm Thư pháp Tiền vệ đã sáng tạo nhiều tác phẩm mang tính sắp đặt, xã hội, trong đó nổi bật nhất là tác phẩm “Thư pháp Trứng – Rồng”  hướng tới lễ kỉ niệm 1000 năm Thăng Long vừa gây được tiếng vang lớn sau cuộc triển lãm đầu tháng 9 vừa qua.

 

“Thư pháp Trứng – Rồng” và tình yêu Thăng Long – Hà Nội

Ý tưởng “Thư pháp Trứng – Rồng” xuất phát từ truyền thuyết tổ tiên của người Việt là cha Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ cũng xoay quanh cặp đôi biểu tượng này. Trăm trứng nở ra trăm con trai, người lên rừng theo mẹ, người xuống biển theo cha. Người Việt nào cũng tự hào là “con Rồng cháu Tiên. Trứng và Rồng là biểu hiện cho sự sinh sôi, hội tụ và thăng hoa”. “Thư pháp Trứng – Rồng” chính là một cách nhìn xuyên suốt từ lịch sử cho đến hiện nay.

Tác giả Nguyễn Quang Thắng cho biết thêm: “Rồng cũng là linh vật biểu hiện của quyền lực và sự biến thiên. Rồng là tổ tiên của người Việt. Rồng vừa siêu phàm, mạnh mẽ, oai hùng vừa gần gũi gợi sự tin cậy và che chở. Từ xưa đến nay có hàng nghìn, hàng vạn những biểu tượng về Rồng. Mỗi biểu tượng đều là kết quả từ người sáng tạo và hơi hướng của thời đại đó. Thăng Long nghĩa là con rồng bay lên. Hình tượng đó rất phù hợp trong đời sống thư pháp. Chữ Long có thể viết thăng hoa, bay bổng và đầy phá cách”.

Kết hợp giữa truyền thống với hiện đại, Trứng và chữ Long là truyền thống nhưng được các tác giả thể hiện theo phong cách hiện đại. Sử dụng 1000 quả trứng, trên vỏ viết 1000 chữ Long theo các thể chữ khác nhau: chân, thảo, lệ, triền… Có những chữ theo phong cách tuân theo luật thư pháp cổ nghiêm ngặt, nhưng có những chữ đường nét rất phóng khoáng, phá cách theo sự sáng tạo của người nghệ sĩ.

“1000 chữ Long trong Thư pháp Trứng – Rồngchúng tôi đều sử dụng chữ Nôm. Bởi lẽ đây là loại chữ mà chỉ duy nhất ở Việt Nam mới có. Đó sẽ là một tác phẩm mang dấu ấn riêng của văn hóa Việt Nam mà không thể bị trộn lẫn với bất cứ quốc gia nào khác”, tác giả Trần Trọng Dương chia sẻ.

Lấy hình tượng những thân rồng uốn lượn nhịp nhàng theo phong cách thời Lý thử nghiệm thị giác trên mặt cầu làm âm hưởng chủ đạo, nhóm tác giả đã mang tới cho công chúng cách thưởng thức đa diện, từ nhiều góc độ khác nhau. Những con chữ đã dược làm mới bằng những cấu trúc biến thể đa dạng trên mặt cầu. Nếu tách ra, mỗi quả trứng là một tác phẩm thư pháp độc lập. Nhưng khi kết hợp lại với nhau, quẩn thể Trứng – Rồng ấy đã trở thành một tác phẩm sắp đặt tạo hiệu quả thị giác ấn tượng. Tuy nhiên, hai thi pháp gia cho biết để có cuộc triển lãm này họ phải mất đến hai năm cố gắng, miệt mài không ngừng nghỉ.

“Quen viết trên mặt phẳng, giờ viết trên mặt trứng cũng phải mất một thời gian tập để có thể thích ứng. Hơn nữa trứng là một chất liệu không ăn mực, khi gặp ẩm thì nhòe ra. Chúng tôi phải đi mua mực vẽ, rồi về mày mò tạo ra một chất liệu mực mới để viết lại. Trên quả trứng chỉ có một lỗ nhỏ duy nhất, cầm thế nào để viết được cũng là cả một vấn đề”, thư pháp gia Quang Thắng thổ lộ.

Bên cạnh đó, việc tìm một không gian trưng bày cũng là một chặng đường khó khăn đối với nhóm tác giả. Ban đầu, hai thi pháp gia trẻ tuổi muốn trưng bày tác phẩm trong một không gian phòng tường sơn trắng tinh để làm nổi bật những quả trứng thư pháp. Tuy nhiên, đây lại là thời điểm cả nước hướng tới lễ kỉ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, có quá nhiều công trình, tác phẩm nghệ thuật trưng bày nên gần như không còn phòng trưng bày nào trống. Mãi sau, họ mới tìm được một địa điểm tạm ưng ý ở nhà cổ Đông Hồ khu Thiên đường Bảo Sơn để triển lãm tác phẩm.

Thư pháp gia Trần Trọng Dương cho biết thêm, đây là lần đầu tiên thư pháp cổ truyền kết hợp với cách trưng bày, chinh phục không gian hiện đại của nghệ thuật sắp đặt và phương thức biểu đạt của nghệ thuật cộng đồng. Những quả trứng được trải trên chái hiên, dại nhà để khách tham quan cũng như trẻ em được học và tự tay viết lên những bức thư pháp Trứng – Rồng dưới sự hướng dẫn của các thư pháp gia. Nhờ đó, trẻ em được học văn hóa cổ truyền, được học về nghệ thuật đương đại cũng như kiến thức về lịch sử, ngôn ngữ văn tự truyền thống của người Việt. Điều này giúp cho “Thư pháp Trứng – Rồng” mang lại một ý nghĩa xã hội sâu rộng. Nhóm tác giả khẳng định: “Chúng tôi đang cố gắng để đưa thư pháp trở thành một sân chơi nghệ thuật chung, một nét văn hóa dân tộc gần gũi cho các bạn trẻ Việt Nam”.

Mạnh Tiến

Bình luận
vtcnews.vn