'Thủ phạm' khiến đại lộ hiện đại nhất Sài Gòn liên tiếp sụt lún

Thời sựThứ Năm, 26/06/2014 11:23:00 +07:00

Sử dụng bê tông nhựa không chuẩn cùng với dự báo lượng xe ra vào cảng Cát Lái sai thực tế được cho là nguyên nhân khiến đại lộ hiện đại Đông - Tây bị lún.

Sử dụng bê tông nhựa không chuẩn cùng với dự báo lượng xe ra vào cảng Cát Lái sai thực tế được cho là nguyên nhân khiến đại lộ hiện đại Đông - Tây bị lún hết lần này đến lần khác.

Trình bày trong hội thảo "Nguyên nhân và giải pháp khắc phục hằn lún vệt bánh xe trên mặt đường bê tông nhựa" tổ chức ngày 25/6, KS Hà Ngọc Trường - Phó chủ tịch Hội Cầu đường Cảng TP HCM cho biết, sau nhiều lần kiểm tra toàn diện, nguyên nhân chính gây ra lún trên đại lộ Đông - Tây (phía quận 2) được xác định là sử dụng bê tông nhựa chưa đạt đúng tiêu chuẩn.

Dù đã được khắc phục nhiều lần nhưng hiện tượng lún mặt đường ở đại lộ Đông - Tây (TP HCM) vẫn chưa được xử lý triệt để. Ảnh: Hữu Công
Dù đã được khắc phục nhiều lần nhưng hiện tượng lún mặt đường ở đại lộ Đông - Tây (TP HCM) vẫn chưa được xử lý triệt để. Ảnh: Hữu Công 

Một nguyên nhân nữa là dự báo xe tải ra, vào cảng Cát Lái không đúng. "Trước đây dự báo 10.000 xe mỗi ngày nhưng nay đã lên 22.000 xe. Chính vì vậy mà việc thiết kế sử dụng lớp bê tông nhựa cho lượng xe rất lớn chưa được chính xác", vị kỹ sư ngành cầu đường nói.

Theo ông Trường, để xử lý dứt điểm phần bị lún ở đại lộ Đông - Tây cần tăng hàm lượng polyme trong kết cấu bê tông nhựa. Điều này đã được nhà thầu của Nhật Bản áp dụng để xử lý đoạn bị lún rất nặng từ vòng xoay Mỹ Thủy vào cảng Cát Lái và hiện nay đã khắc phục được hiện tượng lún.

Đồng thời, cần cho xe tải đi đều vào các làn chứ không để xe tập trung đi vào một phía như hiện nay. Ngoài ra, cần chuyển bớt lượng hàng hóa ra cảng Cái Mép - Thị Vải và cảng Hiệp Phước để giảm tải cho tuyến đường vào cảng Cát Lái.

Về tình trạng mặt đường bị lún hầu như khắp cả nước, GS.TS Phan Huy Khang - Trưởng bộ môn đường ôtô và sân bay Đại học Giao thông Vận tải cho biết, qua phân tích do 4 nguyên nhân gồm vật liệu thi công có vấn đề, xe quá tải, vấn đề môi trường, lún trong nền đất.

Các chuyên gia ngành giao thông khác cũng đã phân tích và đưa ra các nguyên nhân gây lún mặt đường tại miền Bắc và miền Trung. Trong đó, tập trung vào 3 vấn đề là thiết kế, thi công và tình trạng xe quá tải. Những vấn đề này sẽ tiếp tục được nghiên cứu để tìm ra một nguyên nhân chính xác dẫn đến lún mặt đường để báo cáo Bộ Giao thông Vận tải.

Để phục vụ cho công tác kiểm định chất lượng đường bộ, các chuyên gia ngành giao thông cho biết một phòng thí nghiệm kiểm định đường bộ thuộc Trường ĐH Giao thông Vận tải, cơ sở 2 tại TP HCM đã được khai trương. Phòng thí nghiệm này được trang bị nhiều thiết bị và có thể thực hiện 259 phép thử hợp chuẩn quốc gia thuộc các lĩnh vực vật liệu xây dựng; thí nghiệm hiện trường và môi trường an toàn giao thông; thí nghiệm về kết cấu công trình.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết Bộ rất coi trọng vấn đề chất lượng và sẽ thực hiện chặt trong thời gian tới. Ngành giao thông coi đây là một thách thức vì hiện tượng hằn lún đang phổ biến trên cả nước, cả đường cao tốc đến đường nông thôn.

» Lún cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình: Lái xe rùng mình kể chuyện
» Cận cảnh xe quá tải rồng rắn phá hoại Quốc lộ 5
» Bộ trưởng Thăng truy trách nhiệm, đường lún đúng quy trình?

Theo VNE
Bình luận
vtcnews.vn