'Thủ phạm' khiến bầu không khí ở Hà Nội 'ô nhiễm nhất thế giới'

Sức khỏeThứ Hai, 30/09/2019 17:13:00 +07:00

Khí thải phương tiện giao thông, hiện tượng nghịch nhiệt và khói bụi từ thói quen đốt rơm rạ của người dân khiến Hà Nội bị ô nhiễm không khí trầm trọng.

Những ngày này, theo trang Airvisual, chất lượng không khí tại một số nơi ở Hà Nội luôn trong tình trạng báo động khi chỉ số AQI ở mức cao, như hôm nay lên mức đỉnh điểm, ở ngưỡng đặc biệt nguy hiểm. Vậy nguyên nhân nào khiến chỉ số AQI ở mức nguy hại kéo dài như vậy?

Khí thải phương tiện giao thông

Theo các chuyên gia, tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM, ô nhiễm không khí thường bắt nguồn từ chất thải các phương tiện tham gia giao thông như xe máy, xe bus và ô tô và các loại máy móc chạy bằng dầu ở các khu công nghiệp, công trình xây dựng. Trong đó, xe máy, mô tô  chiếm tỷ lệ lớn nhất, là nguồn thải chất ô nhiễm lớn nhất.

Hầu hết các phương tiện giao thông hiện nay đều sử dụng động cơ đốt xăng, hoặc dầu diesel làm nhiên liệu. Quá trình đốt cháy nhiên liệu gây bốc hơi, rò rỉ và phát sinh các chất độc ra tự nhiên như VOC, benzen hay toluen…

2

 Khói, khí thải từ các phương tiện giao thông khiến không khí Hà Nội bị ô nhiễm.

Ngoài ra, thành phố hiện tồn tại một số phương tiện giao thông, máy móc cũ, hỏng, lâu năm không được sữa chữa, bảo dưỡng, nên hiệu quả sử dụng nhiên liệu thấp, khí thải cũng từ đó mà tăng cao.

Khắp thủ đô, trong khi ô tô con, xe tải, xe khách thải ra khí NO2, SO2, thì xe máy được xếp vào nhóm đóng góp chính vào lượng chất thải ô nhiễm khi thải ra không khí CO và VOC.

Một số nghiên cứu chứng minh rằng, quá trình đốt cháy nhiên liệu, các loại khí thải nhiên liệu cháy sẽ thải ra bụi cacbon. Loại bụi này nếu không được bay hơi theo không khí đi hết sẽ bám vào xe hoặc quần áo gây hại cho sức khỏe con người.

Một loại bụi nguy hiểm khác cũng "đóng góp" vào tình trạng ô nhiễm không khí chung tại Hà Nội là bụi mịn PM2.5 và PM10. Theo BS CKII Nguyễn Ngọc Hồng – Trưởng khoa Bệnh Phổi nghề nghiệp, Bệnh viện Phổi Trung ương, PM2.5 là những hạt bụi nhỏ, li ti trong không khí, có kích thước 2,5 micron trở xuống (nhỏ hơn so với sợi tóc con người tới 30 lần).

PM2.5 hình thành từ các chất như cacbon, sunphua, nito, và nhiều hợp chất kim loại nguy hiểm khác lơ lửng trong không khí có khả năng “len lỏi” sâu vào trong phổi, đi trực tiếp vào máu và các phế nang gây độc cho cơ thể con người. Đây là nguyên nhân của phần lớn các bệnh lý về hô hấp như: viêm phổi, viêm phế quản, phổi tắc nghẽn hay ung thư.

Sáng sớm, lẫn trong không khí là bụi tự nhiên, khí thải, bụi hữu cơ và bụi siêu mịn (PM10, PM2.5), khiến bầu trời luôn âm u, mù mịt như có sương mù.

Khói, khí thải từ rơm rạ

Một nguyên nhân khác góp phần gây ô nhiễm không khí ở Hà Nội những ngày qua là khói, khí thải từ thói quen đốt rơm, rạ, lá khô hay đốt than ở một số vùng ngoài thành Thủ đô.

Theo GS.TS Hoàng Xuân Cơ - công tác tại khoa Khoa học môi trường và bảo vệ môi trường, Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội, hiện nay, miền Bắc đang vào mùa lá khô, khắp nơi rơm rạ, rác thải đều gom và đốt cùng nhau khiến lượng khí thải ra môi trường lớn hơn bình thường. Đây cũng là nguyên nhân lý giải tại sao chỉ số chất lượng không khí AQI đo được ở các khu vực trên cao đột biến.

4

 Thói quen tập trung đốt rơm rạ cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm không khí những ngày qua ở Hà Nội.

Báo cáo môi trường quốc gia về môi trường không khí cũng lý giải, việc đốt rơm rạ ngoài trời là quá trình đốt không kiểm soát, trong đó sản phẩm chủ yếu là các chất khí bụi, CO2, CO, NOx. Khi rơm rạ cháy không hết có thể tạo ra Aldehyde và bụi mịn là những chất gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Đặc biệt, tại nước ta, đốt rơm rạ theo mùa còn gây ra hiện tượng sương mù quang hóa. Đây là dạng ô nhiễm đặc biệt do sự tương tác giữa các bức xạ cực tím của mặt trời và khí thải ô tô, xe máy, khói bụi… Điều này trực tiếp làm tăng nguy cơ hiệu ứng nhà kính, khiến Trái đất nóng lên, gây biến đổi khí hậu.

Không khí ngày càng ô nhiễm, người dân, đặc biệt là người già, trẻ nhỏ, những người có tiền sử bị bệnh hô hấp mạn tính đều đứng trước nỗi lo về sức khỏe. Nguy hiểm hơn, theo trang Airvisual, nhiều ngày qua chỉ số AQI của Hà Nội luôn xấp xỉ và có lúc vượt ngưỡng tím 300 – ngưỡng báo động mọi người dân tránh ra ngoài để bảo đảm sức khỏe.

Nghịch nhiệt khiến khí thải khó phát tán

Theo GS Cơ, các loại khí thải, bụi hữu cơ, bụi mịn và bụi tự nhiên nếu gặp thời tiết thuận lợi, khi phát sinh sẽ có cơ hội phát tán và bay hơi đi nhanh hơn, trả lại bầu không khí bình thường. Nhưng ngược lại, nếu thời tiết xấu, khiến cho các khi thải trên bị “mắc kẹt”, lơ lửng không thoát đi được (hiện tượng nghịch nhiệt). Điều này khiến tình trạng ô nhiễm của Hà Nội có trầm trọng hơn.

5 3

 Hiện tượng nghịch nhiệt khiến khí thải không thể thoát ra, bay hơi và phát tán đi.

Một số chuyên gia về môi trường cho biết, hiện tượng nghịch nhiệt thường xảy ra khi nhiệt độ của lớp khí quyển trên cao lớn hơn nhiệt độ của lớp khí quyển phía dưới.

Do đó, hiện tượng này thường có tần suất cao xuất hiện vào thời điểm thời tiết xấu hoặc đang trong thời điểm giao mùa giữa thu - đông khi không khí không ổn định, đêm kéo dài và có khí lạnh tràn về.

Khi xảy ra hiện tượng nghịch nhiệt, lớp nghịch nhiệt đóng vai trò như một lớp “màng bọc” làm dừng quá trình xáo trộn trong bầu khí quyển, khiến cho các chất ô nhiễm bị giữ lại trong môi trường không khí.

Quá trình này làm nồng độ các chất ô nhiễm tăng cao khiến chất lượng môi trường không khí tại lớp gần bề mặt đất bị suy giảm, gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho chỉ số AQI của Hà Nội và một số tỉnh đồng bằng Bắc Bộ những ngày qua cao bất thường.

Đồng tình quan điểm trên, ông Hoàng Dương Tùng, chuyên gia Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho biết, những ngày qua trời không mưa, lại ít gió, nên việc khuếch tán, phát tán các chất ô nhiễm trong không khí không lưu thông. Vì vậy "không khí bẩn" bị giữ lại, cứ ở mặt đất. Ngày qua ngày các chất gây tích tụ lại càng khiến bầu không khí ô nhiễm nặng nề

Tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội và các tỉnh miền Bắc những ngày qua luôn ở ngưỡng nguy hại cho sức khỏe. Ghi nhận của hệ thống quan trắc chất lượng không khí 10.000 thành phố trên thế giới AirVisual, 7h34 sáng nay 30/9, AQI của Hà Nội đo được mức đỉnh điểm là 288, trong đó cao nhất thuộc các khu vực: Bắc Từ Liêm (186), Hàng Đậu (187), Tô Ngọc Vân - Tây Hồ (275).

Đường Tây Hồ có những thời điểm AQI đạt ngưỡng 302 – ngưỡng đặc biệt nguy hiểm, báo động ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của người dân, cảnh báo mọi người không được ra ngoài. Trang Airvisual lấy duy nhất số liệu quan trắc không khí từ trạm Đại sứ quán Mỹ.

Không chỉ riêng Hà Nội, mà sáng nay chỉ số AQI tại các tỉnh thuộc đồng bằng Bắc Bộ ở mức cao, điển hình như các huyện Đông Hưng, Thái Thụy của tỉnh Thái Bình lần lượt là 239, 279; huyện Kiến An của Hải Phòng là 227 và Châu Khê của Bắc Ninh 229. 

Hai tỉnh Hưng Yên và Hải Dương cũng chịu chung “số phận” khi AQI đo được vào lúc 10h sáng nay tại 2 địa phương này là 207 và 202.

Khả Minh
Bình luận
vtcnews.vn