Thủ phạm gây ung thư gan dễ lây lan cho người thân thế nào?

Sức khỏeThứ Hai, 05/11/2018 12:52:00 +07:00

Hơn 70% bệnh nhân ung thư gan tới Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu - Bệnh viện Bạch Mai - có viêm gan virus mạn tính.

Theo bác sĩ của Trung tâm Y học hạt nhân và ung thư, trong một gia đình có thể có nhiều người bị ung thư gan. Nguyên nhân là lây nhiễm virus viêm gan.

Năm 2017, ông N.Đ.T (53 tuổi, quê Hà Nội) phát hiện mình bị mắc bệnh ung thư gan. Khai thác tiền sử bệnh được biết năm 30 tuổi, bệnh nhân bị viêm gan virus B. Thời gian đầu ông T. uống thuốc định kỳ nên kiểm soát rất tốt viêm gan. Thấy sức khỏe ổn định, ông T. dừng uống thuốc. Một phần vì chủ quan, một phần vì công việc bận rộn nên suốt thời gian dài ông không điều trị hay kiểm tra sức khỏe.

nambenhnha_Zingvn

 Bệnh nhân T. đang điều trị tại viện. (Ảnh: N.H)

Cuối tháng 3/2017, ông T. cảm thấy đau tức nhiều vùng hạ sườn. Khi đi khám các bác sĩ kết luận ông mắc ung thư gan. Khối u phát triển chèn ép vào vùng xung quanh và gây đau. Bác sĩ đã phẫu thuật cắt bỏ 40% gan phải.

“Sau khi phẫu thuật cắt một phần gan phải, tới tháng 11/2017, tôi đi tái khám lại thì xuất hiện hạch bất thường trong ổ bụng và có nhiều khối u phát triển ở gan trái", ông T. nói. Ngoài ông T., vợ và hai con cũng bị nhiễm virus viêm gan B.

TS.BS Phạm Văn Thái, Phó Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và ung thư, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết hơn một năm trước bệnh nhân T. vào viện thăm khám do đau tức vùng hạ sườn phải, kèm theo người mệt mỏi, chán ăn.

Ban đầu bệnh nhân T. đi khám ở phòng khám, qua siêu âm các bác sĩ phát hiện tổn thương bất thường trong gan của bệnh nhân. Sau đó, bệnh nhân vào viện làm các xét nghiệm. Kết quả trả về cho thấy bệnh nhân bị ung thư gan giai đoạn 3 trên nền xơ gan, có viêm gan virus B và có chỉ định mổ.

Sau mổ, u đã tái phát và di căn nhiều nơi (gan, ổ bụng - PV) nên bệnh nhân được chuyển sang điều trị toàn thân bằng thuốc trúng đích đường uống. Đây là loại thuốc mới, có tác dụng theo theo cơ chế ức chế quá trình tăng sinh mạch máu, làm giảm mạch máu nuôi dưỡng khối u khiến cho khối u bị cắt đứt nguồn nuôi dưỡng và tự thoái triển.

Hiện nay, sau 11 tháng các triệu chứng của bệnh nhân được cải thiện rất tốt. Bệnh nhân không còn đau vùng hạ sườn phải và tăng cân trở lại, sinh hoạt bình thường. Trên hình ảnh chụp CT, một số tổn thương tại gan và tổn thương di căn trong ổ bụng đã biến mất, còn một khối u tại gan nhưng đã thu nhỏ lại so với trước khi điều trị. Đặc biệt các chất chỉ điểm khối u đã giảm so với trước khi điều trị.

“Ung thư gan hiện nay phần lớn là các trường hợp ung thư trên nền viêm gan virus, trong đó, phổ biến là virus viêm gan B. Hiện nay tỷ lệ viêm gan B ở Việt Nam khá cao. Để phòng ngừa ung thư gan hiệu quả nhất là tiêm phòng viêm gan B. Trẻ sơ sinh cần tiêm phòng viêm gan B ngay từ khi mới sinh ra", bác sĩ Thái cảnh báo.

bs_Zingvn

 TS.BS Phạm Văn Thái, Phó Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và ung thư, Bệnh viện Bạch Mai. (Ảnh: N.H)

Thực tế, hơn 70% bệnh nhân ung thư gan tới Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu - Bệnh viện Bạch Mai - có viêm gan virus mạn tính.

Theo chuyên gia này, trong một gia đình có thể có nhiều người bị ung thư gan. "Ba thành viên còn lại trong gia đình bệnh nhân T. nếu không được điều trị, nguy cơ bị xơ gan và ung thư gan là rất cao”, bác sĩ Thái nói.

Viêm gan virus hiện nay được xác định lây qua 3 đường: đường máu, đường tình dục và đường tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết cơ thể. Lây từ mẹ sang con cũng có thể xảy ra.

Ung thư gan còn có nguyên nhân khác do lạm dụng rượu, bia, gây ra xơ gan, dẫn đến ung thư gan. Để phòng tránh ung thư gan, ngoài tiêm phòng viêm gan B, cần phải hạn chế uống rượu bia.

Người dân nên khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần ngay cả khi sức khỏe vẫn bình thường để phát hiện sớm những bất thường của gan, đặc biệt những người có nguy cơ cao như viêm gan virus B, C, nghiện rượu.

“Để phát hiện ung thư gan, bệnh nhân sau khi được khám lâm sàng, sẽ được chỉ định làm một số xét nghiệm quan trọng, trong đó có xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh (siêu âm, chụp cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ…) để đánh giá các tổn thương tại gan và ngoài gan.

Khi bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân có sự bất thường, họ sẽ được làm thêm các xét nghiệm chất chỉ điểm khối u (AFP, AFP- L3), trong trường hợp AFP, AFP-L3 không tăng cao sẽ phải làm xét nghiệm sinh thiết gan để có kết quả chẩn đoán mô bệnh học.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn