Thư giãn cuối tuần: Kịch bản hay đếm trên đầu ngón tay

Văn hóa - Giải tríThứ Ba, 31/08/2010 02:17:00 +07:00

(VTC News) – “Kịch bản có nhiều nhưng kịch bản hay thì hiếm, thậm chí chỉ có trên đầu ngón tay". Đạo diễn Đỗ Thanh Hải nói về khó khăn của Thư giãn cuối tuần.

(VTC News) - “Kịch bản thì có nhiều nhưng kịch bản hay thì hiếm, thậm chí chỉ có trên đầu ngón tay. Nhưng cứ thấy khó mà dừng lại không làm nữa thì sẽ chẳng có gì để nói”. Đạo diễn Đỗ Thanh Hải nói về một trong những khó khăn khi làm Thư giãn cuối tuần - được coi là phiên bản mới của Gặp nhau cuối tuần, vừa trở lại trên VTV3 bắt đầu từ 28/8 vừa qua.

- Trong một thời gian dài nhu cầu hài không được đáp ứng ngoài Gặp nhau cuối năm và các chương trình hài do các đơn vị phát hành băng đĩa nhạc sản xuất. Đó hẳn là nguyên nhân khiến cho các anh quyết định trở lại với Thư giãn cuối tuần. Liệu có áp lực gì không thưa anh?

- Trước đây Gặp nhau cuối tuần đã ra đời trong bối cảnh chúng ta có thêm ngày nghỉ thứ 7, nhu cầu giải trí nhiều hơn. Trong những lựa chọn giải trí thì hài không thực sự được chú trọng vì làm rất khó, khó hơn cả làm phim. Làm phim có một câu chuyện, kịch bản tuần tự chạy từng khâu một nhưng làm hài thì không phải thế. Làm hài liên tục biến đổi, lực lượng diễn viên hài thì cố định, không dễ phình ra như làm phim. Mặt khác, làm phim có thể hỗ trợ cho diễn viên lồng tiếng thêm, quay ngắt cảnh để cắt cảnh diễn viên làm không tốt. Nhưng làm hài thì diễn viên là yếu tố chính, chủ đạo không thể hỗ trợ được. Chính vì vậy, chúng tôi quyết định đi con đường khó, cho ra đời Gặp nhau cuối tuần và tồn tại được 7 năm.

Đạo diễn Đỗ Thanh Hải.

Với tất cả những khó khăn ấy, nhưng khi Gặp nhau cuối tuần dừng lại, nhiều người nói về sự việc một cách ác cảm, với những từ như "đóng cửa", "xóa sổ". Ít ai hiểu được rằng để có một chương trình hài kéo dài 7 năm như vậy là một nỗ lực rất lớn. Năm thứ tư là chúng tôi đã định dừng lại rồi nhưng mọi người mong muốn tiếp tục nên kéo dài thêm 3 năm nữa.

Nói lại để thấy thực sự là chúng tôi rất mong muốn làm hài, tuy nhiên để khẳng định là có thể làm 3 năm, 5 năm hay 7 năm thì là điều rất khó. Với đội ngũ đạo diễn, diễn viên và biên kịch như hiện tại, tần suất xuất hiện của các chương trình hài như vậy là quá nhiều so với nội lực chúng ta có.

Chúng tôi nhìn thấy những khó khăn, quyết tâm làm vì thấy những chương trình kiểu này trên truyền hình ít quá, như vậy thiệt thòi cho đời sống giải trí. Tuy nhiên, không phải cái gì trong đời sống cũng bê lên hài được. Phàm đã là bông phèng hài hước, người ta có thể túm tụm để tám với nhau mà không sợ bị ai đánh giá hay gì cả. Nhưng cùng một câu chuyện, có thể người này đồng cảm nhưng người kia thì không. Hơn nữa, lên sóng truyền hình thì không phải điều gì chúng ta cũng có thể nói được. Hài giống như một đường ray, một bên là những chuyện nhạy cảm không thể động đến, một bên là những câu chuyện bông phèng, nhảm nhí. Như vậy, giới hạn của sự khai thác rất nhỏ. Thế mà phải kéo dài thì đó là một áp lực.

 Hình ảnh trong Thư giãn cuối tuần.

- Vậy giữa những khó khăn ấy, các anh bấu víu vào niềm tin, sức mạnh nào để làm tiếp?

- Cái lớn nhất, khích lệ chúng tôi là nhu cầu của khán giả. Trong cuộc sống, giữa những áp lực, chúng ta cười với nhau được một chút rồi lại lao vào guồng quay của những áp lực sẽ thấy cuộc sống nhẹ nhõm, tươi vui hơn. Nhu cầu giải trí bằng tiếng cười là rất lớn và rất thỏa đáng. Tuy nhiên, nếu chúng ta càng mong muốn mà càng soi chương trình thì sẽ thực sự khó cho những người làm. Như vậy, để tồn tại phải có sự cộng hưởng của khán giả và truyền thông. Để có một chương trình lên sóng là khó, nhưng để ngồi phân tích điểm được và không được thì dễ dàng hơn nhiều.

- Khi thông tin về Thư giãn cuối tuần được truyền đi, người ta gọi chương trình này là phiên bản của Gặp nhau cuối tuần. Bản thân anh là người tổ chức sản xuất chương trình, có thể nói về sự giống và khác nhau của hai chương trình?

- Nói là phiên bản mới hay sự tái xuất của Gặp nhau cuối tuần cũng một phần đúng vì cả hai chương trình đều là hài. Chỉ là cái tên khác nhau thôi, còn nội dung chính giống nhau và mục đích là đem đến tiếng cười cho khán giả. Với tiêu chí là hài thì với kinh nghiệm 7 năm chúng tôi làm Gặp nhau cuối tuần, chúng tôi biết mình có thế mạnh gì.

Với Thư giãn cuối tuần, điểm mới về mặt nội dung là ngoài những tiểu phẩm hài với sự tham gia của các nghệ sỹ Nam Bắc thì còn có hai tiết mục là Bơm VáHỏi Xoáy – Đáp Xoay. Tiếng cười này, chúng tôi hướng đến đối tượng cụ thể. Ví dụ, câu chuyện của Anh Bơm – Anh Phô (Do Tự Long và Công Lý đóng và có cả diễn viên mới) sẽ bao gồm muôn vàn câu chuyện của gia đình, của đời sống hàng ngày mà người ta nói chuyện đâu đó. Chúng tôi đưa đến trong một góc phố và và trong câu chuyện ấy, khán giả thấy bóng dáng của mình, của đời sống xung quanh như chuyện lo cho con cái đi học, mất nước, xin việc, vợ chồng ứng xử… Họ đại diện cho người lao động, đem đến cho khán giả một cách giải đáp, một góc nhìn riêng biệt qua lăng kính hài hước.

Còn câu chuyện của anh Xoáy và anh Xoay (Xuân Bắc và một diễn viên mới) là những câu hỏi được đặt ra có thể khiến chúng ta giật mình tại sao lại có câu hỏi như vậy, nào là chuyện nữ sinh đánh nhau, chuyện cúp điện giữa mùa hè. Những câu hỏi không biết hỏi ai và trả lời như thế nào. Chương trình sẽ trả lời với góc nhìn hài hước riêng biệt. Để qua đó khán giả có thể xả được bức xúc và để những người làm việc ấy suy nghĩ về những việc mình làm như thế nào để sửa đổi cho tốt hơn.

 

- Gặp nhau cuối tuần đã tạo ra được một lớp diễn viên hài rất được công chúng yêu mến sau này. Với lần trở lại này, anh có kỳ vọng sẽ tạo thêm ra một thế hệ hài nữa?


- Kỳ vọng là đương nhiên. Nhưng kỳ vọng đến thực tế lại là một câu chuyện khác. Các diễn viên phải thể hiện được khả năng như thế nào. Tôi còn nhớ khi Gặp nhau cuối tuần ra đời, diễn viên hài mới chỉ có Chí Trung, Minh Vượng, Phạm Bằng, Xuân Hinh, Hồng Vân, Bảo Quốc đã khẳng định được tên tuổi. Những gương mặt khác mới xuất hiện như Xuân Bắc, Đức Hiệp, Vân Dung, Tự Long, Anh Vũ, Đức Thịnh, Thái Hòa ban đầu cũng chưa được chú ý. Nhưng qua những lần tham gia với chương trình, họ đã được yêu mến, thể hiện được những thế mạnh của mình. Tuy nhiên, tôi cho rằng, làm hài cũng cần có một cái duyên của mỗi diễn viên nữa. Nếu không có cái duyên ấy, cũng khó thành công. Duyên trời cho, đứng lên sân khấu là tỏa sáng.

- Khi thông báo sẽ làm chương trình này, các nghệ sỹ có hào hứng không dù trước đó, có thể họ cũng sợ sự cũ kỹ của mình?

- Họ vô cùng hào hứng. Với tôi, những diễn viên hài thực sự là những người có tài. Bởi vì ngoài việc diễn xuất, họ cần có những am hiểu về xã hội và đời sống. Nếu không thực sự hiểu, họ sẽ không diễn ra chất và cũng không biết nhấn nhá vào đâu. Thêm vào đó, đài từ của các diễn viên hài là rất đặc biệt. Khi không còn Gặp nhau cuối tuần, những diễn viên hài mất một mảnh đất có thể gieo hạt. Một trong những vấn đề mà các diễn viên hài trăn trở là trở lại như thế nào để không nhàm chán, phải mới mẻ và thu hút được sự quan tâm và yêu mến của công chúng. Vì vậy tôi tin là họ sẽ cố gắng để nhân vật mà họ diễn xuất sẽ thu hút sự quan tâm của khán giả.

- Kịch bản hài càng ngày càng hiếm, các anh tính xa việc lấy kịch bản ở đâu để chương trình tồn tại được dài hơi?

- Kịch bản thì có nhiều nhưng kịch bản hay thì hiếm, thậm chí chỉ có trên đầu ngón tay. Nhưng cứ thấy khó mà dừng lại không làm nữa thì sẽ chẳng có gì để nói. Khi đã làm thì phải nghĩ cách để vượt qua những điều ấy. Chúng tôi luôn nỗ lực từng ngày.
 
- Có lúc nào anh sợ khán giả thấy chương trình không còn mới mẻ và nhàm chán như thời gian cuối của Gặp nhau cuối tuần?

- Đó là một thực tế, khi làm một chương trình truyền hình thì băn khoăn không phải là một số mà là thời gian dài, làm chuyên mục phải tính sự dài hơi mà vẫn giữ được màu sắc.

- Cát-xê của các diễn viên hài trên thực tế khi tham gia các show diễn ngoài sẽ rất lớn. Thế còn tham gia cùng các anh thì sao?

- Tất nhiên là không thể so sánh rồi. Những diễn viên hài tham gia các chương trình truyền hình có cát-xê phù hợp với công sức, khả năng và kinh nghiệm họ bỏ ra dù không không phải quá nhiều và theo quy định được duyệt. Tuy nhiên, tôi tin rằng những diễn viên biết rằng họ có một sân chơi để làm nghề. Trên thực tế, không phải cứ có tiền là bất kỳ show diễn nào các diễn viên hài cũng đồng ý xuất hiện. Tôi cũng hi vọng chương trình khẳng định thêm thương hiệu của các nghệ sỹ và sự yêu mến của công chúng dành cho họ

- Những số đầu tiên của Thư giãn cuối tuần là những tên tuổi các diễn viên hài có tiếng, phải chăng đó là cách gây chú ý?

- Một phần là như vậy. Chương trình mới cần có những nhân tố để chú ý. Nhưng sự chú ý sẽ nhanh chóng qua đi. Vì vậy, bên cạnh các nhân tố cũ, chúng tôi có những nhân tố mới. Họ le lói những tài năng. Họ là những diễn viên xuất hiện ở đâu đó và chúng tôi thấy hợp với chương trình nên mời cộng tác. Hi vọng họ sẽ tạo nên điều gì đó cho sự nghiệp của họ và cho chương trình.

- Xin cảm ơn anh!

Gia Vũ
(Thực hiện)
Bình luận
vtcnews.vn