Thủ đoạn trốn thuế của các ông lớn 'ngoại' ở Việt Nam

Kinh tếThứ Sáu, 05/04/2013 10:19:00 +07:00

Các thương hiệu nổi tiếng đã dùng nhiều mánh khóe để trốn thuế nhưng dù thủ đoạn có tinh vi đến đâu cũng không thoát khỏi lưới pháp luật.

Các thương hiệu nổi tiếng đã dùng nhiều mánh khóe để trốn thuế nhưng dù thủ đoạn có tinh vi đến đâu cũng không thoát khỏi lưới pháp luật.

Dồn dập các vụ gian lận

Cơ quan pháp luật liên tiếp phát hiện các vụ gian lận thuế của các thương hiệu nổi tiếng thế giới. Gần đây nhất, vụ việc lô hàng lậu Gucci, Milano trị giá gần 100 tỷ đồng bị phát hiện, gây xôn xao dư luận. Cơ quan chức năng đã giật mình trước thủ đoạn hết sức tinh vi của thương hiệu này.

Cụ thể, sau mỗi ngày kinh doanh, toàn bộ các hoạt động thương mại trên máy chủ ở TP.HCM và Hà Nội đều được chủ cửa hàng xóa sạch, không để sót lại bất cứ dấu vết nào. Bộ hóa đơn đầu vào là thật nhưng được quay vòng...

Trong 2 ngày 7/12/2012 và 9/12/2012, Công an Hà Nội đã kiểm tra cơ sở kinh doanh quần áo, giày dép, đồ da nhãn hiệu Guici, Milano tại số 63 Lý Thái Tổ (Hoàn Kiếm). Qua kiểm tra đã phát hiện và tạm giữ 1.447 đôi giày, dép các loại; 5 chai nước hoa, 5.545 sản phẩm quần, áo, váy, dây lưng..., 312 chiếc kính; 320 chiếc túi xách, ví... Cùng thời điểm đó, Công an TP.HCM cũng ập vào cửa hàng Guici để kiểm tra, báo Dân trí đưa tin.

 
Bà Nguyễn Thị Như Mai, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, sau 10 ngày đấu tranh quyết liệt, các đối tượng kinh doanh mới thừa nhận hành vi "quay vòng" hóa đơn. Theo đó, hàng bị phát hiện là hàng thật 100%, tuy nhiên, toàn bộ hóa đơn giấy tờ đều thuộc lô hàng khác.

Theo giá niêm yết, toàn bộ lô hàng trên có giá khoảng hơn 99 tỷ đồng. Nhưng đó không phải là giá bán cho người tiêu dùng mà còn giảm giá khuyến mại, chi phí thuê nhà, vốn... Khi cơ quan thẩm định để đưa hàng ra bán đấu giá, số hàng trên chỉ còn khoảng 29,6 tỷ đồng, nhưng hiện vẫn chưa có ai mua.

Không chỉ hàng hiệu Guicci, Milano trốn thuế, Công ty Coca - Cola Việt Nam cũng nằm trong diện nghi vấn với chiêu bài "chuyển giá" hòng trốn khoản thuế khổng lồ của công ty này trong nhiều năm qua.

Theo Petrotimes ngày 10/12/2012, là doanh nghiệp kinh doanh đồ uống có thị phần lớn nhất nhì Việt Nam, tuy nhiên trong nhiều năm liên tiếp Công ty Coca - Cola Việt Nam đều khai lỗ.

Theo đó, năm 2006 công ty này đạt doanh thu 1.026 tỉ đồng nhưng lỗ đến 253 tỉ đồng; năm 2007 lỗ 198 tỷ đồng; năm 2010 doanh thu lên đến 2.529 tỉ đồng nhưng chi phí lại lên đến 2.717 tỉ đồng, dẫn đến số lỗ 188 tỉ đồng và năm 2011 mức lỗ là 39 tỷ đồng. Theo số lũy kế đến năm 2011 công ty này đã lỗ tổng cộng 3.768 tỉ đồng, vượt cả số vốn đầu tư ban đầu là 2.950 tỉ đồng. Như vậy trung bình mỗi năm công ty này lỗ 100 tỷ đồng.

Sự việc này được các cơ quan chức năng mà trực tiếp là Cục Thuế TP.HCM đặc biệt chú ý đưa doanh nghiệp này vào danh sách công ty có nghi vấn về dấu hiệu "chuyển giá". Tuy nhiên dưới hình thức tạo “vỏ bọc” qua việc mua nguyên liệu sản xuất từ công ty mẹ, doanh nghiệp này luôn khai báo với cơ quan thuế giá thành nguyên liệu cao nhằm đẩy giá chi phí sản xuất tăng hòng đưa tình trạng kinh doanh luôn ở mức lỗ.

Điều đáng chú ý, mặc dù báo cáo tài chính của Coca - Cola trong nhiều năm thuộc diện lỗ nhưng công ty này vẫn liên tục mở rộng sản xuất.

Ông Lê Duy Minh, Trưởng phòng kiểm tra thuế số 1 Cục Thuế TP.HCM cho biết: Nhiều lần Cục Thuế TP.HCM cũng đã làm việc về vấn đề này, tuy nhiên đại diện doanh nghiệp vẫn trả lời một cách “lấp liếm” bằng việc doanh thu không thể bù lại mức trả chi phí mua nguyên liệu.

Không chỉ “đại gia” Coca - Cola Việt Nam báo lỗ không đóng thuế, “đại gia” Công ty TNHH Metro Cash & Carry Việt Nam (người dân gọi là siêu thị Metro), sau 11 năm mở rộng đến 19 trung tâm bán sỉ trên cả nước nhưng do lỗ, đến nay cũng không nộp một đồng thuế thu nhập doanh nghiệp nào, theo Tuổi trẻ ngày 11/12/2012.

 
Thống kê của Cục Thuế TP.HCM cho thấy, dù doanh thu tăng liên tục qua các năm nhưng kết quả kinh doanh của công ty này lỗ triền miên.

Cụ thể, năm 2007 doanh thu đạt hơn 6.607 tỉ đồng, nhưng số lỗ là 157 tỉ đồng. Năm 2008 doanh thu vọt lên 8.175 tỉ đồng, số lỗ lên đến hơn 190 tỉ đồng. Năm 2009 doanh thu đạt 8.728 tỉ đồng, số lỗ cũng rất ấn tượng: 160 tỉ đồng. Từ khi thành lập (2001) đến nay, chỉ duy nhất năm 2010 công ty này khai có lãi 116 tỉ đồng, nhưng do được chuyển lỗ của những năm trước đó nên đến nay doanh nghiệp này cũng chưa đóng một đồng thuế thu nhập doanh nghiệp nào. Đến năm 2011 Metro lại khai lỗ 89 tỉ đồng.

 

Chuyển giá để trốn thuế là vi phạm về mặt đạo đức, trách nhiệm với xã hội.

Đặng Lê Nguyên Vũ Tổng giám đốc Cà phê Trung Nguyên
 
Do nhiều năm thua lỗ, đến nay, Metro Cash & Carry VN đã lỗ lũy kế 598 tỉ đồng, sau khi chuyển lỗ qua các năm thì đến năm 2012 số lỗ còn 254 tỉ đồng trên tổng vốn đầu tư ban đầu là 78 triệu USD.

Khi được cơ quan thuế mời lên làm việc, doanh nghiệp này trình bày rằng chi phí để đầu tư một trung tâm bán sỉ rất lớn, tương đương 300-400 tỉ đồng, nên phải mất trung bình 3 năm kinh doanh mới có lãi. Nhưng khi chi nhánh thành lập trước có lãi phải choàng gánh cho trung tâm thành lập sau. Hơn nữa do tiến độ đầu tư gấp rút, các trung tâm mở trước choàng gánh không nổi cho trung tâm sau dẫn đến tình trạng thua lỗ kéo dài.

Sẽ truy thu tiền thuế "hàng hiệu gian lận"

Trong vụ việc hàng lậu Gucci, Milano, Chi cục Quản lý thị trường đã ra quyết định xử phạt hơn 42 triệu đồng và tịch thu 2.438 sản phẩm nhãn hiệu Gucci, 5.333 sản phẩm nhãn hiệu Milano và các nhãn hiệu khác.

Khi nghi vấn trốn thuế của Coca - Cola được tiết lộ, trên nhiều trang mạng xã hội đã xuất hiện rất nhiều lời kêu gọi tẩy chay Coca - Cola nếu công ty này vẫn chưa minh bạch nghi án chuyển giá, né thuế. Tính ra, với thị phần đồ uống tiêu thụ lớn như hiện nay và với hơn 10 năm có mặt tại Việt Nam, số thuế mà Coca - Cola "tránh" được trong nhiều năm qua sẽ lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Ông Bùi Văn Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết trên Tuổi trẻ ngày 11/12/2012, đã chỉ đạo Cục Thuế Hà Nội và Cục Thuế TP.HCM kiểm tra các đơn vị kinh doanh hàng có thương hiệu.

Theo quy định, đơn vị kinh doanh sẽ phải nộp thuế. Nếu hàng hóa không có nguồn gốc đầu vào, bán hàng hiệu mà không có hóa đơn chứng từ, mã số thuế, đơn vị kinh doanh thì sẽ bị xử lý. Cơ quan thuế sẽ làm việc với ngân hàng để kiểm tra tài khoản nếu thanh toán qua ngân hàng. Chắc chắn sẽ truy thu được tiền thuế đã gian lận khi khách hàng thanh toán qua thẻ.

Trả lời về nghi án chuyển giá để trốn thuế của một số công ty đa quốc gia trên VTV, ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Tổng giám đốc Cà phê Trung Nguyên cho rằng, chuyển giá để trốn thuế là vi phạm về mặt đạo đức, trách nhiệm với xã hội. Họ đến đầu tư tại một xứ sở nào đó mà họ không có trách nhiệm với xã hội nước đó thì phải lên án, cộng đồng cẩn phải có ý kiến và phản ứng của mình thông qua vấn đề tiêu dùng.

Mong rằng, thời gian sắp tới, những nghi án này sẽ được phanh phui, các doanh nghiệp "né" thuế phải nộp về ngân sách Nhà nước.

Theo Kienthuc

Bình luận
vtcnews.vn