Thống đốc lo nợ xấu sẽ tăng vì COVID-19

Tài chínhThứ Sáu, 10/04/2020 15:43:02 +07:00

Ngân hàng Nhà nước đưa ra hai kịch bản kiểm soát COVID-19 và ở trường hợp nào tỷ lệ nợ xấu cũng tăng so với năm 2019.

Tại cuộc họp trực tuyến Thủ tướng với các địa phương ngày 10/4, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng lo ngại nợ xấu sẽ tăng do những tác động của COVID-19.     

Theo tính toán của Ngân hàng Nhà nước, trường hợp dịch bệnh được kiểm soát trong quý I, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, đã bán cho VAMC và nợ đã phân loại sẽ ở mức 1,9-3,2% vào cuối quý II và 2,6-3% vào cuối 2020.

Trường hợp dịch được kiểm soát trong quý II, tỷ lệ này sẽ tăng lên 4% và 3,7% tương ứng cuối quý II và cuối năm nay. "Thậm chí, nợ xấu có thể cao hơn, ảnh hưởng đến tiến độ cơ cấu, xử lý của các ngân hàng và khả năng phục hồi các nhà băng yếu kém", báo cáo Ngân hàng Nhà nước nêu. 

Đánh giá sơ bộ của cơ quan này cho thấy khoảng 2 triệu tỷ đồng (23% dư nợ tín dụng) tiềm ẩn rủi ro. Trong đó, một số ngành chịu ảnh hưởng lớn như công nghiệp chế biến, chế tạo 520.000 tỷ đồng (6,3% dư nợ nền kinh tế); nông, lâm, thuỷ sản khoảng 157.000 tỷ đồng; khai khoáng 45.000 tỷ...

Về tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước đã chuẩn bị nhiều kịch bản ứng phó với diễn biến trong nước, quốc tế. Ba tháng qua, tỷ giá biến động 1,2-1,5% và được Thống đốc Lê Minh Hưng nhận xét là ổn định so với biến động mạnh của khu vực, thế giới. Cơ quan quản lý tiền tệ đã phối hợp các công cụ khác nhau như điều tiết thanh khoản, giảm lãi suất VND... để ổn định tỷ giá.

Ông Hưng cho hay, hiện dự trữ ngoại hối đạt khoảng 84 tỷ USD, tăng 4 tỷ USD so với cuối năm 2019. Vì thế, trường hợp cần thiết cơ quan này sẵn sàng bán ngoại tệ để can thiệp, bình ổn thị trường, ổn định vĩ mô. 

Dự trữ ngoại hối tăng, tỷ giá ổn định nhưng các chỉ số tăng trưởng tín dụng 3 tháng đầu năm thấp hơn cùng kỳ các năm trước. Đến 31/3, dư nợ tín dụng đạt hơn 8,3 triệu tỷ đồng, tăng 1,3% so với cuối năm 2019. Ở thời điểm cuối tháng 2, tín dụng với ngành nông, lâm và thuỷ sản giảm 0,09%; thương mại, dịch vụ giảm 0,15%. 

Các ngân hàng đưa ra nhiều chính sách giảm lãi suất vay 2-2,5% nhưng nhu cầu vay vốn mở rộng sản xuất, kinh doanh thấp. Điều này cũng phù hợp thực tế khi các doanh nghiệp, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng nặng vì COVID-19 thời gian qua. Dù vậy, Ngân hàng Nhà nước dự báo cả năm tín dụng sẽ tăng khoảng 11-14%. "Chúng tôi sẽ điều hành hệ thống ngân hàng cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế trong bất kỳ tình huống nào", ông Hưng nói.      

Thống đốc cho biết, cơ quan này sẽ tiếp tục làm việc với lãnh đạo các nhà băng yêu cầu triển khai nhiều chương trình cho vay lãi suất ưu đãi, cũng như cắt giảm lương thưởng, không chia cổ tức tiền mặt... để hạ lãi suất cho vay, chia sẻ khó khăn của doanh nghiệp. 

(Nguồn: VnExpress )
Bình luận
vtcnews.vn