Thông điệp từ Diễn đàn Cấp cao về Công nghệ Thông tin và Truyền thông 2018

Khoa học - Công nghệThứ Hai, 23/07/2018 07:10:00 +07:00

Thông điệp được rút ra từ diễn đàn ICT Summit 2018 góp phần tạo sự đồng thuận, cùng chung tay hành động thực hiện nhiệm vụ xây dựng chính phủ điện tử hướng tới nền kinh tế số và xã hội số vì Việt Nam phát triển dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng văn minh, tiến cùng thời đại số.

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) đang mở ra một thời đại mới trong tiến trình phát triển của nhân loại - thời đại số, những thành tựu khoa học công nghệ  có tác động mạnh mẽ lên mọi hoạt động của chính phủ và toàn xã hội. Chính phủ số cùng với nền kinh tế và xã hội số đang trở thành xu thế phát triển tất yếu của nhiều chính phủ và quốc gia trên thế giới.

Do đó, ICT Summit 2018 diễn ra tập trung thảo luận 3 nội dung chính gồm: Xây dựng chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số; Kinh tế số; và Hạ tầng số.

111

GS. Hồ Tú Bảo, Viện Nghiên cứu Cấp cao về Toán (VIASM) và Viện John von Neuman (JVN), Đại học Quốc gia TP.HCM thay mặt Ban Tổ chức phát đi thông điệp (Ảnh: Huy Hoàng) 

Thông qua các phiên thảo luận, Diễn đàn đã tiếp thu phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các ý kiến tham luận của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp, chuyên gia và các đại biểu trong và ngoài nước. Diễn đàn thống nhất đưa ra thông điệp nhằm thực hiện thành công mục tiêu xây dựng chính phủ điện tử hướng tới nền kinh tế số và xã hội số trong giai đoạn 2018-2020, định hướng đến 2025, như sau:

Thứ nhất, đặt quyết tâm cao nhất của cả hệ thống chính trị cùng cam kết mạnh mẽ của người đứng đầu các cấp, các ngành. Đồng thời thay đổi từ nhận thức đến hành vi của các cấp, các ngành và toàn xã hội về chính phủ điện tử, kinh tế số và hạ tầng số.

Thứ hai, đồng thuận và nỗ lực chung tay hành động quyết liệt, kịp thời và kiên trì của tất cả các chủ thể, từ chính quyền đến người dân, doanh nghiệp.

Thứ ba, ưu tiên triển khai các nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2018-2020, hướng đến năm 2025, bao gồm:

Một, xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý thuận lợi cho xây dựng chính phủ điện tử hướng tới nền kinh tế số và xã hội số, trước hết là các qui định pháp luật về đầu tư ứng dụng CNTT; tạo dựng, khai thác, sử dụng và bảo vệ dữ liệu, dữ liệu mở; kết nối và chia sẻ dữ liệu; xác thực điện tử và bảo vệ thông tin cá nhân...

Hai, xây dựng và phát triển hạ tầng số, đặc biệt là hạ tầng dữ liệu, đi đôi với tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thông tin; sớm hoàn thành các cơ sở dữ liệu quốc gia, đặc biệt ưu tiên cơ sở dữ liệu về dân cư, doanh nghiệp, bảo hiểm, đất đai... và hình thành nhanh chóng các cơ sở dữ liệu phục vụ quản trị công và giúp cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ cao cho người dân, doanh nghiệp; cập nhật Khung kiến trúc Chính phủ điện tử theo xu hướng CMCN 4.0; ban hành chuẩn dữ liệu, thông tin số để đảm bảo tính đồng bộ, kết nối liên thông và phân tầng chia sẻ dữ liệu; xây dựng, hoàn thiện Cổng Dịch vụ công quốc gia kết nối với hệ thống thông tin một cửa điện tử tại các bộ, địa phương; thiết lập hệ thống thông tin Chính phủ phi giấy tờ; có lộ trình phát triển mạng di động không dây 5G.

Ba, đào tạo, tái đào tạo, phát triển nguồn nhân lực số cho CMCN 4.0 cả ở diện rộng cũng như có kỹ năng và chất lượng cao, kết hợp với đổi mới hệ thống động lực đối với người lao động.

Bốn, dành đủ nguồn lực cho xây dựng Chính phủ điện tử trên cơ sở xác định các mục tiêu trọng tâm ưu tiên đầu tư; chú trọng xã hội hóa, phát huy mạnh mẽ sự đóng góp của khu vực tư nhân trong tiến trình này.

Năm, đảm bảo sự tham gia tích cực, chủ động của mọi chủ thể trong xây dựng chính phủ điện tử và phát triển kinh tế số, chú trọng phát huy vai trò chủ thể chính của người dân, doanh nghiệp, coi đây là nhân tố trung tâm và đảm bảo vai trò kiến tạo của Chính phủ là yếu tố then chốt.

Sáu, tạo lập cơ chế đảm bảo thực thi và hệ thống chỉ số đánh giá chất lượng, hiệu quả thực thi; vận dụng sáng tạo bài học kinh nghiệm về mô hình Cơ quan đảm bảo hiệu quả thực thi Chương trình chuyển đổi quốc gia của Malaysia (gọi tắt là PEMANDU) vào thực tiễn tại Việt Nam.

Việc thiết lập Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử do Thủ tướng Chính phủ là Chủ tịch, trực tiếp chỉ đạo và có sự tham gia của đại diện khu vực tư nhân để phát huy hiệu quả hợp tác công - tư trong việc xác định và thực thi nhiệm vụ là hoạt động có ý nghĩa thiết thực, thể hiện quyết tâm hành động mạnh mẽ của Chính phủ trong công cuộc xây dựng chính phủ số, kinh tế giữa bối cảnh bùng nổ Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Cộng đồng doanh nghiệp CNTT Việt Nam có đủ năng lực và luôn sẵn sàng tiên phong, đồng hành cùng Chính phủ, các bộ, ngành địa phương trong việc xây dựng Chính phủ điện tử và phát triển kinh tế - xã hội số. VINASA sẽ phối hợp cùng các tổ chức xã hội tiến hành đánh giá, giám sát độc lập và báo cáo định kỳ với Thủ tướng Chính phủ về việc thực thi các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử, thúc đẩy kinh tế - xã hội số và tiếp cận CMCN 4.0 được đề ra trong các nghị quyết, quyết định, chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Diễn đàn Cấp cao CNTT-TT Việt Nam rất mong được Chính phủ, Thủ tướng  các bộ ngành, cơ quan Trung ương, các địa phương, các doanh nghiệp, các tổ chức và cộng đồng xã hội tiếp tục quan tâm, ủng hộ và đồng hành, chung tay hành động vì tương lai phát triển đất nước trong thời đại số.

Phan Minh
Bình luận
vtcnews.vn