Thông điệp tình yêu từ Liang Biang

Tổng hợpThứ Ba, 10/12/2013 02:57:00 +07:00

Đồi Thông Hai Mộ nằm bên hồ Than Thở thì ghi dấu một tình yêu thời cận đại đượm phần bi thảm. Phiêu lưu chốn tang bồng...

Đà Lạt một lần qua ngắm muôn hoa ngàn sắc. Đến thêm lần nữa xa xa thành phố nghe chuyện tình yêu. Dường như mỗi điểm du lịch ở Đà Lạt đều gắn với một truyền thuyết tình yêu. Một đề tài bất tận ở nơi nào có con người. 
      Đồi Thông Hai Mộ nằm bên hồ Than Thở thì ghi dấu một tình yêu thời cận đại đượm phần bi thảm. Phiêu lưu chốn tang bồng nơi ngọn núi Lang Biang cũng gắn một tình yêu bi ai không kém, ở thời xa rất xa, bất chấp mâu thuẫn truyền kiếp giữa hai bộ tộc.

 

      Vẫn là Thanh Thảo đi cùng lần trước. Tôi thích cô vì cô xinh đẹp hoạt ngôn  thông tuệ. Thảo khoe. Khóa luận năm thứ nhất Đại học của cô là “Ghế đá đại cương”. Năm thứ hai lấy chồng năm thứ ba sinh bé ra trường hai năm có bé bốn tuổi. Cô tự thú gái Đà Lạt “sung sớm máu sớm” thuộc gái thời hiện đại.
      Đứng bên Hai Mộ Đồi Thông cô đưa ra triết luận: Chàng công tử Trường Võ bị Đà Lạt họ Vũ tên Tâm chỉ vì gia đình phản đối chàng lấy cô giáo Hảo, con nhà nghèo, mà không làm được điều gì cao đẹp hơn là quyên sinh, thì thật đáng thương. Còn ở Lang Biang thì tình yêu ấy cao quý hơn bội phần. 
      Đã ở dưới chân Lang Biang. Thanh Thảo kể. Ấy là chuyện tình yêu của chàng K’Lang người Lát, và người con gái tên H’Biang người Chil. Nhà K’Lang và H’Biang đều ở dưới chân núi nơi chúng ta đang đứng, tình cờ gặp nhau trong một lần cũng tình cờ lên rừng hái quả. H’Biang gặp nạn và chàng K’Lang đã dũng cảm cứu nàng thoát khỏi đàn sói rừng hung dữ. Một lần gặp gỡ bất chợt nhưng đủ để hai con tim cảm mến rồi đem lòng yêu. Nói theo ngôn ngữ tuổi teen bây giờ là “say nắng”. Nhưng lời nguyền thù hận không kết giao “huyết dục” giữa hai tộc người Lát và Chil, mà H’Biang không thể lấy K’Lang làm chồng. Lời nguyền thì nặng như tảng đá chặn đường, sắc như dao chém nước, chắc như đinh đóng cột, nhưng hai con tim yêu vẫn một lòng đến với nhau. Họ thắt vào cổ tay nhau một sợi chỉ hồng với lời nguyền để nên chồng vợ mãi mãi, rồi bỏ lên đỉnh núi Lang Biang cao cao khuất nẻo để được sống bên nhau. Nhưng Ông Trời luôn gây ra trắc trở để thử thách và kiểm định lòng con người thành tâm hay giả dối. H’Biang ngã bệnh. Nặng tới mức K’Lang vào rừng tìm đủ các loại lá cây thuốc một lòng cầu mong chữa trị được cho H’Biang nhưng bệnh nàng không một chút thuyên giảm. Chàng đành quay về báo cho buôn làng tộc người Chil giúp chàng tìm cách cứu nàng. Họ xua đuổi K’Lang như xua đuổi tà, và dùng cung tên bắn chàng. Nhưng chính nàng H’Biang đã bị sát hại do nàng đã gượng dậy băng ra ngoài đưa thân ra đỡ mũi tên có tẩm độc của buôn làng tộc người Chil nhắm bắn vào K’Lang. Đau buồn khôn siết K’Lang đã khóc lóc thảm thiết ngày này qua ngày khác bên thi hài nàng H’Biang, đến nỗi nước mắt chàng dồn chảy thành con suối lớn ngày nay gọi là suối Đankia. Và K’Lang héo mòn mà chết  khi nước mắt chàng đã kiệt.

 

      Chuyện hôn nhân hồi ấy người Lát người Chil dạy con cái mình thế này:
Mài rìu, mài xà gạc thì tìm đá cứng
Đặt bẫy bắt chim nên tìm lối mòn
Lấy vợ lấy chồng con cô con cậu
      Nhưng thiên tình sử ấy lại dẫn tới một cái kết có hậu. Sau cái chết đầy bi thảm từ tình yêu son sắt của con gái mình, cha H’Biang rất hối hận. Sự hối hận thường làm cho con người hướng thiện. Ý Ông Trời cũng là thế muốn mong con người phải như thế. Nên Ông Trời mới là đấng chí kính chí tôn. Cha nàng H’Biang đã bước qua lời nguyền đứng ra thống nhất hai bộ tộc Lát và Chil thành một dân tộc có tên là K’Ho. Từ đó các đôi nam nữ trong buôn làng K’Ho có thể dễ dàng đến với nhau. Vậy là “Đặt bẫy bắt chim không nhất nhất lối mòn / Lấy vợ lấy chồng không chỉ con cô con cậu”. Ngọn núi cao vốn làng La Ngư Thượng, nơi chàng K’Lang và nàng H’Biang có chuỗi ngày bên nhau hạnh phúc, được đặt lại tên là Lang Biang, ghép tên đôi trai gái, để tưởng nhớ hai người cùng tình yêu của họ. 
      “Đẹp hơn mối tình của Tâm và Thảo! Anh thấy không?”- Thanh Thảo hỏi.
      Thấy rồi. Thấy cái lý lẽ tình yêu của Thanh Thảo rồi. Nhờ K’Lang và H’Biang mới có dân tộc K’Ho. Có dân tộc K’Ho mới hình thành vùng văn hóa bản địa cộng cư đặc trưng Tây Nguyên.
      Đến Lang Biang người ta có thể đi bộ theo đường mòn hoặc đường xe cơ giới, con đường quanh co uốn lượn giữa bạt ngàn thông reo. Cảm giác đầu tiên khi đặt chân lên đỉnh núi thật dễ chịu, một không gian rộng lớn giữa khoảng trời mênh mông và cái se lạnh đặc trưng của thành phố Đà Lạt. Ở nơi này mây - núi như quyện hòa vào nhau. Đứng trên đỉnh cao, dòng suối Đankia với những mạch suối nhỏ chi lưu uốn lượn dưới chân mà từ xưa nó được gọi là dòng suối Vàng, suối Bạc của người Lạch. Phóng tầm mắt ra xa Đà Lạt hiện ra với những ngôi nhà thấp nhỏ lốm đốm như hoa bi xen giữa màu núi và thảm cây. Rồi những mảnh vườn bậc thang được chăm chút kỹ càng tô điểm cho vẻ đẹp thêm rạng ngời. Nếu gom tất cả lại thành một bức tranh ắt hẳn sẽ mang lại một vẻ đẹp sơn thủy hữu tình đặc sắc.

 

      Lang Biang được xem như một khu du lịch đặc thù với loại hình du lịch dã ngoại khám phá thiên nhiên hiểu nét văn hóa của các tộc người cộng cư nơi đây. Cả vùng đồi của Lang Biang được bao phủ bằng lớp cỏ dày cao và xanh mướt. Vào mùa mưa thung lũng là nơi sinh sống của nhiều loại động thực vật. Lưng chừng núi có một thung lũng khá lớn, nơi tổ chức thành công lễ hội 100 năm Đà Lạt hình thành và phát triển, từ đó nó còn được gọi là thung lũng trăm năm.
      Ở những khoảnh đất bằng người ta dựng lên những căn nhà sàn cột gỗ để khách “Home Stay” qua đêm thấp thoáng cô gái chờ ai, bắc những chiếc cầu tre đủ chắc qua hồ sang hòn đảo nhỏ, những chiếc guồng nước hình bánh xe múc bằng ống bương đặt bên các dòng suối chầm chậm quay, những nhóm tượng gỗ đẽo vạc thô bằng rìu đặc trưng điêu khắc Tây Nguyên đặt rải khắp vùng. Tất nhiên không thể thiếu những quán ăn có rượu và thực phẩm sản vật địa phương và quán giải khát, kèm những loại mứt quả và các chế phẩm a-ti-sô nổi tiếng có lợi cho sức khỏe mà ai đến cũng mua vài cân dùng và làm quà.
      Được thiết kế như một khu du lịch sinh thái giải trí, du khách có thể thưởng thức chương trình giao lưu đốt lửa trại, uống rượu cần với đồng bào dân tộc K’Ho, nghe họ kể những câu chuyện kỳ thú và sinh hoạt văn hóa của dân tộc mình. Muốn khám phá thác Đankia, đi bộ thì quá mệt, hai cây số, người ta đã thiết kế một đường ray tròn cho xe trượt xuống. Người quả cảm ưa tốc độ thì đi  xe trượt, ngồi một mình tự kéo phanh hiệu chỉnh gia tốc. Người yếu bóng vía thì đi đôi với người quả cảm ngồi sau ôm eo vào những khúc cua lại rú lên eo ôi kinh hãi. Lòng quả cảm của tôi bé mọn nên xin ngồi sau Thanh Thảo, lấy lý do còn chụp ảnh. Thanh Thảo cười nhắc nhẹ chụp ảnh chỉ cần một tay thôi. Nhưng khi trở lên thì có cáp kéo xe êm như ru không bận tâm nguy hiểm. Xúc động dâng trào khi hình dung nước con thác này là nước mắt của K’Lang. Tôi vục tay húp một ngụm để nhớ về hai con tim K’Lang – H’Biang, về một tình yêu bất tử.

 

      Đà Lạt về Sa Lát có 12 cây số, nhưng là cả một quãng đường hấp dẫn để khám phá. Những ngôi nhà bé như hộp diêm, những đồi thông bạt ngàn, những trang trại trồng rau, hoa quả hoặc ngắm nhìn mặt hồ, dòng suối lấp lánh dưới ánh mặt trời, nơi cung cấp nguồn nước ngọt cho Đà Lạt. Tất cả đều là những nét bút vẽ chân thực nhất. Nằm dưới Lang Biang hùng vĩ, bản Sa Lát là nơi người  Lạch - những cư dân đầu tiên của cao nguyên Đà Lạt sinh sống. Người Lạch, hay còn viết là Lát (Mlades), là tên gọi của một nhóm cư dân nhỏ người K'Ho sống lâu đời trên cao nguyên Lang Biang. Lạch, theo tiếng địa phương có nghĩa là rừng thưa để chỉ vùng rừng thông và đồi trọc từ dãy Lang Biang trải dài tới hướng Tây Nam bao gồm cả thành phố Đà Lạt hiện nay. Cộng đồng dân tộc Lạch – Kho sinh sống ở nơi mang cái tên quen thuộc Sa Lát, địa danh đã trở thành thương hiệu du lịch. Sa Lát nổi tiếng hơn bất cứ địa danh nào ở Đà Lạt, và người dân nơi đây có cuộc sống kinh tế khá cao về nguồn thu du lịch. Gần như bất cứ ai đến Sa Lát đều thích thâm nhập vào đời sống của cộng đồng người dân tộc K’Ho, cùng tham dự lửa trại thưởng thức rượu cần với thịt thú rừng nướng, đi thăm vườn quốc gia Bibuc, thăm suối Vàng suối Bạc. Sa Lát còn là nơi tạo ra những tấm thổ cẩm với hoa văn độc đáo tinh tế mà du khách thích mua để làm kỷ niệm cho một chuyến đi. 
      Sa Lát có các buôn Đaghia, Đưc B’Nưu và có tới 8 đội cồng chiêng chuyên nghiệp luôn có mặt trong các lễ hội văn hóa của tỉnh Lâm Đồng và các Festival được tổ chức ở những nơi khác. Những đội múa cồng chiêng của Sa Lát là minh chứng hùng hồn về một nền văn hóa đang phát triển, mà độc đáo nhất có loại khèn M’bướt với âm thanh lảnh lót như tiếng chim ch’rao làm cho du khách thích thú.  

 

      Vào nhà người Lạch bạn sẽ nhận được lời niêm xá, tức là lời chào thân tình của người trưởng thôn. Được giới thiệu những chiếc cồng chiêng treo rất thiêng nơi bếp lửa, để khi người trưởng thôn khua một tiếng ngỡ như âm vang của núi rừng sông thác vọng về. Ở quãng sân rộng phía trước bạn sẽ được thưởng thức món thịt rừng nướng cùng món rượu cần, thứ rượu của lễ hội, của niềm vui, của ước mơ, của cuộc sống giao hòa nhân ái. Rượu ngâm bằng lá cây, gạo nếp nên ngọt lịm từ đầu lưỡi, uống vào cứ vui lâng lâng sướng ngây ngất. Còn điệu múa của những chàng trai và cô gái miền sơn cước trong tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng đàn vang dội, tuy đơn sơ mạnh mẽ nhưng uyển chuyển nhịp nhàng làm cho núi rừng cũng muốn cất lên lời ca tiếng hát từ cuộc sống cộng đồng thân ái đầy phấn khích của những con người nơi đây.
      Một buổi chiều hòa mình vào cuộc sống nơi Sa Lát dưới chân núi Lang Biang khiến ta cảm thấy cuộc sống còn bao điều thú vị mà ta cứ phải khám phá không ngừng. Ví như thông điệp tình yêu từ Lang Biang của Thanh Thảo chẳng hạn.

Tùy bút của Khiếu Quang Bảo
Bình luận
vtcnews.vn