Xử lý nghiêm hành vi trốn tránh trách nhiệm quân nhân dự bị

Thời sựThứ Hai, 11/11/2019 17:31:00 +07:00

Hành vi trốn tránh việc thực hiện trách nhiệm của quân nhân dự bị sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định trong dự án Luật Lực lượng dự bị động viên.

Chiều 11/11, Quốc hội nghe báo cáo và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Lực lượng dự bị động viên.

Về các hành vi bị nghiêm cấm, có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định nghiêm cấm hành vi trốn tránh việc thực hiện trách nhiệm của quân nhân dự bị. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng việc đăng ký quân nhân dự bị là trách nhiệm của công dân, đã được quy định tại Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng và Luật Nghĩa vụ quân sự, còn trách nhiệm của quân nhân dự bị được xếp trong đơn vị dự bị động viên đã quy định tại Điều 4 dự thảo Luật trình Quốc hội. Vì vậy, hành vi trốn tránh việc thực hiện trách nhiệm của quân nhân dự bị là rõ ràng và có cơ sở pháp lý.

Theo Dự án Luật Lực lượng dự bị động viên, các hành vi bị nghiêm cấm cụ thể là: Trốn tránh việc thực hiện trách nhiệm của quân nhân dự bị, nghĩa vụ của chủ phương tiện có phương tiện kỹ thuật dự bị đã xếp trong đơn vị dự bị động viên; Chống đối, cản trở việc xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên; Huy động lực lượng dự bị động viên không có trong kế hoạch xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên được phê duyệt; Lợi dụng, lạm dụng việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên để xâm phạm lợi ích quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; Phân biệt đối xử về giới trong xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên.

toan canh

 Toàn cảnh phiên họp.

Đối với độ tuổi sắp xếp quân nhân dự bị vào đơn vị dự bị động viên trong thời bình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, dự thảo Luật quy định độ tuổi của quân nhân dự bị trong thời bình thấp hơn độ tuổi của quân nhân chuyên nghiệp dự bị theo Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, vì nguồn đối tượng này nhiều, đồng thời bảo đảm sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ; còn độ tuổi đối với hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị là phù hợp với Luật Nghĩa vụ quân sự.

Việc quy định độ tuổi của quân nhân dự bị đã được đánh giá kỹ tác động, bảo đảm nguồn để huy động vào lực lượng dự bị động viên. Khi có chiến tranh, việc gọi quân nhân dự bị vào phục vụ tại ngũ thực hiện theo hai luật trên và Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. 

Về đăng ký, quản lý phương tiện kỹ thuật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc quy định danh mục phương tiện kỹ thuật dự bị bảo đảm huy động cho Quân đội nhân dân trong thời bình và trong thời chiến phải bảo đảm linh hoạt, phù hợp với nhiệm vụ cụ thể, nhu cầu biên chế thực tế của đơn vị dự bị động viên và yêu cầu trang bị kỹ thuật trong từng giai đoạn, đồng thời phải bảo đảm yếu tố “bí mật”. Vì vậy, đề nghị Quốc hội cho giữ quy định trên như dự thảo Luật.

viet

 Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt. 

Về tổ chức biên chế đơn vị dự bị động viên, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho biết: Quy định tỷ lệ dự phòng tại dự thảo Luật là Luật hóa Điều 10 Nghị định số 39/CP ngày 28/4/1997 quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên, là cần thiết, phù hợp với yêu cầu tổ chức biên chế đơn vị dự bị động viên, bảo đảm chủ động về nguồn cho các địa phương, vì nhiều khi quân nhân dự bị có lý do chính đáng không thể thực hiện được lệnh huy động, như: bị bệnh tật, ốm đau, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn... Mặt khác, tỷ lệ này nằm trong nguồn đã đăng ký, quản lý nhưng chưa xếp vào đơn vị dự bị động viên nên không làm tăng ngân sách. Do đó, đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Chính phủ trình.

Nhạc Dương
Bình luận
vtcnews.vn