Xã hội hóa cảng hàng không, sân bay: Phải đảm bảo an ninh, quốc phòng

Thời sựThứ Năm, 09/04/2015 07:48:00 +07:00

Việc thực hiện xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không, sân bay cần đảm bảo không ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh quốc gia

(VTC News) - Việc thực hiện xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không, sân bay cần đảm bảo không ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh quốc gia.

Theo báo cáo của Cục HKVN, trong giai đoạn 2001-2014, ngành hàng không đã thực hiện đầu tư xây dựng trên tất cả các lĩnh vực kết cấu hạ tầng cảng hàng không, sân bay, bảo đảm hoạt động bay, đầu tư đội tàu cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành. Lượng vốn đã huy động được là 125.374 tỷ đồng.
Trong đó, nguồn vốn ngân sách Nhà nước và trái phiếu chính phủ là 6.154 tỷ đồng (chiếm 5%); Nguồn vốn của các doanh nghiệp là 96.311 tỷ đồng (chiếm 77%); Nguồn vốn ODA do Tổng công ty CHK Việt Nam (ACV) vay lại từ Chính phủ là 17.481 tỷ đồng (chiếm 14%); Nguồn vốn tư nhân là 5.427 tỷ đồng (chiếm 4%). 
Ông Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh, cần đặc biệt chú ý để không xảy ra tình trạng độc quyền khi thực hiện xã hội hóa cảng hàng không, sân bay 
Theo Cục hàng không, phần vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước và trái phiếu Chính phủ chỉ chiếm 5% tổng vốn đầu tư toàn ngành. Còn lại 95% là nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách. Tuy nhiên nguồn vốn từ khu vực tư nhân mới chỉ chiếm 4%.
Ông Lại Xuân Thanh - Cục trưởng Cục hàng không Việt Nam cho biết: giai đoạn 2015-2020 tổng nhu cầu vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng hàng không là 230.215 tỷ đồng. 
"Giai đoạn này ngành hàng không cần lượng vốn đầu tư rất lớn vào kết cấu hạ tầng phục vụ nhu cầu phát triển, trong khi nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước rất khó khăn, quỹ đầu tư của các doanh nghiệp cũng chỉ đáp ứng một phần nhu cầu", ông Lại Xuân Thanh nói.
Ông Thanh khẳng định, để khai thác được các nguồn vốn đầu tư khác trong xã hội thì việc xã hội hóa đầu tư và khai thác để kêu gọi các nguồn vốn khu vực tư nhân trong và ngoài nước là một nhu cầu cấp thiết. 
"Đến thời điểm này, hành lang pháp lý cho việc xã hội hóa kết cấu hạ tầng cảng hàng không, sân bay cơ bản đã được quy định trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, một số cơ chế để thực hiện cần tiếp tục được hoàn thiện, bảo đảm thu hút được nhà đầu tư, hài hòa lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng" Cục trưởng Cục hàng không cho hay.
Việc thực hiện xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không, sân bay cần đảm bảo không ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh quốc gia; không chuyển giao hoặc ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà nước; bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, chống lạm dụng vị thế độc quyền; bảo đảm duy trì đồng bộ hoạt động hàng không dân dụng; thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển giao thông hàng không của Nhà nước; bảo đảm công khai, minh bạch và lợi ích của Nhà nước, lợi ích của người lao động; bảo các các nghĩa vụ quốc tế.
Liên quan đến vấn đề xã hội hóa cảng hàng không, sân bay, Ông Lê Mạnh Hùng - Tổng Giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam nêu vấn đề “Liệu hãng hàng không có được phép mua lại quyền khai thác hoặc sở hữu sân bay, nhà ga hành khách hay không?”.
Ông Hùng cho rằng, nếu một hãng hàng không hoặc một liên minh các hãng hàng không được phép mua quyền khai thác hoặc sở hữu một sân bay, công trình kết cấu hạ tầng trong sân bay thì phải có quy định cụ thể đảm bảo các hãng hàng không khác được tiếp cận một cách công bằng với các dịch vụ được cung cấp tại sân bay. 
"Nếu không, chính sự độc quyền này sẽ tạo ra sự chèn ép các hãng hàng không khác, làm giảm lượng hành khách từ các hãng hàng không khác đến sân bay", ông Hùng khẳng định.
Video sự cố ngành hàng không:
Ông Hùng nhấn mạnh thêm, một sân bay nói riêng và hệ thống sân bay nói chung là tài sản cực kỳ quan trọng đối với một quốc gia. Do đó, nếu toàn bộ hay một phần hệ thống sân bay này bị chi phối bởi một nhà khai thác tư nhân thì sẽ tạo ra những rủi ro chính trị, kinh tế nhất định cho quốc gia. 
"Ngoài ra, các hãng hàng không và khách hàng có thể không được tiếp cận với dịch vụ ở mức tốt nhất và sẽ tạo ra thế độc quyền nhất định cho nhà đầu tư. Đồng thời, cần đảm bảo giá các dịch vụ cung cấp tại sân bay không quá cao. Vấn đề này sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi không chỉ của các hãng hàng không mà còn của hành khách" Tổng Giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam khẳng định.

Hiện nay, tại Việt Nam có 4 hãng hàng không Việt Nam gồm Vietnam Airlines, Jetstar Pacific Airlines , VietJet Air và VASCO, khai thác 111 tàu bay, 56 đường bay quốc tế, 46 đường bay nội địa.

Theo kế hoạch, đến năm 2020 đội tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam sẽ là 205 chiếc.

Hiện nay Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) với 100% vốn nhà nước được Nhà nước giao quản lý, khai thác toàn bộ hệ thống 22 CHKSB (trong đó có 21 CHKSB đang có hoạt động khai thác) với tổng công suất thiết kế tính đến hết năm 2014 là 56 triệu lượt hành khách và tính đến hết tháng 3/2015 là 58 triệu lượt hành khách.

Theo kế hoạch đến năm 2030, ngành hàng không phải tiếp tục đầu tư xây dựng CHKQT Long Thành, CHK Vân Đồn, mở rộng CHKQT Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp các CHK nội địa. Dự báo đến 2020 tổng thị trường hành khách thông qua CHKSB sẽ đạt 106 triệu, đến năm 2030 đạt trên 200 triệu lượt hành khách.

Minh Chiến
Bình luận
vtcnews.vn