'Vụ nổ súng ở Thái Bình đang rất phức tạp'

Thời sựThứ Năm, 12/09/2013 09:09:00 +07:00

(VTC News) - Chủ nhiệm VPQH mở đầu phát biểu trong phiên họp UBTV Quốc hội chiều nay (12/9) bằng nhận định 'vụ nổ súng ở Thái Bình đang rất phức tạp'

(VTC News) - Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc mở đầu phát biểu trong phiên họp UBTV Quốc hội chiều nay (12/9) bằng nhận định 'vụ nổ súng ở Thái Bình đang rất phức tạp'.

Chiều 12/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến vào dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Nội dung được nhiều thành viên Uỷ ban Thường Vụ Quốc hội dành sự quan tâm và cho ý kiến nhất chính là thu hồi đất.

Là ĐBQH tỉnh Thái Bình, Chủ nhiệm VPQHNguyễn Hạnh Phúc nhìn nhận vụ việc nghi phạm Đặng Ngọc Viết mang súng vào trụ sở UBND TP Thái Bình bắn thẳng vào 4 cán bộ Trung tâm phát triển Quỹ đất TP Thái Bình (chiều 11/9) đã khẳng định tính chất hết sức phức tạp khi thu hồi đất.
Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu tại phiên họp UBTV Quốc hội
Ông Phúc kiến nghị 'khi bồi thường đất cho dân, phải cân nhắc, tính toán làm sao để đảm bảo quyền lợi người dân'
Dẫn dụ vụ hung thủ bắn cán bộ phụ trách giải phóng mặt bằng ở Thái Bình, Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, vấn đề thu hồi, đền bù rất phức tạp. Người dân bỏ ra nhiều công sức, nhưng đến khi thu hồi đất lại mất hết cả, nên phải có hình thức đền bù cho người dân, tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Cho rằng Chính phủ quy định giá đất sẽ đảm bảo sự công bằng, song ông Phúc cũng khuyến cáo, cần hết sức lưu ý về điều khoản thi hành giữa luật cũ và luật mới.

Điển hình như trường hợp đang thu hồi đất thì Luật mới có hiệu lực. Nếu thực hiện đền bù theo phương án trước thì rất khó, vì Luật mới quy định mức giá sẽ cao hơn luật cũ. Chỉ một ngày giá chênh nhau như vậy sẽ không ổn, cần tính toán thêm.


Ủng hộ dự luật quy định thu hồi đất cho phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển góp ý phải quy định rõ hạn mức được phép thu hồi theo từng cấp quản lý để chặn thu hồi tràn lan.
Nhìn nhận vấn đề đất đai ở góc độ xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai nêu thực trạng người dân mất đất được bồi thường bằng tiền mà không được quan tâm bố trí việc làm, không đào tạo nghề, rồi ôm đống tiên tiêu ít hôm là hết, nghề nghiệp, kế sinh nhai chẳng có…

“Vì vậy luật cần quy định chế tài đối với người thi hành công vụ trong vấn đề đất đai” - bà Mai đề nghị.
Luật đất đai (sửa đổi) sẽ được thông qua trong kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIII 
Đề cập đến chính sách thu hồi cũng như giá đền bù,  Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT Phan Xuân Dũng cho rằng "Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng".

Nhưng "Công bằng ở chỗ nào? Tôi nghĩ muốn công bằng phải phân định rõ, người dân đang ở mảnh đất này thì được quyền gì, khi trả lại đất thì họ được quyền gì. Lúc đó người dân sẽ thấy họ được đối xử công bằng”.


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng dự án Luật đất đai (sửa đổi) không chỉ liên quan mật thiết tới đời sống người dân mà còn có ý nghĩa quan trọng tới ổn định kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước. Ngoài những mặt tích cực, tệ tham nhũng, tiêu cực, khiếu nại tố cáo cũng từ đất đai mà ra.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu cơ quan soạn thảo nghiêm túc tiếp thu các ý kiến để rà soát lại dự án luật, đảm bảo tính khả thi và khắc phục được những yếu kém, tồn tại. Đồng thời, phải hạn chế tối đa các mặt tiêu cực, thất thoát, lãng phí đất đai.

Nam Minh


Bình luận
vtcnews.vn