Vụ chó cắn chết người: Bị hại có quyền khiếu nại

Thời sựThứ Sáu, 26/02/2010 09:18:00 +07:00

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận hoặc biết được quyết định, đại diện hợp pháp của người bị hại nếu không đồng tình với quyết định thì có quyền khiếu nại.

TS - Luật sư Phan Trung Hoài cho biết, theo quy định tại điều 328, 329 Bộ Luật Tố tụng Hình sự, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận hoặc biết được quyết định, đại diện hợp pháp của người bị hại nếu không đồng tình với quyết định không khởi tố vụ án thì có quyền khiếu nại theo trình tự pháp luật để được xem xét giải quyết.

Công an TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) ngày 24-2 có văn bản số 525/TB-ĐT thông báo về vụ bà Phạm Thị Ngắn bị chó béc-ghê của ông Phạm Ngọc Thành cắn chết hôm 21-1-2010 trong rẫy cà phê (của ông Thành) ở buôn H’Drát - TP Buôn Ma Thuột.

Theo đó, Cơ quan CSĐT Công an TP Buôn Ma Thuột không khởi tố vụ án hình sự vì kết luận “không có ai trong gia đình ông Thành cố ý thả chó béc-ghê cắn chết bà Ngắn; khi bà Ngắn bị chó cắn, tại hiện trường không có mặt ông Nguyễn Đình Sơn - người giúp việc của gia đình ông Thành - hoặc bất cứ ai là người của ông Thành...”.

Dù chưa có điều kiện tham khảo hồ sơ vụ việc nhưng qua những diễn biến của vụ này, tôi nhận thấy có một số vấn đề pháp lý cần được xem xét thêm.

Phớt lờ trách nhiệm chủ chó

Trước hết, cần xem xét việc nuôi chó béc-ghê trong khuôn viên rẫy, sau đó để xảy ra việc chó cắn chết người cho thấy chó bẹc-giê là một dạng “thú dữ”, nếu không được huấn luyện, quản lý, trông nhốt sẽ trở thành nguồn nguy hiểm cao độ, có thể tác động, ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của người khác.

Điều 623 Bộ Luật Dân sự có quy định về việc bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, trong đó có xác định “thú dữ” cũng là nguồn nguy hiểm cao độ. Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải tuân thủ các quy định bảo quản, trông giữ, vận chuyển, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng các quy định của pháp luật.

Tại điều 4, Thông tư số 48/2009/TT-BNNPTNT ngày 4-8-2009 hướng dẫn về phòng chống bệnh dại ở động vật quy định: Về quản lý chó nuôi, trách nhiệm của cá nhân nuôi chó “phải thường xuyên xích chó, nuôi chó trong nhà, không được thả rông, để chó cắn người. Ở các TP, thị xã, thị trấn, khu dân cư, khi dắt chó ra nơi công cộng phải có dây xích, phải rọ mõm (đối với con dữ) và có người dắt, không để chó đi lang thang ngoài đường, phố làm mất vệ sinh nơi công cộng...”.

Thực nghiệm hiện trường vụ chó béc-ghê cắn chết bà Phạm Thị Ngắn, được tổ chức hôm 29-1.  
Như vậy, khi nuôi chó, chủ sở hữu phải tuân thủ các điều kiện đã quy định, đặc biệt đối với chó béc-ghê là loài thú có đặc tính khác với các loại chó thông thường.

Tuy nhiên, về pháp luật hình sự, hành vi do nguồn nguy hiểm cao độ là “thú dữ” gây ra chưa được quy định cụ thể nên việc xác định trách nhiệm hình sự của người chủ sở hữu/người quản lý “thú dữ” cần thiết xem xét, đánh giá thận trọng về các dấu hiệu của cấu thành, đặc biệt là ý thức chủ quan của người chủ sở hữu/quản lý để xem xét có phạm vào một tội danh được quy định trong Bộ Luật Hình sự hay không (chẳng hạn “tội vô ý làm chết người” do không quản lý được thú dữ dẫn đến hậu quả chó cắn chết người).

Trong trường hợp này, trước mắt, vấn đề bồi thường thiệt hại cần được đặt ra để xem xét trách nhiệm của người chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ.

Phải xem lại hành vi “không cứu người...”

Dù cơ quan điều tra kết luận lúc xảy ra sự việc có người vào mót cà phê, ông Nguyễn Đình Sơn đã có mặt; sau đó đi làm việc khác, khi quay lại nghe có tiếng người kêu, chạy đến nơi thì đã thấy bà Phạm Thị Ngắn bị chó cắn chết nhưng một số thông tin được đăng tải trên báo chí lại phản ánh thực tế diễn biến có sự khác biệt.

Theo đó, cơ quan tiến hành tố tụng đã thực nghiệm điều tra, có một nhân chứng - người làm công trong rẫy của ông Thành - xác định: “Hôm xảy ra sự việc, tôi đang tưới nước cách chỗ này (hiện trường - NV) rất xa, nhận được điện thoại của ai đó gọi cho tôi báo có người bị chó cắn, tôi chạy khắp để tìm. Cách hiện trường khoảng 400m, tôi nghe tiếng gào khóc nên chạy lại. Đến nơi, tôi thấy anh Sơn đang đứng dưới gốc sầu riêng này. Sau đó, anh Sơn nói “Điệp xuống đi, chú đưa về nhà, không sao đâu” thì tôi mới biết có người trên cây. Anh Sơn nói có người chết thì tôi nhìn xuống thấy bà Ngắn nằm chết dưới đất”.

Ngoài ra, tại hiện trường, vị trí từ cây sầu riêng nơi nhân chứng Điệp trèo lên để thoát thân cách chỗ con chó béc-ghê đầu tiên cắn bà Ngắn chưa tới 3 m. Một điều tra viên trèo lên đúng vị trí chị Điệp đứng và hô to lời kêu cứu của nhân chứng Điệp: “Anh Sơn ơi cứu em với, chó cắn cô”.

Một điều tra viên khác cách đó 200m (là nơi các nhân chứng khai ông Sơn đứng khi sự việc bắt đầu xảy ra) cho biết nghe thấy rất rõ. Ngoài ra, thông tin còn cho biết là biên bản khám nghiệm hiện trường không được các nhân chứng tham gia đồng tình vì thiếu nhiều chi tiết đáng chú ý.

Trong trường hợp này, cần làm rõ xem có dấu hiệu của hành vi vi phạm vào điều 102 Bộ Luật Hình sự về tội “Không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng” hay không, trong đó cần xem xét về mặt khách quan cũng như chủ quan là người đó tuy có điều kiện nhưng cố ý không cứu giúp dẫn đến hậu quả nguy hiểm đến tính mạng của người khác.

Với những thông tin được đăng tải trên các báo thể hiện có nguồn chứng cứ chứng minh về khả năng và điều kiện cứu giúp nhưng ông Sơn đã không thực hiện nên cần thiết phải được làm rõ, đánh giá một cách thận trọng, từ đó có định hướng xử lý vụ việc một cách công minh, đúng pháp luật.

Bên bị hại có quyền tiếp tục khiếu nại

Hiện nay, do Cơ quan CSĐT Công an TP Buôn Ma Thuột đã chính thức có thông báo không khởi tố vụ án hình sự nên theo quy định tại điều 328, 329 Bộ Luật Tố tụng Hình sự, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận hoặc biết được quyết định, đại diện hợp pháp của người bị hại nếu không đồng tình với quyết định không khởi tố vụ án thì có quyền khiếu nại theo trình tự pháp luật để được xem xét giải quyết.

Theo Người lao động

Bình luận
vtcnews.vn