Vỡ đê ở Thanh Hóa: Tiết lộ thời khắc quyết định đưa máy múc hàng trăm triệu xuống hàn đê, cứu dân

Thời sựThứ Bảy, 14/10/2017 11:54:00 +07:00

Giữa lúc nguy cơ vỡ đê trên diện rộng có thể xảy ra, đe dọa tính mạng và tài sản của hàng ngàn hộ dân tại xã Xuân Minh (huyện Thọ Xuân), tỉnh Thanh Hóa đã quyết định hạ máy múc xuống làm điểm tựa chặn dòng chảy, thả đất đá hàn đê thành công.

Ông Đỗ Huy Chân (Bí thư Đảng ủy xã Xuân Minh, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) cho biết, ngay sau khi nhận được tin áp thấp nhiệt đới chuẩn bị đổ bộ vào đất liền, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa và huyện Thọ Xuân đã chỉ đạo xã Xuân Minh túc trực 24/24h để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân trong khu vực.

Thế nhưng, không ai lường trước được mức độ tàn phá của đợt lũ lần này có thể mạnh đến như vậy. Bản thân vị Bí thư xã Xuân Minh cũng khá bất ngờ trước diễn biến bất thường của thiên nhiên.

d-4-1516044

 

“Ngay sau khi nhận được công văn khẩn từ các cấp huyện Thọ Xuân và tỉnh Thanh Hóa, chúng tôi đã đến kiểm tra và đôn đốc chống lũ ở những vùng dễ xảy ra ngập lụt. Tuy nhiên, do mưa lớn, nước sông Cầu Chày (một nhánh của sông Chu) dâng cao khiến đoạn đê qua thôn Quang Hoa bị vỡ. Đây là đoạn cống đang xây dựng, nước sông dâng cao, xoáy sâu vào mép cống, khiến đoạn đê bị vỡ 4-5m”, ông Chân nói.

Để cứu đê, cứu người, ngăn nước lũ tràn vào làng, hàng trăm người gồm các chiến sĩ bộ đội, công an, dân quân và người dân đã được huy động cả đêm.

Trả lời về việc chiếc máy múc loại lớn có giá cả trăm triệu đồng của một công ty đóng tại địa bàn xã được huy động thả xuống làm điểm tựa để đắp đất đá bảo hộ đê, ông Chân cho biết đó là việc bất khả kháng:

“Lũ về mạnh quá, chúng tôi đã chủ động đắp đất cát dưới lòng sông, thậm chí chặt rất nhiều cây xà cừ cổ thụ để gia cố, tránh vỡ đê, song, không hiệu quả. Toàn bộ số cây xà cừ đã bị trôi hết.

Chính vì vậy, chúng tôi đã xin ý kiến chỉ đạo của tỉnh và huyện đưa chiếc máy múc loại lớn để trám vào đoạn vỡ này, lắp chỗ hổng đó, sau đó chèn, đắp đất đá gia cố đê”, ông Chân cho biết thêm.

Ngay sau đó, ông Nguyễn Đức Quyền (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa) đã đồng ý phương án này.

Ông Quyền chia sẻ với báo chí: “Khoảng 3h sáng, nhận được tin, tôi tức tốc lên đường. Trên đường đi, nghe báo cáo sự việc, tôi dự đoán tình hình rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của hàng chục nghìn hộ dân. Khi đó, tôi nói với lãnh đạo huyện cần khẩn trương chuẩn bị một tàu chở đầy đá hộc để đánh đắm ngang chỗ đê vỡ”. 

Thời điểm đó, xung quanh khu vực không có con tàu hút cát nào. “Tình thế rất nguy cấp, chậm khắc phục giờ nào là hàng nghìn hộ dân nguy hiểm giờ đó. Rất nhanh chóng, tôi bàn với lãnh đạo huyện và Cty Miền Tây - đơn vị đang thi công gần đó - đẩy ngay một máy múc hoặc 1 ôtô tải cỡ lớn chất đầy đá vào. Do có gầu dài cắm xuống trước vị trí đê bị thủng nên tôi quyết định đẩy 1 máy múc vào vá vết thủng của đê”, ông Quyền nói với PV Lao động.

Được biết, chiếc máy múc có giá hàng trăm triệu đồng thuộc sở hữu của Công ty Miền Tây, do ông Ninh Quang Vinh làm Giám đốc.

Ông Ninh Quang Vinh chia sẻ trên báo Lao động: “Lúc đó, tình thế rất nguy cấp, trong đầu tôi chỉ nghĩ, bằng mọi giá phải vá cho bằng được chỗ thủng của đê nhằm tránh một thảm họa đáng tiếc có thể xảy ra, kể cả 2 hoặc 3 cái máy múc, ô tô tôi cũng sẵn sàng bỏ ra để vá đê”.

Video: Cận cảnh dìm máy múc hàng trăm triệu đồng xuống chân đê ngăn nước lũ ở Thanh Hóa

Sắp tới, UBND tỉnh Thanh Hóa sẽ tặng thưởng cho các lực lượng tham gia cứu đê, trong đó có Công ty Miền Tây, Công ty Tiến Đạt đã có những đóng góp vô cùng to lớn nhằm ngăn chặn kịp thời một thảm họa có nguy cơ xảy ra.

Hiện tại, mưa tại xã Xuân Minh đã ngớt, lưu lượng nước từ thượng nguồn đồ về vẫn đang rất mạnh, song, nước đã rút được hơn 1 mét.

“Chúng tôi đang bắt đầu triển khai các công tác phục vụ nhân dân sau lũ lụt và chuẩn bị đối phó với cơn bão số 11 sắp tới”, ông Chân cho biết thêm.

Việt Vũ
Bình luận
vtcnews.vn