Văn hoá Huế lắng đọng trong 'Âm vọng sông Hương' tại Festival lần thứ 10

Thời sựThứ Hai, 30/04/2018 07:15:00 +07:00

Những nét đặc trưng nhất của văn hoá, con người và thiên nhiên xứ Huế được tái hiện trong chương trình "Âm vọng sông Hương" do Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức tại khuôn khổ Festival Huế 2018.

Tối qua (29/4), chương trình văn hoá đặc sắc mang tên "Âm vọng sông Hương" được tổ chức tại sân khấu chìm dựng trên sông Hương với quy mô lớn nhất.

Đây là chương trình nghệ thuật đầu tiên do Đài Tiếng nói Việt Nam, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phối hợp tổ chức tại Festival Huế 2018.

Với cách dàn dựng độc đáo và mới lạ, "Âm vọng sông Hương" như một câu chuyện tóm gọn lại những biểu trưng của mảnh đất, văn hoá, thiên nhiên và con người xứ Huế. Chính sự dàn dựng có phần độc và lạ ấy đã cuốn hút những người theo dõi suốt từ đầu đến cuối chương trình.

31676549_1748126605277386_7651228025844924416_n

"Âm vọng sông Hương" được tổ chức tại một sân khấu chìm dựng trên mặt sông Hương với quy mô lớn nhất. 

Theo Ban tổ chức chương trình, “Âm vọng sông Hương” là câu chuyện kể về một vòng đời của người dân sông nước Huế... Từ khi họ yêu nhau, cưới nhau, sinh con đẻ cái, đến khi con cái trưởng thành, nối tiếp cha ông làm nghề trên sông nước, kết thúc lại mở ra một vòng đời khác, thế hệ khác.

Cứ thế, vòng đời của người dân nối nhau như dòng chảy ôm lấy, bảo vệ và xây dựng Huế, giữ gìn, che chở và bao bọc Huế.

Mở đầu câu chuyện là dáng hình những vị sư trong bộ áo nâu sòng bước nhẹ gót chân tiến vào nơi thâm nghiêm chốn cửa chùa Thiên Mụ. Đâu đó là hình ảnh người dân xứ Huế một gánh hai quang đang rảo bước hô vang "ai bún bò Huế không"; "ai nem chả không"....

Đó còn là câu chuyện tình của thi sĩ Hàn Mặc Tử với một cô gái xứ Huế có tên Hoàng Cúc. Cũng từ chuyện tình ấy mà hậu thế về sau mãi còn truyền tụng những câu thơ bất hủ trong bài "Đây thôn Vĩ Dạ" của người thi sĩ tài hoa.

"Âm vọng sông Hương" cũng tái hiện một cách ngắn gọn cuộc sống bình dị của những người nông dân xứ Huế. Đó là hình ảnh những chàng trai cô gái quăng chài, thả lưới bắt cá trên sông.

"Âm vọng sông Hương" toát lên vẻ bình dị của Huế với hình ảnh những người nông dân vừa uống rượu vừa ôm đàn hát ca mấy bài nhạc Trịnh. Phía dưới sông là hình ảnh những cô gái vừa chèo đò, vừa ngân nga những cầu hò mái nhì mái đẩy.

31496173_1748404658582914_8014959889791057920_n

Người xem như có cảm giác từng nét văn hoá Huế đang lắng đọng hết tại "Âm vọng sông Hương"...

31577942_1748404871916226_1404823969332199424_n 3

Bởi lẽ, "Âm vọng sông Hương" đã tái hiện lại những gì được cho là biểu trưng nhất của mảnh đất, thiên nhiên, văn hoá và con người xứ Huế...

"Âm vọng sông Hương" còn gợi nhớ về sự khắc nghiệt của thiên nhiên xứ Huế với hình ảnh một gia đình lênh đênh trên con đò trong dòng lũ dữ...

Đó là hình ảnh chân thực, xúc động về những đau thương mà người Huế đã trải qua. Nó cũng thể hiện bản lĩnh của người dân xứ Huế luôn phải đùm bọc lấy nhau để tồn tại cùng những trận đại hồng thuỷ để từ đó xây dựng một bản sắc, một nét văn hoá rất Huế.

"Âm vọng sông Hương" còn là câu chuyện sinh - lão - bệnh - tử, đó là tiếng khóc của một sinh linh mới chào đời khi người mẹ già vừa qua đời.

Đó là sự tiếp nối trong dòng chảy vô tận của văn hoá, con người xứ Huế. Kết thúc câu chuyện là câu hát "Dòng sông Huế đã đặt tên? Để người đi nhớ Huế không quên, xa con sông mang theo nỗi nhớ. Người ở lại tháng năm đợi chờ....". 

Có thể nói, dù khuôn khổ chương trình "Âm vọng sông Hương" chỉ diễn ra trong vòng 90 phút nhưng đã tái hiện cho người xem những gì đặc trưng nhất của Huế, những hình ảnh ấy sẽ còn lắng đọng trong lòng những người yêu Huế.

31519625_1748405821916131_1169385686210445312_n 4

 "Âm vọng sông Hương" cũng không quên tái hiện cảnh người dân xứ Huế phải nhiều lần chống chọi với những trận đại hồng thuỷ. 

Nói như nhà văn Nguyễn Quang Vinh - Tổng đạo diễn chương trình: "Âm vọng sông Hương” là chương trình để dành tặng cho Huế, dành tặng cho những ai yêu Huế, dành tặng cho một vùng đất xứng đáng để tôn vinh, để tri ân, để tự hào".

"Chương trình đặt tình cảm, lòng tri ân đối với nhiều tầng lớp người dân Huế đã sống lao động, bảo vệ và tôn vinh được văn hóa tinh hoa để bây giờ con cháu chúng ta đang thừa hưởng.

Đây là câu chuyện kể về đời sống văn hóa, tinh thần, cuộc sống tâm linh của họ, từ khi lớn lên, yêu nhau, thành vợ, thành chồng đến thành nghề, thành nghiệp cho đến khi viên tịch, vòng đời này hết vòng đời khác lại xuất hiện nối tiếp nhau, nó như một vành đai tinh thần để bảo vệ Huế cho đến hôm nay”, Nhà văn Nguyễn Quang Vinh cho biết.

Video: Mãn nhãn màn pháo hoa đêm khai mạc Festival Huế 2018

NGUYỄN VƯƠNG
Chuyên đề: Tin nóng trong ngày
Bình luận
vtcnews.vn