'Vạch mặt' những thế lực đằng sau xe quá khổ, quá tải

Thời sựThứ Sáu, 08/08/2014 03:27:00 +07:00

Hệ lụy của xe quá khổ, quá tải không chỉ ảnh hưởng đến an toàn giao thông mà còn làm cho lòng tin của dân vào cơ quan chức năng hao mòn.

Hệ lụy của xe quá khổ, quá tải không chỉ ảnh hưởng đến an toàn giao thông mà còn làm cho lòng tin của dân vào cơ quan chức năng hao mòn.

Ngay ngày đầu tháng 8/2014, Chính phủ, các cơ quan chức năng và dư luận lại sôi động quanh việc những chiếc xe “vua” lộng hành trên nhiều tuyến đường; xe quá tải đi qua nhiều trạm kiểm tra tải trọng xe ở nhiều địa phương nhưng vẫn không bị xử lý.

Sau khi Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu cương quyết lập lại trật tự kỷ cương trong công tác kiểm soát tải trọng phương tiện, ngăn chặn các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong lực lượng thực thi công vụ và xử lý nghiêm các đối tượng “xã hội đen” thì dường như câu chuyện có móc nối, có bảo kê mới dần được sáng tỏ; dường như công tác quản lý mới được xem xét đến.


 Cân kiểm tra tải trọng xe. (Ảnh: KT)
Cân kiểm tra tải trọng xe. (Ảnh: KT) 

Chỉ trong 2 ngày 5 và 6/8, một số cán bộ và đối tượng có liên quan đến tình trạng thao túng, bảo kê hoạt động xe quá tải đang gây nhức nhối trên tuyến đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai đã bị bắt giữ. Đây là minh chứng cho thấy, có hay không một bộ phận lực lượng thực thi công vụ dính líu đến tiêu cực, để xe chở quá tải hoành hành trên một số tuyến đường bộ thời gian qua.

Câu chuyện này đối với nhiều người không có gì là mới, là ngạc nhiên. Bởi trong một số lĩnh vực của đời sống xã hội, không nhiều thì ít, họ đều thấy có những biểu hiện tiêu cực của một bộ phận cán bộ, những người được giao thực thi nhiệm vụ theo quy định của pháp luật. Đặc biệt, trong lĩnh vực giao thông, thực trạng bảo kê cho bến cóc, xe dù, xe khách hoạt động đã tồn tại từ rất lâu và nay lại đến những chiếc xe chở quá tải trọng cho phép.

Hẳn ai cũng biết những hệ lụy xe quá khổ, quá tải gây ra. Nó không chỉ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cầu, đường; đến an toàn giao thông trên tuyến mà nó còn là tác nhân làm lũng đoạn lực lượng bảo vệ an toàn giao thông, bảo vệ an ninh trật tự. Nó làm cho kỷ cương phép nước bị coi thường; làm cho lòng tin của dân vào cơ quan quản lý, ngành chức năng hao mòn.

Không hoài nghi, bức xúc sao được khi những chiếc xe chất trên mình hàng chục tấn hàng hóa nối đuôi nhau đi qua nhiều trạm kiểm tra tải trọng xe; đi từ địa phương này đến địa phương khác một cách ngang nhiên mà không hề bị xử lý?! Thậm chí, nó còn có cả một lực lượng bảo kê dẫn đường, sẵn sàng "ra tay" với lực lượng bảo vệ các nhà thầu thi công, đơn vị quản lý vận hành đường cao tốc; sẵn sàng gây gổ, thách thức lực lượng thực thi công vụ.

Nó khiến vị tư lệnh ngành Giao thông-Bộ trưởng Đinh La Thăng bức xúc kêu lên rằng: “chỉ cần dán một phù hiệu lên xe là chạy vô tư mà không bị ai kiểm soát. Phù hiệu không phải của Bộ Giao thông Vận tải, không phải của Bộ Công an, mà của một cá nhân dán lên xe là đi được, hành vi này nằm ngoài hệ thống pháp luật của Việt Nam”.


Rõ ràng là, nếu như không có sự móc nối tạo ra tiêu cực của lực lượng thực thi công vụ, nếu như không có tổ chức, không có bảo kê thì liệu rằng những chiếc xe quá tải có ung dung chạy từ Nam ra Bắc được hay không? Vậy nên, chuyện dư luận khẳng định có sự "tiếp tay" cho những chiếc xe quá tải qua mặt các cơ quan chức năng là một thực tế, chẳng có gì phải bàn cãi.

Ngay sau những bức xúc về tình trạng xe quá tải lộng hành, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có ý kiến chỉ đạo cần giải quyết dứt điểm với sự phân định trách nhiệm của từng cấp, từng ngành. Dẫu vẫn còn chưa đồng nhất quan điểm giữa các cơ quan chức năng, nhưng việc một số đối tượng có hành vi nhận hối lộ, đưa hối lộ để xe quá tải được “quyền” lưu thông trên tuyến đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai bị bắt giữ, điều tra được coi là khởi động quan trọng nhằm siết chặt kỷ cương phép nước trong lĩnh vực này.

Nó cũng khẳng định, nếu như các cơ quan quản lý, ngành chức năng xác định đúng nhiệm vụ quyền hạn; quyết liệt thực hiện; nếu như vai trò giám sát của nhân dân được tôn trọng thì những hành vi vi phạm pháp luật sẽ không có điều kiện phát sinh, sẽ không có hiện tượng quả tải trọng xe dẫn đến quá tải tiêu cực trong xã hội.


Những người thực thi công vụ ở đâu, nơi nào cũng là mối quan tâm của xã hội. Bởi họ đại diện cho cơ quan quản lý Nhà nước, đảm bảo cho pháp luật được thực thi nghiêm túc. Nhưng chính họ cũng có thể là người gây ra những hành vi tiêu cực, gây ra những bức xúc cho xã hội.

Vì thế, vấn đề dư luận quan tâm không chỉ là việc “vạch mặt, chỉ tên” người có hành vi vi phạm pháp luật, mà cần làm rõ những vấn đề, những thế lực đằng sau đó; cũng như việc xử lý như thế nào để thiết lập lại trật tự kỷ cương xã hội trong lĩnh vực này./.


» Xử lý xe siêu trường, siêu trọng: Tiết lộ từ Thanh tra Giao thông
» Xử lý xe quá khổ, quá tải: Những ca khó của CSGT
» Trạm cân 'bó tay' với xe siêu trường, siêu trọng?

Theo VOV
Bình luận
vtcnews.vn