TP.HCM kiểm tra việc thu hồi tài sản tham nhũng

Thời sựThứ Tư, 28/11/2018 21:15:00 +07:00

Từ 28/11 đến 7/12, TP.HCM sẽ triển khai việc kiểm tra công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng.

Chiều 28/11, đoàn Công tác số 3, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do ông Phan Đình Trạc, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, làm trưởng đoàn có buổi làm việc với Ban thường vụ, Thường trực Thành ủy TP.HCM. Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đồng chủ trì buổi làm việc.

Theo đó, TP.HCM bị điểm tên là một trong những địa phương có nhiều vụ án tham nhũng về kinh tế, cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Đắc Lắk, Khánh Hòa, Đắk Nông, Thanh Hóa, Thái Nguyên.

Sắp tới, TP.HCM thành lập đoàn kiểm tra và có kế hoạch kiểm tra công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.

Mục đích của cuộc kiểm tra là rà soát việc thu hồi tài sản, công tác phối hợp thu hồi tài sản và việc giải quyết khiếu nại tố cáo liên quan.

1

 Hình minh họa. (Ảnh: Baodauthau)

Bên cạnh đó, đánh giá kết quả đạt được, chỉ ra các khó khăn, từ đó kiến nghị biện pháp hiệu quả để thu hồi tài sản thất thoát từ các vụ án tham nhũng, khắc phục tối đa thiệt hại trong thời gian tới.

Theo ông Phan Đình Trạc, qua 5 năm, Ban chỉ đạo tổ chức 40 đoàn kiểm tra, giám sát tại 15 Ban cán sự đảng, Đảng ủy và 63 Tỉnh ủy, Thành ủy.

"Việc phòng, chống tham nhũng thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực, đạt nhiều kết quả, nhưng việc thu hồi tài sản thất thoát do tham nhũng còn yếu", ông Trạc nói.

Từ 28/11 đến 7/12, đoàn sẽ kiểm tra Cục Thi hành án dân sự thành phố, các Chi cục Thi hành án dân sự quận, huyện, Tòa án nhân dân thành phố, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố, Công an thành phố, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường.

Ngày 15/11, phát biểu tại Hội nghị triển khai công tác thi hành án năm 2019 của Bộ Tư Pháp, Cục trưởng Thi hành án Hà Nội Lê Xuân Hồng cho biết công tác thi hành án dân sự các đại án kinh tế gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân do quá trình điều tra, truy tố, xét xử những người liên quan chưa kịp thời kê biên.

Ví dụ, trong vụ án ông Đinh La Thăng, bản án phúc thẩm tuyên ông Thăng phải nộp 600 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Cục Thi hành án Hà Nội xác định ông Thăng chỉ còn một căn hộ chung cư là tài sản thuộc sở hữu của 2 vợ chồng. Là tài sản chung nên cơ quan thi hành án chỉ được thu một phần.

Để giải quyết vướng mắc, Cục trưởng Thi hành án Hà Nội kiến nghị khi điều tra các vụ án lớn, cơ quan chức năng cần phong tỏa tài sản để ngăn chặn việc tẩu tán.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn