Toàn văn Luật Tổ chức Quốc hội có hiệu lực từ 1/1/2016

Thời sựThứ Tư, 24/02/2016 06:52:00 +07:00

Hướng tới cuộc bầu cử Quốc hội khóa 14, Báo điện tử Infonet trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Tổ chức Quốc hội tới công dân Việt Nam nói chung.

Hướng tới cuộc bầu cử Quốc hội khóa 14, Báo điện tử Infonet trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Tổ chức Quốc hội tới công dân Việt Nam nói chung và đặc biệt là những người muốn ứng cử đại biểu Quốc hội khóa 14.
Ngày 20/11/2014, Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 8 đã thông qua Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi) gồm 7 chương 102 điều với nhiều điểm mới. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa 
Một số điểm mới của Luật tổ chức Quốc hội:

Quyết định các vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội
Điều 7 của Luật quy định rõ hơn thẩm quyền của Quốc hội, theo đó Quốc hội quyết định mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ cơ bản phát triển kinh tế - xã hội, quyết định chính sách cơ bản về tài chính, tiền tệ quốc gia; quyết định phân chia các khoản thu và nhiệm vụ chi giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương; quyết định mức giới hạn an toàn nợ quốc gia, nợ công, nợ chính phủ; quyết định các chính sách cơ bản về đối ngoại của Nhà nước.
Trưng cầu ý dân
Luật bổ sung quy định về những vấn đề được đưa ra trưng cầu ý dân và nguyên tắc tổ chức trưng cầu ý dân. Điều 19 của Luật quy định, Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân về Hiến pháp hoặc về những vấn đề quan trọng khác theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội.
Ủy ban thường vụ Quốc hội tổ chức trưng cầu ý dân theo quyết định của Quốc hội. Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về hình thức phiếu trưng cầu, trình tự bỏ phiếu và kiểm phiếu; quyết định thời gian cụ thể trưng cầu ý dân, nội dung ghi trên phiếu trưng cầu ý dân căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội về việc trưng cầu ý dân; kiểm tra, giám sát việc trưng cầu ý dân. Ủy ban thường vụ Quốc hội chịu trách nhiệm công bố kết quả trưng cầu ý dân với Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.


Thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính
Điều 14 và Điều 56 của Luật cụ thể hóa thẩm quyền thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính.
Quốc hội quyết định thành lập, bãi bỏ bộ, cơ quan ngang bộ; thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt theo đề nghị của Chính phủ. Quốc hội quyết định thành lập, bãi bỏ cơ quan khác theo quy định của Hiến pháp và luật.
Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo đề nghị của Chính phủ. Đề án về việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải được Ủy ban của Quốc hội thẩm tra trước khi trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Quyền tham gia làm thành viên và tham gia hoạt động của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội
Luật bổ sung quy định quyền của đại biểu Quốc hội tham gia làm thành viên của Hội đồng dân tộc hoặc Ủy ban của Quốc hội; có cơ chế để đại biểu Quốc hội có thể đăng ký tham dự các phiên họp của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội về các nội dung mà đại biểu quan tâm. Điều 30 quy định rõ: Đại biểu Quốc hội có quyền tham gia làm thành viên của Hội đồng dân tộc hoặc Ủy ban của Quốc hội. Căn cứ vào năng lực chuyên môn, kinh nghiệm công tác, đại biểu Quốc hội đăng ký tham gia làm thành viên của Hội đồng dân tộc hoặc một Ủy ban của Quốc hội. Trên cơ sở đăng ký của đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội lập danh sách thành viên Hội đồng, Ủy ban trình Ủy ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn. Đại biểu Quốc hội không phải là thành viên của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội có quyền đăng ký tham dự phiên họp do Hội đồng, Ủy ban tổ chức để thảo luận về những nội dung mà đại biểu quan tâm.
Hoạt động chất vấn tại phiên họp
Điều 32 của Luật bổ sung quy định về hoạt động chất vấn tại phiên họp của Uỷ ban thường vụ Quốc hội. Theo đó, Đại biểu Quốc hội có quyền chất vấn Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước; Người bị chất vấn phải trả lời trước Quốc hội tại kỳ họp Quốc hội hoặc tại phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội trong thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội; trường hợp cần thiết, Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho trả lời bằng văn bản; Trường hợp đại biểu Quốc hội chưa đồng ý với nội dung trả lời chất vấn thì có quyền chất vấn lại tại phiên họp của Quốc hội, của Ủy ban thường vụ Quốc hội hoặc gửi chất vấn bằng văn bản đến người bị chất vấn.
Tổ chức giám sát, tham gia hỗ trợ hoạt động giám sát tại địa phương
Luật cũng bổ sung nhiệm vụ của đoàn đại biểu trong việc tổ chức giám sát, tham gia hỗ trợ hoạt động giám sát tại địa phương, yêu cầu cơ quan, tổ chức liên quan cung cấp thông tin báo cáo về những vấn đề đại biểu quan tâm, quy định rõ hơn về điều kiện hoạt động của đại biểu. Điều 43 quy định: Tổ chức hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội và tổ chức để các đại biểu Quốc hội trong Đoàn thực hiện nhiệm vụ giám sát tại địa phương; tham gia và phối hợp với Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội trong các hoạt động giám sát tại địa phương; theo dõi, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân mà đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội đã chuyển đến cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền giải quyết; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan cung cấp thông tin, báo cáo về những vấn đề mà Đoàn đại biểu Quốc hội quan tâm.
Chính sách của đại biểu Quốc hội
Điều 41 của Luật quy định cụ thể về phụ cấp và các chế độ khác của đại biểu Quốc hội chuyên trách, phụ cấp của đại biểu Quốc hội không hưởng lương từ ngân sách nhà nước do Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định. Đại biểu Quốc hội được cấp hoạt động phí hằng tháng, kinh phí để thực hiện chế độ thuê khoán chuyên gia, thư ký giúp việc và các hoạt động khác để phục vụ cho hoạt động của đại biểu theo quy định của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Đổi mới phương thức tham gia xem xét, cho ý kiến về các vấn đề quan trọng của quốc gia
Về đổi mới phương thức tham gia xem xét, cho ý kiến của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về các vấn đề quan trọng của quốc gia, Điều 47 của Luật quy định, Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về việc chuẩn bị các dự án luật, dự thảo nghị quyết, các báo cáo và các dự án khác trình Quốc hội; xem xét báo cáo tổng hợp kết quả thảo luận của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội tại Đoàn đại biểu Quốc hội; dự kiến các vấn đề đưa ra thảo luận tại phiên họp toàn thể của Quốc hội.

Phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban thường vụ Quốc hội với các cơ quan khác của Quốc hội
Luật phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban thường vụ Quốc hội về công tác bầu cử với Hội đồng bầu cử quốc gia; làm rõ thẩm quyền của Uỷ ban thường vụ Quốc hội đối với Hội đồng nhân dân và Đoàn đại biểu Quốc hội. Cụ thể hóa vai trò chỉ đạo, điều hòa, phối hợp của Ủy ban thường vụ Quốc hội đối với Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, tạo sự chủ động cho Hội đồng, Ủy ban trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, bảo đảm mỗi nhiệm vụ chỉ giao cho một cơ quan thực hiện và chịu trách nhiệm để không có sự chồng chéo; đối với những nhiệm vụ liên quan đến nhiều cơ quan thì phải có cơ chế chủ trì, phối hợp.
+ Phân định rõ nhiệm vụ giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật theo ý kiến của đại biểu Quốc hội giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội, cơ quan chủ trì thẩm tra (Hội đồng, Ủy ban) và cơ quan trình dự án. Điều 48 của Luật quy định, Ủy ban thường vụ Quốc hội lập dự án về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và trình Quốc hội quyết định; chỉ đạo việc thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất; thành lập Ban soạn thảo, phân công cơ quan thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh theo quy định của pháp luật; cho ý kiến về các dự án luật trước khi trình Quốc hội; chỉ đạo việc nghiên cứu tiếp thu, giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật và trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Thủ tục giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh
Điều 49 của Luật quy định cụ thể quy trình, thủ tục giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh, theo đó: Ủy ban thường vụ Quốc hội tự mình hoặc theo đề nghị của Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ quan trung ương của tổ chức thành viên của Mặt trận hoặc kiến nghị của đại biểu Quốc hội quyết định việc giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh; Tùy theo tính chất, nội dung của vấn đề cần được giải thích, Ủy ban thường vụ Quốc hội giao Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hoặc Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội xây dựng dự thảo nghị quyết giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định; Dự thảo nghị quyết giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh phải được Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội thẩm tra về sự phù hợp của dự thảo nghị quyết giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh với tinh thần và nội dung quy định được giải thích của Hiến pháp, luật, pháp lệnh.
Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm, phê chuẩn các chức danh trong bộ máy nhà nước
Tại Điều 53, Luật đã cụ thể hóa việc bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm, phê chuẩn các chức danh trong bộ máy nhà nước, theo đó, Quốc hội Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, Tổng Kiểm toán nhà nước, Tổng thư ký Quốc hội theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định số Phó Chủ tịch, Ủy viên thường trực, Ủy viên chuyên trách và các Ủy viên khác của Hội đồng dân tộc, số Phó Chủ nhiệm, Ủy viên thường trực, Ủy viên chuyên trách và các Ủy viên khác của Ủy ban của Quốc hội; phê chuẩn danh sách Phó Chủ tịch, Ủy viên thường trực, Ủy viên chuyên trách và các Ủy viên khác của Hội đồng dân tộc, phê chuẩn việc cho thôi làm thành viên Hội đồng theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng dân tộc; phê chuẩn danh sách Phó Chủ nhiệm, Ủy viên thường trực, Ủy viên chuyên trách và các Ủy viên khác của Ủy ban, phê chuẩn việc cho thôi làm thành viên Ủy ban theo đề nghị của Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội; Phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm, miễn nhiệm đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Phê chuẩn kết quả bầu Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội; Phê chuẩn kết quả bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Bảo vệ Hiến pháp
Luật Tổ chức Quốc hội đã bổ sung quy định về trách nhiệm bảo vệ Hiến pháp của Ủy ban pháp luật – cơ quan của Quốc hội. Theo đó, Điều 70 về nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban pháp luật, thì cơ quan này có nhiệm vụ bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2016. Luật Tổ chức Quốc hội số 30/2001/QH10 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 83/2007/QH11 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực.

Nguồn: Infonet
Bình luận
vtcnews.vn