Tiến sỹ Bá thách đấu, Thứ trưởng Bộ GTVT nói gì?

Thời sựThứ Ba, 10/09/2013 06:40:00 +07:00

(VTC News) - Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông phản ứng thế nào trước lời “thách đấu” của Tiến sỹ Trần Đình Bá?

(VTC News) - Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông phản ứng thế nào trước lời “thách đấu” của Tiến sỹ Trần Đình Bá?

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông  
Mới đây, dư luận xôn xao trước sự việc Tiến sỹ Trần Đình Bá - Hội Kinh tế & Vận tải đường sắt Việt Nam gửi thư ngỏ tới Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Ngọc Đông để "thách đấu" 5 triệu USD (khoảng 100 tỷ đồng) về tốc độ "đường sắt đồ cổ" khổ 1 mét.


Trong phần đầu thư ngỏ, Tiến sỹ Bá đã phân tích chi tiết về công nghệ xây dựng và tốc độ đường sắt Việt Nam, so sánh với thế giới.

Sau những phân tích chi tiết về chuyên môn, Tiến sỹ Bá đưa ra lời thách đấu: “Với tinh thần trách nhiệm của một nhà khoa học có lương tri vì lợi ích nhân dân, tôi xin thách đấu với ông (Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông - PV) hai điều như sau:

Điều 1: Nói đi đôi với làm, ông hãy ngồi lên tàu chạy thực nghiệm 120 km/h để có tốc độ trung bình 80-90km/h, để hành trình Bắc-Nam đạt 21-23 giờ. Nếu thành công, tôi coi ông là “người anh hùng” và sẽ thưởng cho ông 5 triệu USD (khoảng 100 tỷ đồng).

Điều 2: Nếu ông không dám chạy thử nghiệm 120km/h, tốc độ trung bình không thể đạt 80-90km/h, hành trình Bắc-Nam không đạt 21-23 giờ, lại để xảy ra lật tàu chết người, ông sẽ phải trả cho tôi 5 triệu USD.

Ông Bá cho biết, ông mong Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông suy nghĩ thật kỹ trước khi nhận lời thách đấu này vì "ông là Tiến sỹ đường sắt xuất sắc nhất, lại là Thứ trưởng đủ bản lĩnh chính trị để chịu trách nhiệm trước nhân dân”.

“Chẳng có gì mà phải thách đố!”

Trả lời phỏng vấn của phóng viên VTC News vào tối 9/9 về nội dung trên, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nói: “Chúng tôi là cơ quan Nhà nước, có các cơ quan nghiên cứu khoa học, kĩ thuật, có các trình tự, thủ tục thẩm định chứ đâu có phải làm chơi đâu mà thách đố? Tôi chẳng có gì mà phải thách đố cả!

Với các đề nghị của Tiến sỹ Trần Đình Bá, Bộ Giao thông vận tải đã có các văn bản trả lời từ rất lâu rồi chứ không phải phớt lờ tới bây giờ. Gần đây ông ấy lại đưa ra chuyện này...”.

Nói về việc quy hoạch chi tiết hiện đại hóa tuyến đường sắt Bắc – Nam, ông Đông cho hay, mới đây, vào hôm 7/9 vừa qua, ngành đường sắt đã tổ chức hội thảo để nghiên cứu về định hướng phát triển đường sắt Bắc – Nam.

“Tham dự hội thảo có các nhà quản lý, nhà tư vấn, nhà nghiên cứu, người đề xuất... Các cơ quan đều đưa ra ý kiến, phản biện chứ có phải một, hai người được nói đâu.

Đã là đề án, dự án thì phải xét tới vấn đề kinh tế, kĩ thuật và tính khả thi của nó phải dựa trên các tác động tới sự phát triển của nền kinh tế, xã hội... Chưa kể đề xuất đó có định tính, nhưng cũng phải có thêm cả định lượng”, Thứ trưởng Đông cho biết thêm.

đường sắt
 

Ông Đông nhấn mạnh: “Chúng tôi hoan nghênh tất cả các ý kiến đóng góp của người dân, nhà khoa học, chuyên gia khác nhau... với mục tiêu đưa ra được các giải pháp hữu hiệu cho ngành giao thông vận tải nói chung và ngành đường sắt nói riêng, đặc biệt tuyến đường sắt Bắc – Nam.

Nhưng cụ thể thế nào thì còn có các cơ quan nghiên cứu chứ không phải chỉ phụ thuộc 1 – 2 sáng kiến. Mà trước đó phải xác định xem đó có phải là sáng kiến hay không đã. Đã là đề xuất phải có xem xét. Về tính khả thi của từng đề xuất, không thể khẳng định ngay được có khả thi hay không”.

Trong khi đó, cùng ngày, trao đổi với phóng viên VTC News, Tiến sỹ Trần Đình Bá lại khẳng định: “Đã hai tuần trôi qua, tôi vẫn chưa nhận được bất kỳ phản hồi nào từ phía Bộ Giao thông Vận tải”.

Trước đó, chiều 29/7/2013, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông làm việc với các đơn vị liên quan về quy hoạch chi tiết hiện đại hóa tuyến đường sắt Bắc - Nam.

Đại diện đơn vị tư vấn (Công ty CP tư vấn đầu tư và xây dựng GTVT) cho biết, tuyến đường sắt Thống Nhất từ Hà Nội - TP.HCM qua 21 tỉnh, thành với tổng chiều dài 1.726 km có nhiều đoạn xung yếu thường bị ngập lụt, sạt lở, nhất là qua khu vực đèo; các công trình trên tuyến, ray, ghi, tà vẹt, đá balats và hệ thống thông tin liên lạc chạy tàu lạc hậu.

Sau nâng cấp, tuyến đường đạt tiêu chuẩn đường sắt quốc gia cấp 1 - đường đơn (đối với các đoạn tuyến khó khăn về tiêu chuẩn bình diện, trắc dọc đạt tiêu chuẩn cấp 2); tốc độ bình quân tàu khách đạt được từ 80 - 90 km/giờ, năng lực thông qua toàn tuyến bằng 25 đôi tàu/ngày đêm; đến năm 2020 đạt 16,2 triệu lượt hành khách, 6,6 triệu tấn hàng hóa (so với giai đoạn 2009 - 2011, tăng 2,35 lần lượng khách và 2,36 lần lượng hành hóa).

Tổng vốn cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt bắc - nam hiện hữu khoảng 39.873 tỷ đồng.

Minh Quân

Bình luận
vtcnews.vn