Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: 'Tham nhũng, lãng phí còn nghiêm trọng'

Thời sựThứ Năm, 20/10/2016 14:04:00 +07:00

Sáng 20/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định tình trạng tham nhũng, lãng phí còn nghiêm trọng.

Sáng 20/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày báo cáo trước Quốc hội về tình hình kinh tế xã hội năm 2016 và nhiệm vụ năm 2017. Trong đó, Thủ tướng tập trung đề cập vấn đề hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí.

thu tuong nguyen xuan phuc

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày báo cáo Quốc hội về tình hình kinh tế xã hội năm 2016 và nhiệm vụ năm 2017 sáng 20/10

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định kỷ luật kỷ cương trong bộ máy hành chính và trong xã hội còn chưa nghiêm.

"Năng lực, phẩm chất của một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu. Sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế còn chậm. Phối hợp giữa các bộ ngành, địa phương thiếu chặt chẽ”, Thủ tướng nêu.

Một số quy định pháp luật còn sai sót, chưa bảo đảm tính khả thi. Việc tổ chức thực hiện và thi hành chính sách, pháp luật còn nhiều yếu kém, bất cập.

Việc xây dựng Chính phủ điện tử chậm; ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước chưa thật sự mạnh mẽ. Thanh tra, kiểm tra, giám sát và phản biện xã hội hiệu quả chưa cao.

”Tình trạng tham nhũng, lãng phí còn nghiêm trọng”, Thủ tướng nhận định.

Bên cạnh đó, việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia, công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế còn nhiều khó khăn, thách thức.

Tình hình tội phạm, trật tự an toàn xã hội trên một số lĩnh vực, địa bàn diễn biến phức tạp. Xảy ra nhiều vụ án hình sự, chống người thi hành công vụ và tai nạn giao thông, cháy nổ nghiêm trọng. Việc bảo đảm an ninh, an toàn thông tin mạng có nhiều hạn chế.

Về kinh tế, tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm đạt thấp so với cùng kỳ (5,93% so với 6,5%).

Dự báo tăng trưởng GDP cả năm thấp hơn kế hoạch đề ra (6,7%). Sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn; trong 9 tháng có khoảng 45.000 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và trên 8.300 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.

"Tăng trưởng kinh tế không đạt kế hoạch sẽ ảnh hưởng đến các chỉ tiêu khác, trong đó tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước, nợ công, nợ Chính phủ so với GDP có thể cao hơn dự kiến", Thủ tướng nói.

Video: Tổng thư ký Quốc hội nói về việc nợ công sắp vượt trần

Báo cáo của Thủ tướng cũng chỉ ra tình hình buôn lậu, gian lận thương mại diễn biến phức tạp; mới giải quyết được bước đầu tình trạng vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng; diễn ra nhiều vụ lừa đảo bán hàng đa cấp, tín dụng đen, gây bức xúc xã hội.

Thu ngân sách khó khăn, 9 tháng đạt thấp hơn cùng kỳ (70,8% so với 74,9%), trong đó thu ngân sách trung ương chỉ đạt 61%; nợ đọng thuế còn lớn.

Một số dự án sử dụng vốn đầu tư công hiệu quả thấp; nợ đọng xây dựng cơ bản lớn. Quản lý sử dụng tài sản công, chi tiêu công còn lãng phí. Nợ công cao, áp lực trả nợ lớn. 

Tái cơ cấu nhiều ngành, lĩnh vực còn chậm. Xử lý nợ xấu và các ngân hàng thương mại yếu kém gặp nhiều khó khăn, kết quả thấp. Các thị trường vốn, chứng khoán, bất động sản phát triển chưa bền vững. Tái cơ cấu, cổ phần hóa DNNN, thoái vốn đầu tư ngoài ngành chưa đạt kế hoạch.

Số lượng doanh nghiệp được cổ phần hóa lớn nhưng tỷ lệ vốn bán ra đạt thấp.

Việc xây dựng nông thôn mới ở một số nơi chưa quan tâm đúng mức đến phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập của người dân.

"Có địa phương còn lạm thu, kể cả đối với người nghèo, đối tượng chính sách; nợ xây dựng nông thôn mới ở một số địa phương còn lớn. Phát triển công nghiệp hỗ trợ chậm. Quản lý du lịch còn nhiều bất cập. Sự cố môi trường biển nghiêm trọng tác động tiêu cực đến sản xuất kinh doanh, du lịch, dịch vụ và an ninh trật tự, ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập, đời sống nhân dân ở một số tỉnh miền Trung", Thủ tướng nêu.

Đời sống người dân còn khó khăn, nhất là vùng bị thiên tai, bão lũ, hạn hán, xâm nhập mặn và sự cố môi trường. Mất an toàn thực phẩm xảy ra ở nhiều nơi, gây bức xúc xã hội. Công tác khám, chữa bệnh và quản lý dịch vụ ở một số bệnh viện còn yếu kém.

Báo cáo của Chính phủ cũng chỉ ra chất lượng giáo dục, nhất là đại học, dạy nghề chuyển biến chậm, chưa thật sự gắn với nhu cầu xã hội. Tình trạng suy thoái về đạo đức, lối sống chậm được khắc phục.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn