Thủ tướng: ‘Bộ Ngoại giao cần khắc phục tình trạng trên nóng dưới lạnh’

Thời sựThứ Hai, 26/02/2018 20:38:00 +07:00

Bộ Ngoại giao cần khắc phục tình trạng trên nóng dưới lạnh, siết chặt kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm cá nhân, xây dựng nền hành chính công vụ chuyên nghiệp, trong sạch, tận tụy, phục vụ.

Cần chấm dứt tình trạng ‘trên nóng, dưới lạnh’

Ngày 26/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến thăm Bộ Ngoại giao và chỉ đạo công tác đối ngoại năm 2018.

Phát biểu với các cán bộ, chuyên viên Bộ Ngoại giao, Thủ tướng đánh giá cao đội ngũ cán bộ của ngành tâm huyết, trách nhiệm, trong đó có nhiều người mà Thủ tướng đã làm việc trực tiếp, có trình độ cao, có khả năng tổng hợp, xây dựng chính sách.

Thủ tướng nêu rõ, trong thành tựu chung của đất nước có đóng góp to lớn, nhiều mặt của Bộ Ngoại giao. Năm 2017, các hoạt động đối ngoại ngày càng đi vào chiều sâu, ổn định và bền vững.

Thông qua các biện pháp vừa hợp tác, vừa đấu tranh, Việt Nam đã kiên quyết và kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác, góp phần tạo môi trường thuận lợi cho công cuộc phát triển và bảo vệ đất nước.

Bo ngoai giao 01

 Thủ tướng khẳng định hòa bình, hợp tác vẫn là xu hướng chính nhưng tình hình thế giới có nhiều thay đổi khó lường, do đó phải có cách làm phù hợp trong công tác đối ngoại, đưa đất nước tiến lên. (Ảnh: VGP)

“Ta làm tốt công tác tại diễn đàn ASEAN nhưng nhận thức về ASEAN vẫn chưa lan tỏa đến người dân và doanh nghiệp”, Thủ tướng chỉ rõ.

Thủ tướng cho rằng, ngoại giao kinh tế, hội nhập kinh tế cần chú trọng hơn nữa, tranh thủ hiệu quả các cam kết trong các hiệp định tự do thương mại đã ký để phát triển thị trường.

Công tác nghiên cứu, tham mưu, dự báo cần kịp thời, nhạy bén, khẩn trương hơn nữa trong bối cảnh quốc tế diễn biến nhanh chóng, phức tạp.

Trong mọi lĩnh vực công tác, kể cả Bộ Ngoại giao, còn có tình trạng một số công chức hoàn thành chưa tốt nhiệm vụ, do vậy, cần tiếp tục việc xây dựng ngành ngoại giao chuyên nghiệp, vững mạnh là một ưu tiên quan trọng, góp phần vào xây dựng chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần không ngồi chờ, không thụ động mà phải chủ động giúp doanh nghiệp.

Thủ tướng khẳng định hòa bình, hợp tác vẫn là xu hướng chính nhưng tình hình thế giới với nhiều thay đổi khó lường, do đó phải có cách làm phù hợp trong công tác đối ngoại, đưa đất nước tiến lên.

Bộ Ngoại giao cần khắc phục tình trạng trên nóng dưới lạnh, siết chặt kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm cá nhân, xây dựng nền hành chính công vụ chuyên nghiệp, trong sạch, tận tụy, phục vụ.

Thủ tướng cho rằng Bộ Ngoại giao cần đi đầu trong thực hiện phương châm hành động “10 chữ” mà Chính phủ đề ra trong năm 2018.

Thủ tướng bày tỏ “luôn đau đáu trong việc tìm ra một lối đi, cách làm hiệu quả nhất cho đất nước” và mong muốn Bộ Ngoại giao nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để áp dụng cho Việt Nam.

Phải dũng cảm chống lại sự trì trệ

Tạo buổi nói chuyện, Thủ tướng đề nghị 1.200 cán bộ, công chức, trong đó trên 1/3 dưới 35 tuổi, “các đồng chí cần cố gắng rèn luyện tốt hơn nữa, đề cao trách nhiệm cá nhân trong nghiên cứu, đề xuất xử lý công việc chuyên môn của cục, của vụ mình”.

Việc đổi mới cách chỉ đạo, bám sát công việc, nêu cao tinh thần trách nhiệm với dân, với nước, với bộ rất quan trọng.

Thu tuong tham quan tru so lam viec moi cua BNG

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói chuyện với lãnh đạo, cán bộ Bộ Ngoại giao.

Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam có nhiều đối tác chiến lược, cần tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại đa phương, nhất là với ASEAN, Liên Hợp Quốc nhằm mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao tiềm lực đất nước.

Bộ Ngoại giao cần kiên trì thúc đẩy việc giải quyết tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, chủ động dự báo, xử lý linh hoạt mọi tình huống, không để rơi vào thế bị động, đối đầu.

Thủ tướng nhấn mạnh về quốc phòng an ninh, theo chiến lược bảo vệ Tổ quốc từ xa và giữ nước từ khi nước chưa nguy, về đối ngoại phải thực hiện tốt chủ trương Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Các nhà ngoại giao, cơ quan ngoại giao không chỉ giúp chính quyền, người dân, cộng đồng doanh nghiệp quốc tế hiểu về Việt Nam mà còn phải giúp người dân, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam hiểu về đất nước và những cơ hội kinh doanh ở nơi mình công tác.

Thủ tướng đề nghị Bộ Ngoại giao cần chọn những chuyên đề để báo cáo lãnh đạo Bộ và báo cáo Thủ tướng như: Những xu hướng của thị trường chứng khoán sắp tới, vấn đề Biển Đông, vấn đề tiền ảo, vấn đề xu hướng tiêu dùng khu vực...

Thủ tướng nhấn mạnh để thành công thì vấn đề quan trọng nhất vẫn là con người. Do đó, cần quan tâm xây dựng lớp cán bộ ngoại giao vừa hồng, vừa chuyên.

“Tinh thần lớn mà Thủ tướng muốn nói với đồng chí là phải tìm, đưa vào Bộ Ngoại giao những người tài đức; đầu ra phải cơ cấu lại, giảm những bộ phận không cần thiết”, Thủ tướng nhấn mạnh.

“Những cản trở, trì trệ luôn có ở một đất nước, một tổ chức, một cơ quan, cho nên phải có những người dũng cảm để chống trì trệ, chống vô tổ chức, chống xuống cấp của tổ chức, cơ quan, từ đó chúng ta xây dựng đất nước. Chính vì thế, Bộ Ngoại giao phải là người dũng cảm đó”, Thủ tướng nói.

Lưu Thủy
Bình luận
vtcnews.vn