Thiếu tướng Phạm Lê Xuất: ‘Nhiều cán bộ giải trình nguồn gốc tài sản từ nuôi lợn nuôi gà’

Thời sựChủ Nhật, 09/07/2017 10:36:00 +07:00

Luật phòng, chống tham nhũng đã quy định rất rõ việc cán bộ công chức phải kê khai tài sản công khai và trung thực, vì vậy những trường hợp gian dối trong kê khai tài sản phải xử lý nghiêm.

Trao đổi với VTC News, thiếu tướng Phạm Lê Xuất, Phó chánh thanh tra Bộ Công an cho biết, hiện nay vẫn còn có nhiều cán bộ công chức nhà nước kê khai tài sản thiếu trung thực, có hành vi gian dối. Đây là những trường hợp cần phải xử lý nghiêm.

Video: Giám đốc Sở TNMT tỉnh Yên Bái nói về khối tài sản bất thường của mình

Thiếu tướng Phạm Lê Xuất cho biết: “Trong Luật Phòng, chống tham nhũng có điều khoản quy định rất rõ ràng về việc kê khai tài sản của cán bộ công chức nhà nước.

Đó là cán bộ công chức nhà nước kê khai tài sản một cách công khai, đầy đủ và trung thực. Nên những trường hợp kê khai tài sản không đầy đủ, không chính xác cần phải kiểm tra, và sau khi phát hiện và có kết luận thì phải xử lý thật nghiêm”.

thieu tuong pham le xuat

Thiếu tướng Phạm Lê Xuất, Phó chánh thanh tra Bộ Công an.

Theo thiếu tướng Xuất, Nghị định 59 của Chính phủ về “Quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng” cũng đã cụ thể hóa những điều khoản trong Luật phòng, chống tham nhũng. Theo đó, quy định rõ những hành vi nào sẽ bị xử lý, quy trình, hình thức và mức độ xử lý ra sao đều rất chi tiết.

Thiếu tướng Phạm Lê Xuất cho rằng: “Những cuộc thanh tra hành chính về việc chấp hành pháp luật trong kê khai tài sản sẽ giúp đi sâu, làm rõ hơn về tài sản của các cán bộ, công chức nhà nước. Qua thanh tra, kiểm tra, sẽ phát hiện được những cán bộ, công chức sai phạm để từ đó có biện pháp xử lý kỷ luật thích hợp.

“Tôi nghĩ rằng đó là việc làm cần thiết và nên thực hiện thường xuyên”, Thiếu tướng Xuất nhấn mạnh.

Trước đó, phát biểu tại hội nghị giao ban thanh tra các bộ ngành 6 tháng đầu năm 2017 tại Thanh tra Chính phủ vào chiều 5/7, thiếu tướng Phạm Lê Xuất đánh giá gần đây có nhiều vụ việc tiêu cực, tham nhũng liên quan đến kê khai tài sản. Một trong những bất cập lớn nhất là cơ chế kiểm soát việc kê khai cũng như thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức.

Theo thiếu tướng Xuất, hiện chỉ khi nào có đơn thư tố cáo thì cơ quan quản lý cán bộ thuộc diện kê khai mới chỉ đạo làm rõ xem đúng hay không và cũng chưa có quy định truy nguyên nguồn gốc tài sản nên không giải đáp được tài sản lấy từ đâu.

“Từ việc này mới có chuyện nhiều người giải trình tài sản hình thành từ nuôi lợn nuôi gà”, thiếu tướng Phạm Lê Xuất nêu vấn đề và cho biết hiện chưa có cơ chế kiểm soát xem giải trình như thế có đúng không.

Về những hạn chế này, thiếu tướng Xuất đề nghị Thanh tra Chính phủ cần đưa nội dung thanh tra việc kê khai tài sản vào chương trình, kế hoạch năm 2018.

“Nếu việc thanh tra được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc thì những cán bộ thuộc diện phải kê khai sẽ tự giác, trung thực hơn, vì sợ nếu kê khai không trung thực sẽ bị phát hiện và xử lý”, tướng Xuất nói.

Theo số liệu của Thanh ttra Chính phủ, trong 6 tháng đầu năm 2017, Thanh tra Chính phủ đã thực hiện 480 cuộc thanh tra trách nhiệm tại 900 đơn vị và kiến nghị xử lý hành chính 172 tổ chức, 310 cá nhân có hành vi sai phạm.

Lưu Thủy
Bình luận
vtcnews.vn