Tết rộn ràng ở ngôi làng đặc biệt bậc nhất Hà Nội chuyên làm cờ, băng rôn cổ vũ bóng đá

Thời sựThứ Ba, 05/02/2019 19:16:00 +07:00

“Trong năm qua, ở mỗi giải đấu của đội tuyển Việt Nam, chúng tôi bận rộn cả ngày lẫn đêm và thu nhập cũng cao hơn gần gấp đôi”, chủ xưởng chuyên làm cờ, băng rôn cổ vũ bóng đá chia sẻ.

Dịch vụ ăn theo trái bóng lên ngôi

Những ngày cận Tết Nguyên đán 2019, người dân may cờ làng Từ Vân (Lê Lợi, Thường Tín, Hà Nội) vẫn tất bật làm việc để chuẩn bị cho những ngày lễ hội trong dịp Tết. Với họ, 2018 là một năm làm ăn phát tài khi đội tuyển Việt Nam liên tục lập được những kì tích trong các giải đấu.

Đã có hơn 20 năm gắn bó với nghề truyền thống của cha ông để lại, ông Nguyễn Văn Phục cho rằng chưa bao giờ người Việt Nam lại “cuồng” bóng đá như 2 năm trở lại đây.

IMG_0974 3

 Cơ sở sản xuất nhà ông Phục tất bật chuẩn bị cờ, băng rôn cho dịp Tết và lễ hội năm 2019.

Ông Phục cho hay, kể từ giải đấu U23 Châu Á vào tháng 1/2018, đội tuyển Việt Nam làm nên điều kì tích khi khi vượt qua Quatar, Iraq và giành ngôi Á quân, các mặt hàng cờ Tổ quốc, băng rôn của xưởng ông luôn trong tình trạng “cháy” hàng.

Sau đó, những giải đấu lớn như AFF Cup, Asian Cup, gia đình ông làm việc hết công suất, chuẩn bị hàng trước cả tháng nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Nhà ông có 2 máy cắt laser và hơn 10 máy khâu luôn hoạt động hết công suất, cho ra hơn 10 nghìn cờ, băng rôn mỗi ngày… Cùng với đó, hơn chục nhân công nhân luôn phải làm tăng ca. Tuy nhiên, cung đều không đủ cầu.

IMG_1056 4

 Công đoạn in chữ cho băng rôn.

“Khoảng thời gian diễn ra bóng đá, dân buôn cờ, băng rôn lại kéo về làng tôi, mà ở làng thì còn rất ít nhà làm, nên không đủ cho họ. Nhiều lúc tôi nói vui, sức người thì có hạn, sao mà có thể làm được suốt ngày đêm.

Trong 2 năm qua, chúng tôi đã bán được hàng triệu lá cờ, băng rôn, sticker… nhờ các giải đấu của đội tuyển Việt Nam”, ông Phục nói.

Cũng giống như gia đình ông Phục, xưởng sản xuất cờ của bà Vương Thị Nhung cũng làm việc hết công suất trước những giải đấu hàng tháng trời, nhưng hàng ra đến đâu lại hết đến đó. Trong mùa AFF Cup 2018, doanh thu nhà bà đã tăng lên gần gấp đôi.

IMG_1141 5

 Bà Nhung luôn bận rộn với những cuộc điện thoại gọi hỏi mua hàng của khách.

Bà Nhung cho biết, dù không đủ sức để làm nhưng giá các loại sản phẩm vẫn không hề tăng, với cờ Tổ quốc có kích thước 80x120cm giá là 14-15 nghìn đồng/cái, băng rôn có giá hơn 1 nghìn đồng/cái.

Tuy nhiên, khi đến tay người hâm mộ có thể lên đến hơn trăm nghìn đồng/cờ, 10 nghìn đồng/băng rôn.

IMG_1144 6

 Gia đình bà Nhung còn làm băng đeo tay, cờ thi đấu...

“Khi Việt Nam vô địch AFF Cup 2018, khắp nước Việt Nam tràn ngập một màu cờ đỏ sao vàng, cũng là lúc những người đi bán lẻ “hời” nhất. Vì họ có thể kiếm tiền triệu chỉ sau vài tiếng đồng hồ, chúng tôi làm ra thì lãi ít thôi”, bà Nhung chia sẻ.

Cái khó của nghề may cờ

Theo chia sẻ của người làm cờ, nghề may cờ Tổ quốc có nhiều cái khó so với các nghề may thêu khác. Người may giỏi nhưng chưa chắc đã biết may cờ và đối với những người thợ lành nghề, khi may viền thì dễ nhưng chưa chắc đã thành thạo khi may đính sao.

IMG_1147 7

Lá cờ được thêu với màu sắc bắt mắt, bền đẹp.

Nghề may cờ kỳ công từ khâu chọn vải, thêu, in, pha màu... làm sao để cờ may xong không chỉ chính xác về tiêu chuẩn mà phải sắc nét, chắc chắn.

Loại vải may lá cờ là vải mua từ làng La Khê, (quận Hà Đông, Hà Nội). Còn tua, chỉ được mua từ làng Triều Khúc (Thanh Trì, Hà Nội). Mỗi nhà có một bí quyết riêng nhưng cái khó nhất là phải thổi “hồn” vào từng là cờ dù là cờ to hay nhỏ, cờ in hay cờ thêu.

"Người ta thường chọn mua cờ làng Từ Vân bởi chất lượng, mẫu mã đẹp, dòng chữ in sắc sảo, cân đối, màu đỏ trên cờ tươi thắm", bà Nhung chia sẻ.

Theo bà Nhung, để làm ra một chiếc cờ đẹp phải trải qua 10 công đoạn. Một trong những khâu đầu tiên nhưng lại quan trọng nhất là khâu chọn vải. Vải phải tốt mới có thể may đẹp từng đường kim mũi chỉ.

IMG_1161 8

 Đối với cờ may, gia đình bà Nhung có những khung in hình những thể loại mà khách hàng yêu cầu.

“Nghề may cờ vất vả vậy nên chỉ có tôi và 2 chị gái theo nghề của bố vì tình yêu Tổ quốc, lòng tự hào dân tộc khi cầm trên tay lá cờ đỏ sao vàng”, bà Nhung chia sẻ.

Bà Nhung cho hay, ngoài cờ may, nhà bà còn có cờ thêu, loại cờ này đòi hỏi sự cầu kì nhưng giá thành, chất lượng cũng hơn. Bà thuê 50-60 nhân công nhận hàng về làm tại nhà.

Một năm có nhiều ngày lễ, Tết lớn của dân tộc như 3/2, 30/4-1/5, 2/9... nên gia đình bà sản xuất quanh năm để bán vào những dịp này.

Mạnh Đoàn
Bình luận
vtcnews.vn